Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Khám phá Thánh thất lớn nhất Việt Nam của Đạo Cao Đài

Thanh Chương

Thứ sáu, 17/09/2021 - 17:07

(Thanh tra) - Được xây dựng theo mẫu số 2 của Đạo Cao Đài nên Thánh thất Đa Phước tại phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng được xem là Thánh thất lớn nhất Việt Nam hiện nay với hàng nghìn tín đồ sinh hoạt đạo.

Thánh Thất Đa Phước tọa lạc trên một ngọn đồi thông tại phường 11, TP Đà Lạt. Ảnh: Thanh Chương

Vẻ đẹp của Thánh thất lớn nhất nước

Tọa lạc trên một ngọn đồi thông của tổ Đa Phước, phường 11, TP Đà Lạt, Thánh thất Đa Phước là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan “thành phố ngàn hoa”. Đây vừa là Thánh thất lớn nhất Việt Nam của Đạo Cao Đài và cũng là nơi sinh hoạt của khoảng 5.000 tín đồ.

Ông Trần Văn Minh, Phó Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài tại Lâm Đồng kiêm cai quản Thánh thất Đa Phước cho hay, Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh của Việt Nam, chưa đầy 100 tuổi. Tuy nhiên, đến nay đạo đã có hàng triệu tín đồ trên khắp cả nước. Tại tỉnh Lâm Đồng có 5 họ đạo gồm: Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và 1 Ban Nghi lễ Cát Tiên.

“Thánh thất Đa Phước tại Đà Lạt là Thánh thất lớn nhất Việt Nam. Tòa thánh Tây Ninh được xây dựng theo mẫu số 1, còn Thánh thất Đa Phước được xây dựng theo mẫu số 2 và được hoàn thiện, khánh thành vào tháng 7/2010. Thánh thất được xây dựng với 3 phần chính gọi là Tam Đài gồm: Hiệp Thiên Đài ở phía trước, Cửu Trùng Đài ở giữa và Bát Quái Đài ở phía sau.

Bát Quái Đài là nơi thờ Thượng đế qua hình tượng Thi nhãn, Cửu Trùng Đài là nơi các tín đồ quỳ lạy Thượng đế, Hiệp Thiên Đài là nơi thờ Hộ pháp của đạo và cũng là nơi các chức sắc có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ luật pháp chân truyền của đạo, nơi lập ra các tòa đạo để xử lý những tín đồ phạm luật. Đến nay, họ đạo Đà Lạt có 232 vị chức sắc, 15 tổ nghi lễ tại các phường, thôn, tổ dân phố”, ông Trần Văn Minh chia sẻ.

Thánh thất Đa Phước được xây dựng trên đỉnh đồi cao trên 1.500m so với mực nước biển nên khi bước vào cổng, người tham quan phải qua rất nhiều bậc thềm. Những tín đồ cũng như du khách tham quan quan niệm, trước khi đến Thánh thất thăm viếng, con người ta phải bước qua nhiều bậc thềm để rũ bỏ những muộn phiền, lo toan. Từ đó giữ cho tâm tịnh, thanh thản trước khi dâng hương cầu mong cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Điểm nhấn của Thánh thất Đa Phước chính là Hiệp Thiên Đài gồm 2 lầu chuông cao 18m, mỗi lầu có 5 tầng. Để vào bên trong Tam Đài, người tham quan và các tín đồ phải qua 4 cột trụ, mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình rồng đỏ, một đắp hình hoa sen chạm trổ tinh vi, màu sắc rực rỡ. Ngoài ra, để vào Thánh thất, các tín đồ phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của Đạo Cao Đài là Nhân, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Ngoài ra, phía bên phải lối vào Thánh thất được đắp tượng ông Thiện, mình mặc giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện. Phía bên trái lối vào đắp tượng ông Ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều ác.

Trên cùng phía ngoài được đắp nổi biểu tượng Thiên nhãn. Trên cao có tượng Phật Di Lặc ngồi trên lưng cọp và tòa sen. Biểu tượng con cọp tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài.

Từ Tứ đại điều quy đến Ngũ cấm giới

Ông Trần Văn Minh cũng cho biết, người nhập môn Đạo Cao Đài đều phải giữ 1 tháng 10 ngày ăn chay liên tục. Bên cạnh đó, các tín đồ phải thực hiện và tuân thủ Tứ đại điều quy. Nếu phạm “luật” sẽ chịu thập hình của Đức lý giáo tông. Đặc biệt, các tín đồ phải ghi nhớ Ngũ cấm giới như: Bứt nhứt sát sanh, nhì bất du đạo, tam bất tà dâm, tứ bất tửu nhục, ngũ bất vọng ngũ.

Theo đó, Tứ đại điều quy là bốn điều luật răn cấm các tín đồ: Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ (thẹn) chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người, lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt; chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người, giúp người nên đạo, chớ che lấp người hiền; bạc tiền xuất nhập phân minh đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung; trước mặt sau lưng cũng đồng một bực, đừng kính trước rồi khi sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hoà giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.

“Mọi quy định hay những hình phạt mà các tín đồ phải tuân theo cho thấy sự nghiêm khắc, uy nghiêm của Đạo Cao Đài. Đây cũng là những điều để cho tín đồ tu dưỡng hướng đến chân, thiện, mỹ cho bản thân. Hơn nữa là hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn.

Vì vậy, những người theo Đạo Cao Đài phải tự tu dưỡng bản thân, tránh sát hại sinh vật.

Đạo cũng cấm trộm cướp, lấy ngang lường gạt của người hoặc mượn vay không trả để ý hại người mà lợi cho mình, cờ gian bạc lận.

Cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm linh, cấm xảo trá, gạt gẫm người, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người”, ông Trần Văn Minh giải thích về Ngũ cấm giới đối với những tín đồ theo đạo.

Phó Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài tại Lâm Đồng cũng cho biết, Thượng đế là đấng sáng lập ra vũ trụ và hình thành nên các tôn giáo. Theo thời gian, tùy theo địa phương, Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với thời điểm và địa điểm, và được phân làm 3 kỳ phổ độ với 3 nhánh khác nhau. Vì vậy, các tín đồ Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn, với điều kiện là con mắt trái, mặt dương.

Đến nay, trải qua nhiều năm được xây dựng và phát triển, Thánh thất Đa Phước trở thành một điểm tham quan đẹp, nổi tiếng cho khách du lịch đến TP Đà Lạt. Đây cũng là nơi sinh hoạt đạo của hàng nghìn tín đồ Đạo Cao Đài tại Đà Lạt cũng như vùng Tây Nguyên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm