Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người nghệ sĩ và hành trình gắn kết với chất liệu tái chế

Hoàng Hiệp

Thứ bảy, 28/12/2024 - 06:00

(Thanh tra) - Ở tuổi 43, anh Phạm Minh Đức không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một người tiên phong trong lĩnh vực tái chế chất liệu. Xưởng tái chế Lighting - nơi tập trung đam mê và sáng tạo, được vận hành bởi anh cùng ba cộng sự, tất cả đều cùng chí hướng phát triển nghệ thuật từ những vật liệu tưởng chừng như vô dụng.

Phạm Minh Đức tại xưởng tái chế của mình ở Hà Nội, nơi anh dành tâm huyết biến những vật liệu tưởng như vô dụng thành các tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa. Ảnh: Hoàng Hiệp

Tìm kiếm chất liệu – Tìm kiếm đam mê

Hành trình của anh Đức bắt đầu từ một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản: “Rác thải rồi sẽ đi về đâu?”. Theo anh, hàng ngày, Hà Nội thải ra lượng rác khổng lồ. “Mọi người chỉ dừng lại ở việc vứt rác lên xe, còn tôi muốn đi xa hơn, tìm câu trả lời cho những hệ lụy lâu dài mà ít ai quan tâm,” anh chia sẻ.

Xuất thân không qua đào tạo bài bản về mỹ thuật mà lại theo ngành kinh tế, anh Đức thừa nhận rằng nếu chỉ làm theo những gì được học, có lẽ anh đã không bao giờ bén duyên với công việc này. Nhưng vào 4 năm trước, chính niềm đam mê sáng tạo và tinh thần trách nhiệm với môi trường đã đưa anh đến với lĩnh vực tái chế.

“Đối với tôi, chất liệu không chỉ là vật liệu. Nó mang linh hồn của một tác phẩm,” anh Đức chia sẻ. Theo anh, quá trình làm việc với chất liệu tái chế đòi hỏi không chỉ sự sáng tạo mà còn là lòng kiên trì để vượt qua các thử thách, từ khâu xử lý nguyên liệu, chế tạo máy móc đến việc hoàn thiện sản phẩm.

Chiếc móc chìa khóa làm bằng nhựa tái chế là tiền đề cho những sản phẩm tiếp theo của người nghệ sĩ tái chế. Ảnh: Hoàng Hiệp

Những ngày đầu tiên, anh bắt tay vào làm móc đeo khóa từ nhựa. Không có quy tắc, quy trình hay hướng dẫn, anh tự mày mò và tiếp tục hoàn thiện từng chút một. Mỗi lần thất bại, anh lại đứng dậy, thử nghiệm lại, cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.

“Có lẽ mọi người không làm vì nghĩ nó không đáng, hoặc họ không muốn thử sức với lĩnh vực đầy khó khăn này,” anh nói. Đối với anh, sự kiên trì là yếu tố quyết định. “Sai thì sửa, hỏng thì làm lại. Quan trọng là không bỏ cuộc.”

Đam mê đối mặt với thách thức

Không chỉ đối mặt với thách thức trong công việc, anh Đức còn phải vượt qua những áp lực kinh tế trong giai đoạn bắt đầu chuyển hướng sự nghiệp. Chị Trần Minh Nguyệt, vợ anh, nhớ lại khi chồng mình quyết định từ bỏ công việc ngân hàng ổn định để bước vào lĩnh vực tái chế, đó cũng là lúc chị đang mang thai đứa con đầu lòng. “Tôi không thể nói là không lo lắng nhưng tôi hiểu đam mê của anh ấy, và quan trọng hơn, tôi muốn đồng hành cùng anh trong bất kỳ thử thách nào”, chị Nguyệt chia sẻ.

Để duy trì đam mê và lo toan kinh tế gia đình, anh Đức đã làm rất nhiều công việc khác nhau, từ dạy học, dịch phim cho đến làm hướng dẫn viên du lịch. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn tài chính, chị Nguyệt vẫn luôn động viên anh và tìm cách thích nghi.

Để hỗ trợ anh trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng, chị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi từ chính gia đình mình. “Tôi bảo anh ấy, nếu muốn người khác hiểu và thay đổi, thì trước hết phải làm điều đó với chính người thân”, chị nói.

Bé Đức Trí (con cả của anh Đức) tham gia nhặt rác và xếp gỗ sau bão Yagi ở ngoài sân chơi Phúc Tân. Ảnh: NVCC

Một thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong hành trình giảm thiểu rác thải chính là việc thay đổi cách sử dụng ly nhựa hàng ngày. Chị Nguyệt chia sẻ rằng trước đây mỗi khi mua nước uống bên ngoài, chị thường sử dụng ly nhựa dùng một lần. Sau khi hiểu được công việc của chồng, chị quyết định thay đổi, mang theo bình nước cá nhân mỗi khi mua nước uống bên ngoài.

Sự thay đổi nhỏ này không chỉ giúp gia đình hạn chế rác thải nhựa xả ra môi trường mà còn tác động tích cực đến hai con của anh chị. Hai con của anh Đức, dù đang học tiểu học đã được bố mẹ dạy cách phân loại rác thải. Anh Đức cho rằng, những hành động nhỏ từ gia đình sẽ tạo nên thói quen tốt, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

“Tôi dạy các con cách phân loại rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải nguy hại. Điều này giúp các cháu hiểu rằng mỗi loại rác đều có cách xử lý riêng, nếu không sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường”, anh Đức chia sẻ.

Điều đặc biệt, cả hai bé không chỉ phân loại rác cơ bản mà còn biết kiểm tra các ký hiệu trên sản phẩm nhựa để xác định khả năng tái chế. Anh Đức giải thích rằng dưới đáy mỗi chai nhựa đều có một chữ số, ký hiệu loại nhựa được sử dụng, và các con của anh đã dần quen với việc kiểm tra số này trước khi quyết định bỏ rác vào thùng nào.

“Con trai lớn của tôi rất thích thú mỗi khi tìm được chai nhựa có số 1 hoặc 2, vì đây là những loại nhựa có thể dễ dàng tái sử dụng. Con bé nhỏ cũng không chịu thua, lúc nào cũng hỏi tôi từng món đồ xem có tái chế được không”, anh Đức kể lại với niềm vui.

Những thói quen này không chỉ tạo sự tự giác trong hành động của các bé mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến bạn bè cùng trang lứa. Cậu bé 8 tuổi còn chia sẻ với bạn học về việc phân loại rác, giúp các bạn biết cách nhìn ký hiệu nhựa dưới đáy chai khi vứt rác.

“Điều tôi tự hào nhất là các con đã bắt đầu hình thành tư duy môi trường. Chúng không chỉ làm theo mà còn thực sự hiểu được lý do tại sao việc này quan trọng”, anh Đức nói.

Không chỉ dừng lại ở gia đình, đam mê của anh còn truyền cảm hứng đến nhiều người xung quanh. Anh chủ động thu gom các loại rác thải có thể tái sử dụng như vỏ hộp sữa và thủy tinh để tái chế, nhận được sự ủng hộ từ nhiều người trong cộng đồng. Chị Bùi Thị Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người thường xuyên mang đồ đến xưởng của anh, chia sẻ rằng chị đã có thói quen phân loại rác từ hơn 10 năm trước. Khi biết đến hoạt động thu gom của anh qua các hội nhóm trên mạng xã hội, chị đã nhanh chóng tham gia.

Trước khi gửi đồ, chị Hương cẩn thận phân loại rác trong gia đình. Chị kể: “Khi còn làm trong một nhà hàng pizza của Nhật, tôi thường gom những vỏ giấy hộp sữa, chai rượu thủy tinh, nắp chai sắt hoặc gỗ, vệ sinh sạch sẽ rồi mang đến cho anh.”

Công việc của anh Đức, theo chị Hương, là một điều tuyệt vời, bởi nó làm thay cho suy nghĩ và mong muốn của chị cũng như nhiều người khác.

Mở rộng từ nhựa đến thủy tinh

Làm nghề tái chế nhựa là một con đường gian nan, nhưng anh Đức không bao giờ coi đó là trở ngại. Anh tự chế tạo và điều chỉnh máy móc để phù hợp với từng loại nguyên liệu và sản phẩm. Tuy nhiên, anh cũng nhận ra rằng tái chế nhựa không đủ để duy trì kinh tế gia đình.

Phạm Minh Đức cùng đồng nghiệp đang chuẩn bị cho lô hàng thủy tinh sắp xuất xưởng. Ảnh: Hoàng Hiệp

“Muốn mô hình bền vững, sản phẩm phải bán được. Nhưng nhựa thì rất khó bán, người ta vẫn còn định kiến rằng sản phẩm từ rác thải không đủ đẹp hay an toàn” anh chia sẻ. Chính vì thế, anh Đức quyết định mở rộng thêm về lĩnh vực tái chế thủy tinh.

Với độ trong suốt và vẻ đẹp tự nhiên, vật liệu này không chỉ giúp anh tạo ra các sản phẩm độc đáo mà còn giúp xưởng tăng nguồn thu nhập. Những chai rượu cũ được anh tái chế thành các món đồ trang trí, đèn bàn, hay tranh nghệ thuật. “Thủy tinh không chỉ đẹp mà còn giúp tôi duy trì đam mê”, anh chia sẻ.

Những sản phẩm tái chế từ xưởng của anh Đức không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường. Từ những chiếc ghế làm từ nhựa tái chế đến các tác phẩm thủy tinh tinh xảo, tất cả đều là minh chứng cho lòng kiên trì và sự sáng tạo không ngừng nghỉ.

 

Các tác phẩm nghệ thuật được làm bằng các vật liệu tái chế như thủy tinh, chai nhựa, nút chai rượu,... được treo ngay ngắn trong xưởng. Ảnh: Hoàng Hiệp

Một trong những điều khiến anh Đức cảm thấy lạc quan nhất là sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ trẻ. “Ngay từ bây giờ, nếu gieo những hạt giống ý thức về bảo vệ môi trường, thế hệ trẻ sẽ tự hình thành những suy nghĩ và hành động khác biệt trong tương lai”, anh nhận định.

Anh Đức hy vọng rằng, thông qua công việc của mình, anh có thể lan tỏa trách nhiệm với môi trường đến cộng đồng. Anh tin rằng, dù chỉ là những thay đổi nhỏ, nhưng khi được thực hiện một cách bền bỉ và kiên trì, chúng sẽ dần  tạo nên những tác động lớn.

Phạm Minh Đức không chỉ là một nghệ sĩ tái chế, mà còn là người truyền cảm hứng. Anh đã chọn hành trình đầy chông gai để biến những vật liệu bị bỏ quên thành các tác phẩm nghệ thuật và thay đổi cách mọi người nhìn nhận về rác thải. Quan trọng hơn, anh đã và đang lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng về việc bảo vệ môi trường cũng như ảnh hưởng của mỗi cá nhân trong việc tạo nên sự thay đổi đó.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người nghệ sĩ và hành trình gắn kết với chất liệu tái chế

Người nghệ sĩ và hành trình gắn kết với chất liệu tái chế

(Thanh tra) - Ở tuổi 43, anh Phạm Minh Đức không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một người tiên phong trong lĩnh vực tái chế chất liệu. Xưởng tái chế Lighting - nơi tập trung đam mê và sáng tạo, được vận hành bởi anh cùng ba cộng sự, tất cả đều cùng chí hướng phát triển nghệ thuật từ những vật liệu tưởng chừng như vô dụng.

Hoàng Hiệp

06:00 28/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm