Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Yên Tử thiêng liêng đêm Giao thừa

Thứ năm, 11/02/2021 - 06:00

(Thanh tra)- Vào thời khắc Giao thừa, trên đỉnh non thiêng Yên Tử, tại chùa Đồng, sư trụ trì thỉnh những tiếng chuông để đón chào năm mới.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Yên Tử thỉnh chuông tại chùa Đồng đêm Giao thừa. Ảnh: Trà Vân

Khi tiếng chuông ngân vang, ấy là lúc đất trời giao thoa.

Theo truyền thuyết, khi tiếng chuông vang lên, những đám mây tụ lại, rồi tan vào hư không, để đón những áng mây hồng ấm áp, chào mùa Xuân đến.

Theo lý giải của các nhà sư, chữ “Đồng” ở đây là sự hoà đồng giữa con người với thiên nhiên, sự đồng lòng, đồng sức của con dân nước Việt.

Chiều 30 Tết, núi rừng Yên Tử tĩnh lặng. Người ta có thể nghe được tiếng rơi nhẹ của chiếc lá, tiếng nước suối róc rách luồn qua khe đá.

Chùa Hoa Yên, được gọi là ngôi chùa cả trong hệ thống chùa Yên Tử, vào chiều 30, khi mọi người sum vầy bên mâm cơm gia đình, thì các nhà sư đang quét dọn sân chùa, bao sái Tam bảo và chuẩn bị gói bánh chưng để cúng Giao thừa.

Chùa Hoa Yên - chùa cả trên Yên Tử. Ảnh: Trà Vân

Trong khói lam chiều, những ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng đã xoá tan cái lạnh lẽo của núi rừng. Những chiếc bánh chưng được gói ghém đẹp đẽ với hương vị đặc trưng của mùi nếp mới, nhân đỗ xanh thơm lừng được dâng lên cúng Phật, cúng Tổ.

Bữa cơm chay chiều 30 được các vị sư bày biện cẩn thận dâng lên Tam bảo với lòng thành kính.

Trong khói hương trầm mặc lòng tĩnh tâm, những tiếng kinh kệ vang lên thỉnh cầu một năm mới mùa màng bội thu, tiêu trừ bệnh tật, muôn dân hạnh phúc.

Những vị tu hành thực hiện nghi thức nhiễu Tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông, bày tỏ lòng biết ơn công đức sâu dày của Điều ngự Giác hoàng, nguyện trở thành người con Phật để cứu độ chúng sinh.

Cách đây hơn 712 năm, sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, vị vua anh hùng Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để lên Yên Tử tu hành, nghiên cứu giáo lý nhà Phật, gắn kết với triết lý nhân sinh dân tộc để hình thành và sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng “nhập thế”, “tu tại tâm” mà ở đó, đạo không tách biệt đời. Ðạo phải thể hiện ngay trong cuộc sống. Đó là: Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên/Đói đến ăn ngay mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Chiều 30 Tết, các nhà sư gói bánh chưng dâng lên cung Phật. Ảnh: Trà Vân

Thời khắc Giao thừa đến là lúc những tiếng chuông ở chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử vang lên khắp các cõi. Đây cũng là lúc Yên Tử như chốn bồng lai, là sự linh thiêng của trời đất và lòng người hoà hợp.

Sư trụ trì Yên Tử vừa thỉnh chuông và đọc bài kệ: Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe/Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm/Nghe chuông phiền não tan mây khói/Ý lặng thân an, miệng mỉm cười/Hơi thở nương chuông về chính niệm/Vườn tâm hóa tuệ nở xinh tươi/Nguyện tiếng chuông này vang khắp giới/Xa xôi tăm tối cũng đều nghe/Những ai lạc bước mau dừng lại/Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.

Thời khắc năm mới đã đến - Xuân Tân Sửu. Bên ấm trà đạo, Thượng toạ Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Yên Tử nhắc nhở các đệ tử những lời dạy của Đức Phật về hình ảnh con trâu. Theo đó, những ngày Đức Phật sắp nhập Niết bàn, Ngài giáo huấn hàng đệ tử của mình bằng hình ảnh chăn trâu để khuyến giáo họ về việc chánh niệm tỉnh giác, giữ gìn bản tâm thanh tịnh. Phật nói: “Y như chăn trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa mạ của người”.

Ảnh: Trà Vân

“Rõ ràng, hình ảnh con trâu rất quen thuộc và gần gũi với chúng sinh, bản tính của trâu không hung hăng, thuần hậu, siêng năng, nhẫn nại, dễ điều phục, nhưng thỉnh thoảng vẫn làm bậy, ngu si. Kinh điển lấy hình ảnh trâu để nhấn mạnh đến sự vô trí có trong con người. Danh hiệu của Đức Phật là “Điều ngự sư” nên cũng có thể hiểu là Ngài là một người chăn, một người đánh xe kéo, đưa chúng sinh ra khỏi bể khổ, giải thoát an lạc.

Và, hình ảnh con trâu xuất hiện trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm đời Trần rất sinh động và hấp dẫn đến người học đạo trong tiến trình tu tập và thăng chứng của mỗi người.

“Vào thời nhà Trần, trong Thiền môn Việt Nam xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, một thiền sư đắc đạo có hành trạng diệu dụng mà mắt phàm khó thấu rõ. Ngài nổi tiếng với bài thơ “Phóng Ngưu”:Ngẫu hướng Quy Chợt hướng non Quy được thảnh thơi/ Đồng hoang đành vậy giữ trâu chơi/Nhà vua đức rộng như sông biển,
Tùy phận Xuân về nước cỏ tươi”, Thượng tọa chia sẻ.

Trà Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm