Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những nét văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc Thổ Như Xuân

Văn Thanh

Thứ ba, 02/11/2021 - 12:24

(Thanh tra) - Đồng bào dân tộc Thổ, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa có những nét đặc sắc riêng trong đời sống sinh hoạt, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa văn nghệ. Những nét văn hóa này đang được phát huy, bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Trang phục đồng bào dân tộc Thổ huyện miền núi Như Xuân. Ảnh: VT

Theo ông Quốc Bảo, nguyên cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, người có nhiều năm gắn bó với đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Như Xuân ngày nay có đời sống xã hội tương đối phát triển và từng bước thoát khỏi nghèo đói, có nhiều người tham gia vào hệ thống chính trị ở địa phương. Đây là thành tựu to lớn, là tấm gương góp phần giáo dục các thế hệ đồng bào người Thổ, con em họ vươn lên trong lao động, học tập, không ngừng, góp sức vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở địa phương nói chung và cộng đồng người Thổ nói riêng.

Trong đời sống văn hóa, đồng bào dân tộc Thổ, huyện Như Xuân tôn thờ Tướng quân Lê Phúc Thành, người xã Yên Lễ đã công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông là người đầu tiên chiêu mộ dân binh về đây khai sơn, phá thạch lập ấp, lập làng, khai hoang đất đai mới có được truyền thống như ngày hôm nay.

Cứ 5 năm một lần, đồng bào dân tộc Thổ sẽ tổ chức lễ hội Đình Thi nhằm tưởng nhớ đến công ơn của Tướng quân Lê Phúc Thành. Trong những năm qua, Đình Thi được chính quyền, đồng bào dân tộc Thổ tôn tạo, nâng cấp và xây dựng xứng tầm với vị trí, văn hóa và ý nghĩa tâm linh của đồng bào dân tộc Thổ. Hiện, Đình Thi vẫn còn lưu giữ được hai sắc phong thời Nguyễn do vua Khải Định và Bảo Đại ban cho Tướng quân Lê Phúc Thành vào năm 1922 và 1934. Lễ hội Đình Thi là lễ hội mang đậm màu sắc của đồng bào dân tộc Thổ, trong đó có tục tế trâu, rước kiệu và các trò chơi dân gian khác. Lễ hội Đình Thi được coi là một nét văn hóa truyền thống của huyện Như Xuân thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách mỗi khi lễ hội được tổ chức.

Trong cuộc sống hằng ngày, trước đây đồng bào dân tộc Thổ chủ yếu ăn gạo nếp, sau này chuyển dần sang ăn gạo tẻ. Do đó, hiện nay trên địa bàn huyện Như Xuân, đồng bào dân tộc Thổ chủ yếu canh tác nương, rẫy trồng ngô, khoai, sắn và lúa nước với trình độ thâm canh cao, phục vụ cuộc sống hằng ngày, từng bước xóa đói giảm nghèo. Văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Thổ khá đa dạng, các bài hát đồng dao vẫn được lưu truyền, ca dao, tục ngữ rất phong phú góp phần tạo nên bản sắc miền núi xứ Thanh khi mỗi độ Tết đến Xuân về.

Đối với trang phục nữ của đồng bào Thổ, phụ nữ thường mặc váy, áo, yếm, khăn lưng, khăn và các đồ trang sức. Váy có hai lớp, lớp ngoài được họa tiết thổ cẩm và lớp lót phía trong. Váy hình ống, được kết dọc từ ba khổ vải được dệt cùng họa tiết. Váy gồm 3 phần, cạp váy, thân váy và chân váy. Cạp váy là phần có nhiều họa tiết nhất, cao khoảng 20-25cm; giữa là thân váy, thường được nhuộm màu chàm; chân váy thì ít họa tiết, cao khoảng 3-5cm, nhưng bo lại phần thân váy chứ không phô trương họa tiết hoa văn. Đặc biệt, váy của người phụ nữ Thổ thường ngắn, chỉ mặc từ thắt lưng đến quá đầu gối, không dài như váy của người Mường, Thái. Áo thường có hai loại, áo cánh và áo dài. Áo cánh may theo lối năm thân như người Kinh. Áo may suông, không chiết eo, dài gần tới hông, cổ tròn, cúc mở trước ngực, cài khuy, hai ống tay dài và bó. Đây là loại áo mặc thường ngày. Áo dài họ thường mặc khi tham gia hội hè, đình đám, giống như áo của phụ nữ vùng Kinh Bắc. Khăn lưng bằng vải, rộng khoảng 10-12cm, dài 100-120cm. Con gái thắt dây lưng bằng vải màu xanh lục, người già thắt lưng màu vàng, trông gọn gàng mà vẫn toát lên vẻ kín đáo, dịu dàng, duyên dáng.

Trang phục nam đồng bào dân tộc Thổ khá đơn giản, rất giống với trang phục nam của người Kinh. Ngày thường, đàn ông mặc áo cánh cổ đứng, có túi bên trái, quần ống rộng cạp vấn hoặc cạp luồn dây rút, đều nhuộm nâu. Ngày lễ thường mặc áo dài năm thân, nhuộm màu nâu đỏ, quần loe trắng vấn cạp hoặc cạp luồn dây rút, đầu đội khăn xếp.

Bên cạnh đó, hôn lễ của đồng bào dân tộc Thổ phải trải qua nhiều bước, thông thường khi cưới, nhà trai phải dẫn một con trâu, 100 đồng bạc trắng, 30 vuông vải, 6 thúng xôi, một con lợn. Nhiều vùng còn có tục ở rể. Đặc biệt còn có tục ngủ mái, ngủ thăm. Khi sinh con được 3 ngày thì cúng bà mụ để đặt tên cho con và người mẹ phải kiêng cữ trong vòng một tháng, trong tháng đó người lạ không được vào nhà...

Trong tổ chức ma chay, đồng bào dân tộc Thổ tổ chức khá linh đình và tốn kém, trước đây có nhà đã giết đến hơn 10 con trâu. Quan tài của người Thổ là một cây gỗ nguyên, đục bụng, giống như cách làm thuyền. Sau khi chôn cất, cúng người chết vào dịp 30 ngày, 50 ngày, 100 ngày.

Một nét văn hóa đặc sắc nữa của đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân là thờ rất nhiều thần, ma, đặc biệt là các vị thần liên quan đến đánh giặc và khai khẩn đất đai. Trong phạm vi gia đình, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, họ còn làm lẽ cúng bà mụ mỗi khi trẻ đau ốm và cúng vía cho người lớn vào dịp lễ, tết, khi đau ốm. Tuy nhiên, một số tập tục trên đây dần thay đổi bởi những nét văn hoá mới trọng sự hoà nhập và phát triển chung với cộng đồng xã hội hiện tại.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm