Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao đã bị “bỏ rơi”, vì sao ?

Bảo Anh

Thứ ba, 24/12/2024 - 07:09

(Thanh tra) - Cục Thể dục Thể thao (TDTT) được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTDTT) thực hiện quản lý Nhà nước về thể dục thể thao đối với hoạt động của các liên đoàn thể thao quốc gia. Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ VHTTDL đã chỉ ra hàng loạt trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục TDTT đã không được thực hiện.

Cục Thể dục Thể thao. Ảnh: IT

Chưa làm đúng trách nhiệm được giao

Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ VHTDTT đã chỉ rõ: Cục TDTT được giao trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ VHTDTT thực hiện quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao đối với hoạt động của các liên đoàn thể thao quốc gia. Nhưng tại thời điểm thanh tra, Cục TDTT chưa tham mưu ban hành được quy chế phối hợp, cũng như chưa đưa ra được “Đề án chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT” theo quy định.

Không những vậy, việc quy định về công tác kiểm tra hoạt động đối với các liên đoàn thể thao quốc gia do Cục TDTT phụ trách còn chưa cụ thể, chưa rõ hình thức, nội dung; quy định về chế độ báo cáo, thông tin giữa liên đoàn thể thao quốc gia đối với Cục TDTT còn chung chung, do đó việc quản lý đối với những vấn đề này… thiếu khả thi.

Sau khi rà soát, đánh giá báo cáo của Cục TDTT, báo cáo của các liên đoàn thể thao quốc gia và tình hình thực tiễn, Đoàn Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vấn đề thiếu sót trong công tác quản lý: Cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các liên đoàn thể thao quốc gia tham gia quản lý, điều hành hoạt động TDTT chưa đầy đủ; thiếu cơ chế quản lý và thực hiện. Điều này đã dẫn đến hậu quả là các liên đoàn thể thao quốc gia “gặp khó” đối với việc tham gia hoạt động đào tạo, tập huấn vận động viên.

Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao. Hoạt động tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.

Đến tháng 12/2023 có 38 liên đoàn thể thao quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL (năm 2021 có 35 liên đoàn thể thao quốc gia; năm 2022 thành lập mới 2 liên đoàn thể thao quốc gia: Billiards & Snooker, Đá cầu; năm 2023 thành lập mới 1 liên đoàn thể thao quốc gia: Lân sư rồng).

Không những vậy, Cục TDTT còn để xảy ra việc thiếu quy định về phân loại liên đoàn thể thao quốc gia để áp dụng các chính sách cho phù hợp; thiếu quy định về tiêu chuẩn phong cấp huấn luyện viên, trọng tài để liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện phong cấp; quy định việc liên đoàn tham gia tổ chức giải thi đấu thể thao sử dụng ngân sách Nhà nước, tham gia ý kiến về thành phần đội tuyển thể thao quốc gia còn rất chung chung, không rõ trách nhiệm, không rõ cách thức phối hợp… Điều này cho thấy vai trò quản lý nhà nước của Cục TDTT trở nên “mờ nhạt” với trách nhiệm được giao.

“Bỏ rơi” trách nhiệm kiểm tra độc lập các liên đoàn thể thao quốc gia

Cục TDTT có trách nhiệm quản lý các công chức, viên chức tham gia các liên đoàn thể thao quốc gia. Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra đã phát hiện việc quản lý này chưa hề có quy định cụ thể về việc theo dõi, đánh giá quá trình hoạt động của những cán bộ này tại các cơ sở. Phát hiện nêu trên cho thấy đây là việc "buông lỏng" quản lý công chức, viên chức của Cục TDTT tại các liên đoàn thể thao quốc gia.  

Cục TDTT có trách nhiệm kiểm tra đối với các liên đoàn thể thao quốc gia. Tuy nhiên, Cục TDTT chưa tổ chức đoàn kiểm tra độc lập đối với các liên đoàn thể thao quốc gia, mà chỉ tham gia cùng đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra tại 5 liên đoàn thể thao quốc gia. Cụ thể, năm 2022 cùng đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra tại Liên đoàn Thể dục, Quỹ Đầu tư phát triển tài năng Bóng đá Việt Nam thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; năm 2023, kiểm tra Liên đoàn Vật, Liên đoàn Điền kinh và Liên đoàn Vovinam. Điều này chứng tỏ Cục TDTT đã không chủ động thực hiện trách nhiệm được phân công.

Đối với công tác khen thưởng các liên đoàn thể thao quốc gia do Cục TDTT là đơn vị đầu mối để trình lãnh đạo Bộ khen thưởng. Nhưng cho đến thời điểm thanh tra, Cục TDTT chưa hề có văn bản hướng dẫn chung về công tác này, mà việc khen thưởng đều do các liên đoàn chủ động đề xuất. Điều này cho thấy Cục TDTT đã “quên” trách nhiệm quản lý nhà nước của chính đơn vị mình.

Theo quy định, “Chủ tịch liên đoàn thể thao quốc gia phê duyệt điều lệ giải thể thao theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 37 Luật TDTT. Trường hợp chưa thành lập liên đoàn thể thao quốc gia, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt điều lệ giải thể thao quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 37 của luật này”. Tuy nhiên, Cục TDTT ban hành điều lệ giải đối với các môn thể thao chưa thành lập liên đoàn thể thao quốc gia, mà chưa thực hiện trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt điều lệ giải theo quy định tại Điều 39 Luật TDTT. Điều này cho thấy Cục TDTT đã “lạm quyền” đối với trách nhiệm của mình.

Theo quy định, Cục TDTT có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với các liên đoàn thể thao quốc gia gồm: Ban hành cơ chế, chính sách để liên đoàn thể thao quốc gia tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn phản biện và giám định xã hội, cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề các hoạt động thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật; Tạo điều kiện để liên đoàn thể thao quốc gia tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với điều kiện và khả năng của liên đoàn thể thao quốc gia.

Hướng dẫn hoạt động của liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật; Khen thưởng liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật.

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ việc Cục TDTT chưa thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng các liên đoàn thể thao quốc gia để tổ chức giải thể thao bằng nguồn ngân sách Nhà nước (trừ Liên đoàn Bóng đá) theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện dịch vụsự nghiệp công.

Kiểm tra việc thực hiện phong cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, kết luận thanh tra đã chỉ ra việc Cục TDTT chưa xây dựng tiêu chuẩn phong đẳng cấp cho huấn luyện viên, trọng tài để trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành.

Với hàng loạt vấn đề nêu trên, Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo Cục TDTD tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý phù hợp đối với các tổ chức và cá nhân thuộc Cục TDTT trong việc tham mưu thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước theo phân cấp của Bộ, để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Thanh tra Bộ VHTTDL cũng kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo Cục TDTT tập trung nguồn lực tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn 2045; thông tư ban hành tiêu chuẩn phong đẳng cấp đối với huấn luyên viên, trọng tài thể thao… Lựa chọn một số liên đoàn thể thao quốc gia có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện thí điểm đặt hàng tổ chức các giải vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia bằng nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật trong năm 2025.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa không có vịnh Hạ Long

Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa không có vịnh Hạ Long

(Thanh tra) - Trong số 56 di sản thế giới đang nằm trong Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa không có vịnh Hạ Long. Đây là thông tin được Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết vào chiều ngày 24/12.

Thái Hải

21:12 24/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm