Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những đại danh lam của xứ chùa Bắc

Đức Anh

Thứ sáu, 05/11/2021 - 14:35

(Thanh tra) - "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài" là câu truyền tụng dân gian ngợi ca vẻ đẹp của các vùng quanh kinh đô Thăng Long xưa. Nếu như xứ Đoài nổi tiếng với những ngôi đình làng to đẹp, Sơn Nam hãnh diện với nhiều cầu đá độc đáo, thì vùng Kinh Bắc được nhiều người biết đến với những ngôi chùa cổ trầm mặc, linh thiêng.

Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: disanvanhoathuanthanh

Bắc Ninh là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Yêu miền quê Quan họ này, người ta yêu những mái ngói đao cong uốn lượn, những ngôi tháp nhiều tầng, kiến trúc cầu kỳ, sống động, những đại danh lam, cùng những cổ vật quý báu đã kết tinh và tỏa sáng suốt nghìn năm...

Tỉnh Bắc Ninh có 613 ngôi chùa phân bố ở 126 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 3 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp), 46 di tích quốc gia và 86 di tích cấp tỉnh. Ở xứ sở của chùa chiền, lễ hội này, làng xã nào cũng có một vài ngôi chùa gắn với không gian an lạc, êm đềm.

Mt trong nhng đi danh lam nơi đây đưc nhiu ngưi biết đến là chùa Dâu (thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành).

Chùa được khởi công xây dựng từ năm 187, là nơi phát tích của Phật giáo.

Theo truyền thuyết thì sự ra đời của chùa Dâu gắn liền với sự tích bà Phật Mẫu Man Nương và hệ thống Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) hay còn được gọi là Mây, Mưa, Sấm, Chớp.

Chùa Dâu là ngôi chùa thờ bà Pháp Vân, được nhân dân hóa thành bà chị cả trong 4 chị em trong hệ thống chùa Tứ Pháp. Có lẽ cũng chính vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là chùa Cả, Cổ Châu tự (viên ngọc quý), Diên Ứng tự, đời Lý còn có tên là Thiền Định tự.

Tháp Hoà Phong - một kiến trúc nổi bật của chùa Dâu. Ảnh: disanvanhoathuanthanh

Nằm cạnh dòng sông Dâu hiền hòa, trải qua các thời: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, chùa Dâu vẫn giữ vai trò là trung tâm tín ngưỡng, Phật giáo của dân tộc. Đến thời Lê Trung Hưng, chùa được các quý tộc, quan lại triều đình, cùng nhân dân địa phương trùng tu và mở rộng với quy mô lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các công trình như: Tam quan, tiền thất, tháp Hoà Phong, tiền đường, hậu đường, nhà tổ, Nhà mẫu, khu vườn tháp… bề thế to đẹp, trang trí chạm khắc lộng lẫy, tinh xảo.

Vào ngày 8/4 Âm lịch hàng năm, đông đảo người dân khắp nơi về đây trảy hội, lễ Phật cầu may. Trong tâm thức của người dân trong vùng và Phật tử từ mọi miền Tổ quốc, chùa Dâu trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu và là điểm đến của những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lễ hội và hệ thống Phật tứ pháp ở Việt Nam.

Chùa Phật Tích là di tích quốc gia đặc biệt được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nghệ thuật, tôn giáo trong và ngoài nước rất quan tâm.

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Chùa còn gọi là chùa Vạn Phúc nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích, thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, cách Hà Nội 20 km.

Theo sách "Đại Việt Sử Ký toàn thư" và các dấu tích, di vật tìm thấy ở khu vực chùa, Vạn Phúc tự đư­ợc xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII - X.

Theo bia Vạn Phúc đại thiền tự bi (niên Chính Hòa thứ 7), chùa tọa lạc ở một vị trí khá đẹp “núi Phật Tích thiên ứng thế ở phương Nam, núi Phương Lĩnh bọc vào. Sông Ngưu Giang áng đỏ ngưng lại vuông tròn, nước trong leo lẻo huyền hư, núi cao vời vợi sáng lòa. Bên trái mạch nước rồng xanh chảy vòng quanh, bên phải núi hổ trắng chầu vào”.

Phật Tích là địa danh ghi dấu tích Phật ở trên dãy Phượng Hoàng (Tiên Du). Phật Tích - vừa là tên núi, tên chùa, làng… vừa là địa điểm dừng chân truyền bá đạo Phật đầu tiên của các tu sĩ Ấn Độ từ những thế kỷ đầu công nguyên trên đất Giao Châu.

Tháp chuông tại chùa Phật Tích. Ảnh: TTXVN

Không chỉ là trung tâm Phật giáo, Phật Tích còn lưu giữ kho tàng truyền thuyết, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian, tiêu biểu là những huyền thoại về bà Tồ Cô, các cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Triệu Đà, chàng tiều phu Vương Chất, Từ Thức gặp tiên, Cao Biền xây tháp yểm bùa, bà chúa Chè, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và nổi tiếng với hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm…

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phật Tích cho thấy, chùa không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập nhiều luồng tư tưởng, tôn giáo ở các vùng, các nước trong khu vực, hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

Nằm trên địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, bên bờ Nam con sông Đuống hiền hòa, từ lâu chùa Bút Tháp (tên chữ là Ninh Phúc tự) đã rất nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng. Đây là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội gần 30 km.

Chùa Bút Tháp. Ảnh: disanvanhoathuanthanh

Chùa được xây dựng vào thời Trần, nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm).

Trải thăng trầm lịch sử đến thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng được các quý tộc triều đình, đứng đầu là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho trùng tu, xây dựng quy mô lớn theo kiểu nội công ngoại quốc và vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.

Theo truyền tích của địa phương, chùa nằm trên thế đất tốt, tựa hình một bông sen lớn và có ý nghĩa về phong thuỷ. Các đơn nguyên kiến trúc của chùa dàn trải trên mặt bằng, gồm: Tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, Tích Thiện am, nhà trung, phủ thờ hậu đường nằm trên trục chính; hai dãy hành lang dài bao lấy các công trình kiến trúc chính, tạo thành một khuôn viên tương đối khép kín.

Tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được xem là báu vật cổ, độc nhất vô nhị ở Việt Nam, gắn liền với triết lý Phật bà Quan Âm từ bi, độ lượng. Ảnh: Ban Truyền thông Phật giáo tỉnh Bắc Ninh

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, chùa hiện còn lưu giữ hàng trăm hiện vật, với nhiều loại chất liệu, có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII - XX, trong đó có gần 100 pho tượng.

Phải kể đến trong đó là tượng Phật “thiên thủ thiên nhỡn - nghìn mắt, nghìn tay” được xem là báu vật cổ, độc nhất vô nhị ở Việt Nam, gắn liền với triết lý Phật bà Quan Âm từ bi, độ lượng, cứu nhân độ thế, thấu soi mọi chuyện đau khổ của muôn loài và sẵn lòng cứu vớt chúng sinh thoát khỏi lầm than.

Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau, nở khối vươn cao như ánh hào quang. Đây là tác phẩm kiệt xuất của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII còn bảo lưu được đến ngày nay.

Tòa Cửu phẩm Liên hoa là 1 trong 3 bảo vật quốc gia tại chùa Bút Tháp vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt tháng 1/2021. Ảnh: baobacninh

Ngoài tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2011, tại chùa Bút Tháp còn có 3 bảo vật khác mới được công nhận đầu năm 2021 là: Tượng Tam thế, Tòa Cửu phẩm Liên Hoa (còn gọi Cối kinh) và Hương án.

Hàng năm, mọi người dân trong vùng và du khách gần xa luôn nhớ và trở về dự lễ hội chùa Bút Tháp, được tổ chức vào ngày 24/3 Âm lịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm