Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 25/06/2016 - 09:50
Ngoại ngữ, mà cụ thể là tiếng Anh, là một yếu tố quan trọng đối với các người đẹp khi bước ra đấu trường nhan sắc quốc tế, nhưng quan trọng đến mức nào, đó là một câu hỏi khó trả lời. Xin kể ra đây một vài câu chuyện tản mạn về “Hoa hậu và ngoại ngữ”, để độc giả tự đánh giá…
Hoa hậu Đông Nam Á 2014 - Vũ Trần Triều Thu
Câu chuyện khả năng ngoại ngữ của các Hoa hậu, người đẹp đã và đang là câu chuyện thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam. Ngoại ngữ được cho là yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng hình ảnh một người đẹp khi bước ra đấu trường nhan sắc quốc tế, giúp họ có cơ hội đoạt thứ hạng cao.
Cho tới thời gian gần đây, khi vụ lùm xùm xoay quanh chuyện Hoa hậu Đông Nam Á 2014 Vũ Trần Triều Thu nói tiếng Anh dở trở thành đề tài bàn luận của công chúng, những góc nhìn mới bất ngờ được mở ra.
Một trang tin của Philippines đã lên tiếng bênh vực cho Thu Vũ: “Nếu bạn chứng kiến một tình huống như thế này, đừng cười người khác vì họ không giỏi tiếng Anh. Thay vào đó, hãy giúp người ta!”.
Cựu người mẫu Thúy Hằng, người từng đưa nhiều đại diện nhan sắc Việt Nam đi dự thi tại các đấu trường nhan sắc quốc tế cũng chia sẻ: “Chúng ta nên nhìn câu chuyện đa chiều chứ đừng ném đá Thu Vũ”.
Trong khi chúng ta đang mặc định rằng ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng đối với thành bại của một người đẹp tại các đấu trường nhan sắc quốc tế, rằng “đã là Hoa hậu thì phải nói giỏi tiếng Anh”, thì Thúy Hằng, từ góc nhìn của người trong cuộc lại khẳng định:
“Để giành được giải cao tại các đấu trường nhan sắc quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngôn ngữ chỉ là một yếu tố nhỏ. Có rất nhiều thí sinh vẫn giành giải lớn dù không giao tiếp được bằng tiếng Anh, vì vậy, không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ với các thí sinh.
Các thí sinh cần sự chuẩn bị về khả năng giao tiếp, cách đi lại, đứng ngồi, bắt tay, quan sát và xử lý tình huống, trang phục, phong cách trình diễn, cách tỏa sáng ở mọi thời điểm. Và không phủ nhận, ngoại ngữ tốt sẽ là điểm cộng hỗ trợ cho những yếu tố trên”.
Như vậy, ngoại ngữ, mà cụ thể là tiếng Anh, cũng là một yếu tố quan trọng đối với các người đẹp khi muốn bước ra biển lớn, nhưng cụ thể, quan trọng đến mức nào, đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Xin kể ra đây một vài câu chuyện tản mạn về “Hoa hậu và ngoại ngữ”, để độc giả có những đánh giá của riêng mình…
Câu trả lời hay nhất của Á hậu 1 - Hoa hậu Hoàn vũ 2012
Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Miss Universe 2012, người đẹp Philippines - Janine Tugonon đã từng nhận được câu hỏi: “Bạn có nghĩ nói được tiếng Anh là một yếu tố tiên quyết của Hoa hậu Hoàn vũ hay không và tại sao?”.
Janine đến từ một đất nước mà ở đó tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính thức, cô cũng có nhiều năm tháng sinh sống và học tập tại thủ đô Manila, vì vậy, không nghi ngờ gì khả năng nói tiếng Anh của Janine.
Câu trả lời của Janine Tugonon sau đó đã được nhiều trang báo bình chọn là một trong những câu trả lời ứng xử hay nhất trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc quốc tế: “Đối với tôi, việc trở thành Hoa hậu Hoàn vũ không chỉ nằm ở việc biết nói một thứ ngôn ngữ nào đó, mà nằm ở việc tôi có thể gây ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho những người khác như thế nào.
“Vì vậy, dù bạn nói bất cứ ngôn ngữ nào, chỉ cần trái tim của bạn sẵn sàng cống hiến và bạn có một tâm thế vững vàng để thể hiện thuyết phục mong muốn đó với mọi người, vậy thì, khi đó, bạn có thể trở thành Hoa hậu Hoàn vũ. Xin cảm ơn!”.
Hoa hậu Venezuela gây “hoang mang” khi trả lời ứng xử bằng tiếng Anh
Trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc quốc tế, Venezuela luôn giữ vị trí quán quân. Tính đến thời điểm năm 2015, Venezuela - “cường quốc Hoa hậu” - đã sở hữu 21 danh hiệu cao quý đoạt được từ 4 cuộc thi nhan sắc quốc tế đỉnh cao, Venezuela hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới giành được vương miện Hoa hậu ở cả 4 cuộc thi nhan sắc lớn tới… hơn hai lần mỗi giải (gồm Hoa hậu Thế giới - Miss World, Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe, Hoa hậu Quốc tế - Miss International, Hoa hậu Trái đất - Miss Earth).
Một điều thú vị là các thí sinh đến từ Venezuela thường không sở hữu thế mạnh ngoại ngữ, họ chỉ nói được rất ít tiếng Anh hoặc thậm chí là chẳng nói tí tiếng Anh nào, nhưng tại sao Venezuela vẫn cứ là “cường quốc xuất khẩu hoa hậu”? Đó lại là một câu chuyện khác thuộc về “bí mật quốc gia” của Venezuela.
Trở lại với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012, người đẹp Venezuela - cô Irene Sogia Esser Quintero - năm đó đã giành giải Á hậu 2 - một vị trí chưa phải là ấn tượng so với “thành tích bất hủ” của các đàn chị đi trước, nhưng có một chi tiết, đó là ở phần thi ứng xử, Irene đã từ chối sử dụng phiên dịch mà cố tự trả lời bằng tiếng Anh.
Và phải nói một cách công bằng rằng phần trả lời tiếng Anh của Irene chẳng lấy gì làm dễ hiểu, nhưng Irene vẫn là Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ - một vị trí đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia chưa từng sở hữu một danh hiệu nhan sắc quốc tế nào.
Trong phần thi ứng xử của đêm chung kết, Irene được ban tổ chức hỗ trợ một phiên dịch chuyên nghiệp để giúp cô hiểu đúng câu hỏi của mình: “Nếu bạn có thể thay đổi một điều luật nào đó, bạn sẽ thay đổi điều gì và tại sao?”.
Irene hoàn toàn có thể trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng cô đã quyết định trả lời bằng tiếng Anh. Quả thực, có những chỗ cô diễn đạt không thoát ý, rất khó hiểu, chưa kể phát âm không… chuẩn:
“Tôi nghĩ rằng bất cứ điều luật nào tồn tại trong Hiến pháp hay trong cuộc sống đều đã được đưa ra rồi. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên… (ngưng) đi thẳng tới sự tương đồng giữa chúng ta… (ngưng) hay là trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, tôi là một vận động viên lướt sóng, và tôi nghĩ rằng con sóng tuyệt nhất mà tôi có thể lướt là con sóng mà tôi vẫn đang chờ. Vì vậy hãy làm phần của mình thôi… (ngưng), luật mà chúng ta có thể theo. Cảm ơn!”.
Câu trả lời của Hoa hậu Venezuela không thể nói là sáng ý, truyền thông và công chúng sau đó đã thể hiện sự “ngỡ ngàng” trước câu trả lời rối nghĩa của người đẹp, nhưng cũng có nhiều ý kiến bênh vực cho rằng Irene đã rất dũng cảm, đã dám mạo hiểm trong một vòng thi quan trọng.
Trong khi Irene thử sức với tiếng Anh thì nhiều người đẹp góp mặt trong vòng thi này đã lựa chọn trả lời bằng tiếng bản ngữ, như người đẹp Mexico hay người đẹp Pháp.
Sau tình huống của người đẹp Venezuela, người phát ngôn của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 khẳng định cuộc thi không có bất cứ yêu cầu nào về ngôn ngữ đối với các thí sinh và họ tự hào vì những thí sinh đa dạng đến từ khắp nơi trên thế giới của mình.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng có thể vì tiếng Anh không tốt nên người đẹp Venezuela mới dừng chân ở ngôi vị Á hậu 2, chính Hoa hậu Hoàn vũ 2012 đến từ nước Mỹ - cô Olivia Culpo cũng khẳng định:
“Những thí sinh không nói được tiếng Anh chắc chắn sẽ gặp phải những bất lợi, khiến hành trình của họ tại cuộc thi trở nên khó khăn hơn. Nếu thực sự muốn là Hoa hậu, tôi nghĩ cần phải có sự chuẩn bị về tiếng Anh bởi Hoa hậu Hoàn vũ sẽ sinh sống một thời gian ở New York, tham gia nhiều sự kiện ở New York, và ở đây, người ta nói tiếng Anh”.
Công cuộc rèn luyện tiếng Anh “thượng lưu” của người đẹp Ấn Độ
Trong bản đồ nhan sắc quốc tế, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 4 với 8 danh hiệu lớn đoạt được từ bộ tứ cuộc thi nhan sắc quốc tế. Ấn Độ đã giành được 3 trong số 4 danh hiệu Hoa hậu quốc tế cao quý nhất, họ chỉ còn thiếu Hoa hậu Quốc tế (Miss International).
Tuy vậy, Ấn Độ cũng có kỷ lục của riêng mình khi là quốc gia đầu tiên từng hai lần giành được nhiều danh hiệu Hoa hậu quốc tế trong cùng một năm. Năm 1994, Ấn Độ có Hoa hậu Hoàn vũ Sushmita Sen và Hoa hậu Thế giới Aishwarya Rai. Năm 2000, họ lại có Hoa hậu Hoàn vũ Lara Dutta và Hoa hậu Thế giới Priyanka Chopra.
Trong cuốn sách “Making Miss India Miss World” (Biến Hoa hậu Ấn Độ trở thành Hoa hậu Thế giới) của tác giả Susan Dewey - Giáo sư chuyên nghiên cứu về vấn đề giới tại trường Đại học Wyoming (Mỹ), nhiều bí mật trong quy trình đào tạo người đẹp Ấn Độ đi thi tại đấu trường nhan sắc quốc tế được hé lộ.
Trong đó, vấn đề ngoại ngữ cũng rất được quan tâm, Ấn Độ có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Hindi. Khi tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế, thí sinh Ấn Độ có lợi thế ngoại ngữ, người đẹp Ấn Độ không chỉ nói được tiếng Anh mà còn nói tiếng Anh - Anh chuẩn mực.
Ngay giữa những người đẹp nói tiếng Anh của Ấn Độ cũng đã có sự phân cấp tại các cuộc thi nhan sắc trong nước, người nào nói tiếng Anh “dân dã”, người nào nói tiếng Anh “thượng lưu, chuẩn mực”, người nào được đào tạo từ những trường tư danh tiếng và đắt đỏ, nơi tiếng Anh - Anh thời thượng được giảng dạy.
Hoa hậu Thế giới Miss World 1999 - Yukta Mookhey - một nhan sắc Ấn Độ, từng khuyên các “đàn em” rằng: “Một nửa số thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế không nói được tiếng Anh, vì vậy, khả năng cạnh tranh của họ bị giảm đi, họ không thể tương tác hiệu quả được, người đẹp Ấn Độ với khả năng nói tiếng Anh trôi chảy và chuẩn xác sẽ có thêm cơ hội”.
Người đẹp Việt Nam gây chú ý tại Hoa hậu Quốc tế Miss International 2015 nhờ giỏi tiếng Anh
Tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế Miss International 2015, người đẹp Phạm Hồng Thúy Vân đã làm nức lòng người Việt khi đoạt thứ hạng cao - ngôi vị Á hậu 3 chung cuộc. Một lợi thế của Thúy Vân là khả năng nói tiếng Anh. Cô đã ghi điểm tại những cuộc chuyện trò, hùng biện.
Khi đưa tin về Miss International 2015, trang tin Missology chuyên theo sát các cuộc thi nhan sắc quốc tế đã rất chú ý Thúy Vân, chẳng hạn tại một cuộc tranh luận dành cho các người đẹp, Thúy Vân đã ghi điểm.
Có 15 nhóm tranh luận, mỗi nhóm có 5 phút trình bày, có thể cử một đại diện phát biểu hoặc tất cả cùng đứng lên phát biểu, miễn là trong 5 phút phải trình bày xong. Lúc này, việc hoàn tất phần diễn ý của mình mà không choán hết thời gian của những thành viên khác trong nhóm trở thành một bài sát hạch nhiều kỹ năng.
Không nói được tiếng Anh chắc chắn là mất cơ hội đứng lên thể hiện bản thân, nhưng nếu nói được mà nói quá nhiều, lấy mất thời gian của người khác cũng bị “đánh giá”. Thúy Vân được Missology nhận định là thí sinh Việt Nam có khả năng hùng biện tốt nhất từng xuất hiện tại Miss International. Mặc dù trong nhóm có người đẹp Anh sở hữu thế mạnh nói tiếng bản ngữ, nhưng Thúy Vân vẫn tỏa sáng nhất.
Miss International có trụ sở “đại bản doanh” đặt ở Tokyo, Nhật Bản, địa điểm tổ chức cuộc thi qua nhiều năm cũng là ở Nhật, vì vậy, cuộc thi sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định từ văn hóa Nhật.
Đối với người Nhật, dù bạn nói tiếng Anh không giỏi nhưng bạn đã cố gắng diễn đạt, thì vẫn đáng trân trọng. Trong quá trình tham gia cuộc thi, việc một thí sinh đến từ một đất nước không nói tiếng Anh nhưng thí sinh đó đã cố gắng hòa vào các hoạt động chung, cố gắng giao tiếp với ban tổ chức bằng tiếng Anh, chắc chắn thí sinh đó sẽ ghi điểm.
Theo Bích Ngọc/Dân trí
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải