Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

2,5 triệu trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt

Thứ năm, 13/06/2013 - 08:37

(Thanh tra )- Hàng năm có trên 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, 14.000 trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có khoảng 15% phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt lên đến 2,5 triệu em… Vì vậy, cùng với các chính sách của Nhà nước, rất cần sự chung tay của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo bà Phạm Thị Hải Hà, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp, bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó đặc biệt quan tâm đến những trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em có cơ hội phát triển bình đẳng.

Về bảo trợ xã hội, Chính phủ đã có chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ mồi côi và trẻ bị bỏ rơi; chính sách miễn, giảm học phí… Đặc biệt, theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) theo quy định. Hàng năm có 70% trẻ em sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, khoảng 600.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, được hòa nhập và phát triển. Cuộc sống của trẻ em ngày càng được cải thiện tốt hơn, các quyền của trẻ em được quan tâm và thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn một số hạn chế. Cả nước còn 1,47 triệu trẻ em sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng năm có trên 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, 14.000 trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có khoảng 15% phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt lên đến 2,5 triệu em.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bên cạnh các hoạt động của Tháng Hành động vì trẻ em, Cục sẽ tăng cường vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân góp sức cải thiện đời sống của trẻ em, thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, đặc biệt là tạo cơ hội phát triển bình đẳng thông qua các hình thức như trao học bổng, xây dựng các công trình, trường lớp, nhà bán trú, điểm vui chơi, hỗ trợ thiết bị giáo dục cho trẻ em vùng nghèo, miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…


Đồng thời, các phong trào tình nguyện của thanh niên, cá nhân, tổ chức đang hướng tới trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện. Trong đó, dự án “cơm có thịt” đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Dự án hướng tới trẻ em nghèo, trẻ em miền núi với ước mơ giản dị nhất: Bữa cơm có thịt. Sắp tới, dự án sẽ tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thư viện, sân chơi, tặng áo ấm cho các em…

Được biết, 7 nhóm đối tượng liên quan đến trẻ em được hưởng chính sách trợ cấp xã hội: Trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng thuộc gia đình nghèo; trẻ em khuyết tật nặng; gia đình co người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em là nạn nhân chất độ hóa học/dioxin; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; người nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật; người đơn thân hộ nghèo, đang nuôi trẻ nhỏ dưới 16 tuổi.


Nguyễn Nhuần

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm