Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghệ thuật tuồng cổ ở Bắc Giang

Nguyễn Kế

Thứ hai, 22/11/2021 - 14:04

(Thanh tra) - Không chỉ được biết đến bởi làn điệu dân ca quan họ cổ, làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) còn là nơi duy nhất của tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được nghệ thuật tuồng cổ lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay làng Thổ Hà vẫn giữ được nghệ thuật tuồng truyền thống. Ảnh: Đông Khánh

Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km, nằm dọc theo dòng chảy của bờ Bắc sông Cầu, làng Thổ Hà không chỉ là nơi lao động, sản xuất và tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần; mà còn lưu giữ những phong tục tập quán tốt đẹp, một mảnh đất địa linh nhân kiệt với những nét đẹp về văn hóa và lịch sử. Là nơi gắn kết các mối quan hệ dòng tộc, xóm giềng bằng những ký ức rất gần gũi, bình dị, thân thương. Trải qua bao thăng trầm, đến nay làng Thổ Hà vẫn giữ được nghệ thuật tuồng truyền thống.

Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu cân đối có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Nghệ thuật tuồng cổ được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm đã có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17-18. Cuối thế kỷ 18, tuồng cổ đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Đến nửa sau thế kỷ 19, nghệ thuật tuồng có những biến đổi quan trọng, 3 dòng tuồng (cung đình, sĩ phu yêu nước, dân gian) đã cùng song song phát triển và tồn tại.

Ở làng Thổ Hà, không còn ai nhớ tuồng xuất hiện từ khi nào, chỉ biết theo sử cũ chép rằng, trong lần hòa hoãn thứ hai với thực dân Pháp (1897), thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế là Hoàng Hoa Thám luôn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nghĩa quân cũng như nhân dân trong vùng Yên Thế. Vì vậy, những năm được mùa, Đề Thám thường cho tổ chức các trò vui chơi như thi cưỡi ngựa bắn cung, bắn súng, săn thú, đua ngựa, đấu vật, đánh cờ, thổi cơm thi và nhất là mời phường tuồng ở Thổ Hà, rối nước ở Bắc Ninh về phục vụ. Điều này đã khẳng định tuồng Thổ Hà có từ rất xa xưa.

Trong tuồng, nam diễn viên gọi là "kép", gồm có: Kép văn, kép võ, kép rừng, kép đen, kép trắng, kép anh, kép em, kép trạng nguyên, kép nghèo (hàn sĩ, hàn nho...). Ảnh: Đông Khánh

Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, các nhân vật tuồng còn là “điểm nhấn” trong nghi lễ rước của Lễ hội Thổ Hà hàng năm, người dân nơi đây vẫn trao truyền cho nhau từng tích truyện, kịch bản, trang phục, vai diễn cho đến cách hóa trang, điệu bộ của tuồng... Với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn tinh hóa vốn cổ của ông cha, người dân Thổ Hà từ lâu đã mặc định câu nói: “Phi tuồng bất thành hội” (không có tuồng thì không thành lễ hội), đã có lễ hội làng là phải diễn tuồng. Vì vậy hàng năm làng luôn mở hội vào ngày 20, 21 tháng Giêng và đều tổ chức diễn tuồng kín cả hai đêm, có rất đông khán giả trong và ngoài vùng đến thưởng thức.

Ngôn ngữ tuồng đa phần là âm Hán- Việt hoặc những từ ngữ triết lý, bác học, văn chương theo lối ẩn dụ. Hầu hết các tích xoay quanh các đề tài, nhân vật trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, trong đó chiếm được cảm tình của người xem nhất vẫn là các đề tài “phò vua diệt nguỵ”; “trung thành - phản nghịch”… Ngoài ra những ngôn từ đều dùng các thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn Đường luật, thơ lục bát và phú khá chặt chẽ nên không phải ai cũng dễ dàng hiểu được. Đã vậy, mỗi khi lên sân khấu, là phải bôi mặt, trang điểm, mất cả tiếng đồng hồ, tẩy trang, sắp đồ đạc, cùng ngần ấy thời gian nữa.

Không phải ai cũng được biết đằng sau cái "mặt nạ" được bôi trát bởi tầng tầng lớp lớp phấn son, mũ áo kia lại chính là những người nông dân hiền hậu, chất phác với nghề chính là nghề làm bánh đa nem, nuôi lợn và nấu rượu truyền thống. Trong đời thường họ là những nông dân quanh năm lam lũ với nghề làm bánh tráng nhưng khi bước lên sân khấu các "nghệ sĩ chân đất" đã hóa thân vào các nhân vật lịch sử một cách chuyên nghiệp như các nghệ sĩ thực thụ.

Trong tuồng, nam diễn viên gọi là "kép", gồm có: Kép văn, kép võ, kép rừng, kép đen, kép trắng, kép anh, kép em, kép trạng nguyên, kép nghèo (hàn sĩ, hàn nho...). Ngôn ngữ hát tuồng đa phần là Hán-Việt hoặc những từ ngữ triết lý, bác học, văn chương theo lối ẩn dụ.

Các điệu cơ bản của tuồng như ngâm, vịnh, thán oán, nam thương, xuân nữ, bạch, xướng, nam bình, khách... đều dùng thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát và phú khá chặt chẽ.... Không chỉ coi trọng về các điệu tuồn cơ bản mà nghệ thuật hóa trang mặt tuồng cũng được hết sức coi trọng. Nghệ thuật hóa trang mặt tuồng có những quy ước chặt chẽ, sao cho thể hiện được tính cách, đức tính nhân vật. Trong đó, cái khó nhất trong trang điểm tuồng là cách thể hiện trên đôi mắt.

Diễn viên hoá trang theo một số mẫu quy chuẩn chung như: Vai “trung” mặt đỏ, râu dài; vai nịnh mặt rằn, râu ngắn; mặt trắng là người có diện mạo đẹp, tính cách trầm tĩnh; mặt đỏ là người trí dũng, chững chạc; mặt tròng xéo đen là tướng phản; hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy; mặt lưỡi cày là người đoản hậu, nhát gan....

Từng điệu bộ, thao tác diễn tuồng cũng rất khó để thể hiện, đơn cử như động tác vuốt râu, chèo cây, múa kiếm, chèo đò, cưỡi ngựa… người diễn viên phải thể hiện làm sao cho thật giống để người xem liên tưởng như thật ngoài đời. Làm sao câu hát, dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phù hợp, như vậy khán giả xem mới không thấy sự “vô duyên” trong cách diễn. Đôi khi chỉ một động tác thôi cũng phải tập đi tập lại rất nhiều ngày. Điều đó đòi hỏi người diễn viên hát tuồng phải có sức khỏe thật tốt và cơ thể cường tráng.

Ngày nay, những tưởng cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi sẽ khiến cho nghệ thuật tuồng bị mai một và rơi vào sự quên lãng, nhưng với người dân Thổ Hà nơi đây, tình yêu đối với tuồng của những người dân nơi đây vẫn vẹn nguyên, ăn sâu vào tâm hồn. Với họ tuồng chính là di sản, là niềm tự hào và kiêu hãnh xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm