Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 30/11/2024 - 16:07
(Thanh tra) - Đó là tên hội thảo do Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản tổ chức ngày 30/11/2024.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tôn giáo từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên khắp cả nước, cùng các nhà quản lý, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương tỉnh Nam Định, huyện Vụ Bản.
Thông qua tìm kiếm các nguồn tư liệu sử học, khảo cổ học, tư liệu Hán Nôm; thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cơ sở thờ tự liên quan đến Công chúa Huyền Trân… hội thảo sẽ góp phần làm rõ hơn về cuộc đời, những đóng góp của Huyền Trân Công chúa - ni sư Hương Tràng cho đạo pháp, dân tộc. Đồng thời, qua hội thảo này cho chúng ta nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về Huyền Trân Công chúa - ni sư Hương Tràng. Từ đó, đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến Huyền Trân Công chúa. Tôn vinh một cách xứng đáng hơn đối với những đóng góp của Huyền Trân Công chúa đối với dân tộc, với Phật giáo Việt Nam.
Hội thảo tập chung vào 03 chủ đề chính:
Cuộc đời Huyền Trân Công chúa: Lịch sử và những giai thoại: Nhằm tìm hiểu rõ hơn về Huyền Trân Công chúa ở Đại Việt và Champa; những nơi mang dấu ấn của bà và gắn kết những nơi này.
Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với dân tộc: Làm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân Công chúa với Vua Chế Mân.
Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với Phật giáo: Quá trình xuất gia tu hành (thụ Bồ tát giới, pháp danh Hương Tràng, thời gian tu hành ở chùa Hổ Sơn…) và những cơ sở thờ tự thờ phụng Công chúa Huyền Trân hiện nay.
Hội thảo không chỉ góp phần làm rõ những đóng góp của Huyền Trân Công chúa đối với dân tộc và đạo pháp, làm rõ những điểm còn chưa rõ trong cuộc đời bà, khẳng định nhân cách cao đẹp của bà, mà còn góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá liên quan đến Huyền Trân Công chúa, đến các di tích thờ phụng Huyền Trân Công chúa ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là di tích chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
Thời Trần (1226-1400) là một trong những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các vị vua nhà Trần đa phần là những vị vua anh minh, yêu nước thương dân và có những cống hiến vô cùng to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông tạo nên khí thế oai hùng, hào sảng - hào khí Đông A danh tiếng thời Trần và không ai khác, chính là do vua sáng tôi trung, trên dưới đồng lòng, quân dân đoàn kết...
Sau chiến tranh, cương vực Đại Việt không chỉ được giữ vững, mà còn mở rộng về phía Nam nhờ chính sách bang giao của Thượng hoàng Trần Nhân Tông; đồng thời kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo... có sự kế thừa từ thời Lý nhưng đến thời Trần tiếp tục được kiện toàn, phát triển và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.
Cũng như thời Lý, ở thời Trần, Phật giáo là tôn giáo chủ lưu của dân tộc Đại Việt, đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành hệ tư tưởng chính trị của vương triều Trần. Nhiều quyết sách của vương triều liên quan đến vận mệnh quốc gia đều xuất phát từ tư tưởng, triết lý Phật giáo... Các vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông… còn áp dụng tư tưởng, triết lý Phật giáo trong đời sống xã hội thời bình.
Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông làm Thái thượng hoàng. Sau đó, ngài xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình ngày nay).
Năm 1299, ngài về kinh thành rồi lên núi Yên Tử tu hành, hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, Trúc Lâm Đại Sĩ... khai sáng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trên cơ sở hợp nhất Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, mang đậm bản sắc Phật giáo Đại Việt.
Sau khi khai sáng Phật giáo Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông thường xuyên tham gia giảng pháp, mở giới đàn cho các tín đồ tại các chùa Vĩnh Nghiêm, Báo Ân, Quỳnh Lâm, Phổ Minh... san khắc Đại tạng kinh, biên soạn kinh sách, ngữ lục nhằm hướng dẫn tín đồ tu học.
Đồng thời, ngài thường đi đến các thôn xóm, hướng dẫn người dân thực hành Thập thiện… nhằm phổ rộng đạo đức Phật giáo trong cộng đồng xã hội. Từ đó, Phật giáo ngày càng phát triển.
Theo Nguyễn Lang, số lượng chùa Phật tháp thời Trần ước tính khoảng 9.500 chùa và 15.000 tăng sĩ[1]. Trong số đó, có nhiều danh tăng, cư sĩ kiệt xuất, tiêu biểu như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Phác… Thời Trần cũng có nhiều ni sư tiêu biểu. Các ni sư hay cư sĩ là nữ giới (cận sự nữ) thời Trần được ghi chép trong chính sử, hoặc thi thoảng được nhắc đến với vai trò là mời các danh tăng đến truyền giới, giảng kinh như Tuyên Từ Hoàng Thái hậu, Bảo Từ Hoàng Thái hậu, Thiên Trinh Công chúa, Hoa Dương Công chúa, Bảo Hân Công chúa…
Một số ni sư, cư sĩ (cận sự nữ) lại được ghi chép khá đầy đủ trong một số bi ký thời Trần, có thể kể đến Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự[2] cho biết, Phụng Dương Công chúa (1244-1291) là con Thái sư Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tông nhận làm em nuôi (nghĩa nữ), cho hiệu là Phụng Dương. Bà là vợ của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Khi về già, Công chúa đặc biệt thích đọc sách nhà Phật và am hiểu được cái tâm “đại giác”[3]. Từ Ân tự bi minh tính tự cho biết Thiệu Ninh Công chúa có công trong việc xây chùa Từ Ân (nay thuộc thôn Đông Hải, xã Đông Vĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình)[4]... Qua đó, cùng với những ghi chép trong chính sử, ngày nay chúng ta thấy được phần nào hành trạng và công lao của các vị.
Sự kiện đáng chú ý là vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến thăm vương quốc Champa. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành […]. Mùa Đông, tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về”[5].
Trong thời gian thăm viếng Champa, ngài cảm mến tài đức của Vua Chế Mân nên đã hứa gả Công chúa Huyền Trân.
Năm 1305, Vua Chế Mân sai Chế Bồ Đài và phái đoàn mang vàng, bạc… và hai châu Ô, Lý làm sính lễ cầu hôn.
Năm 1306, hôn lễ giữa Công chúa Huyền Trân và Chế Mân được cử hành long trọng.
Huyền Trân Công chúa về làm dâu Champa, được Vua Chế Mân sủng ái, phong làm Hoàng hậu, hiệu Paramecvari.
Năm 1307, vua Chế Mân đột ngột qua đời. Triều đình Champa sai người sang Đại Việt báo tin. Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang viếng và tìm cách đưa Huyền Trân Công chúa về Đại Việt.
Trở về Thăng Long, Huyền Trân Công chúa xuất gia theo di mệnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Công chúa được Quốc sư Bảo Phác thụ Bồ tát giới ở núi Trâu Sơn, pháp danh Hương Tràng.
Năm 1311, Ni sư Hương Tràng cùng với thị nữ lập am tranh dưới chân núi Hổ tu hành. Sau đó, am tranh thành chùa Hổ Sơn (Quảng Nghiêm Tự).
Năm 1340, Ni sư Hương Tràng viên tịch tại đây. Sau khi Ni sư Hương Tràng viên tịch, nhân dân đã tôn bà làm Thần Mẫu, lập đền thờ cạnh chùa Hổ Sơn. Ngoài ra, ở nhiều địa phương đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của Huyền Trân Công chúa. Nhà Nguyễn đã sắc phong cho bà là “Trai Tĩnh trung đẳng thần”.
Nhưng ghi chép trong chính sử vốn ít ỏi, lại có một số điểm chưa tỏ tường về Huyền Trân Công chúa. Vì thế, những câu chuyện về cuộc đời, những sự kiện liên quan đến Huyền Trân Công chúa được thêu dệt, nhất là trong thời gian từ Champa trở về Đại Việt làm ảnh hưởng đến nhân cách, cuộc đời và làm mờ đi những đóng góp của Huyền Trân Công chúa với quốc gia, dân tộc và với Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau khi trở về Đại Việt năm 1308, Huyền Trân Công chúa xuất gia và tu hành ở Hổ Sơn lại ít được ghi chép… Chính vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ hơn cuộc đời và những đóng góp của Huyền Trân Công chúa với đất nước, với Phật giáo là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc mang đến một nhận thức đầy đủ, đúng đắn về cuộc đời, đóng góp của một nhân vật lịch sử, đồng thời cũng là một ni sư của Phật giáo Việt Nam.
-------------
[1] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.372.
[2] Văn bia do Lê Củng Viên là Kim Tử Quang Lộc đại phu, Thiếu bảo, kiêm tri kiểm định thiên hạ tụng trạng ty soạn, được khắc năm 1293, khắc lại năm 1822
[3] Thơ văn Lý- Trần (1988), tập II, quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.447
[4] Từ Ân tự bi minh tính tự, trong Văn bia thời Trần (2016), sđd, tr.244-245. Văn bia do Hồ Tông Thốc soạn, khắc năm Xương Phù thứ 6 (1382).
[5] Đại Việt sử ký toàn thư (1993), tập II, tr. 86,
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là tên hội thảo do Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản tổ chức ngày 30/11/2024.
(Thanh tra) - Chiều 29/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí về việc đồng ý chủ trương tổ chức giải đấu Poker USOP Hải Phòng mở rộng lần thứ 2 năm 2024 tại Hải Phòng.
Kim Thành
20:05 29/11/2024Thái Hải
09:21 29/11/2024TV
22:23 28/11/2024Hương Giang
Nam Dũng
Vũ Linh
Hải Viên
Thùy Dương
Tuấn Khải
Hương Giang
Thùy Dương
Hương Giang
Kim Thành