Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoài niệm Cửa Ô Hà Nội

Thứ bảy, 21/01/2012 - 08:03

(Thanh tra)- Có thể nói, trong ký ức và hoài niệm của người Hà Nội, năm cửa ô trên địa bàn thành phố là rất thiêng liêng và bi tráng. Không chỉ những câu ca dao hay tục ngữ mà ngay cả trong thơ, họa và âm nhạc, các cửa ô cũng được nhắc đến như những biểu tượng không thể thiếu: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào” hay “Hà Nội vui sao những cửa đầu ô, tíu tít gánh gồng, đây Ô Chợ Dừa kia Ô Cầu Dền, làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm…!”.

Ô Quan Chưởng

Mỗi lần được nghe những bài ca đã đi cùng năm tháng ấy về các cửa ô Hà Nội, lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc yêu mến, tự hào về Hà Nội. Những Ô Đống Mác, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy… có nơi dù đã không còn vết tích hoặc đã mai một nhưng vẫn lưu lại mãi với người Hà Nội hôm nay và mai sau. Tuy nhiên hiện nay, chỉ còn duy nhất Ô Quan Chưởng là nguyên vẹn dù đã qua hơn hai trăm năm…

Trong sâu thẳm ký ức của nhiều thành viên trong gia đình tôi, những năm 1940, ngôi nhà mà đại gia đình tôi sinh sống nhìn ra hai mặt phố là Đồng Xuân và Hàng Chiếu. Cũng qua câu chuyện của bố, mẹ, người thân khi nói về phố cổ Hà Nội, luận bàn từ các vị tiền bối văn thơ mà tôi quen biết, thì: Đầu phố Hàng Chiếu có một cửa ô rêu phong với cái cổng ba cửa như cổng thành, có vọng lầu xây bằng gạch vồ nâu đỏ, có cả tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng năm 1882. Tấm bia đại để rằng “Nghiêm cấm binh lính, quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại đây vào thành…”. Cổng ô được xây dựng năm 1749. Hơn hai trăm năm qua, Cửa ô đã là chứng nhân của lịch sử qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Và, tấm bia đá kia vẫn chưa mòn…

Vì sao Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ được đến nay? Bố tôi kể rằng, ngày đó cả khu vực quanh đây dấy lên một sự kiện vô cùng ý nghĩa. Đó là sau khi chiếm đóng Hà Nội, người Pháp đã cho phá bỏ các công trình cũ quanh thành thị để mở rộng khu phố mới. Đến Ô Quan Chưởng, ông cai tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu (1845 - 1916) và nhân dân kiên trì đấu tranh, nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô nên cuối cùng người Pháp phải nhượng bộ. Nhờ vậy mà đến nay, Hà Nội còn lưu lại được một vết tích quý của kiến trúc xưa…

Vì sao có tên là Ô Quan Chưởng? Ông Nguyễn Bảo Sinh với gia tộc 4 đời ở phố Hàng Chiếu cho hay: Tên gọi nguyên gốc ngày xưa là Ô Thanh Hà. Khoảng năm 1870, có viên quan Chưởng cơ người Bắc Ninh nổi lên chống Pháp, chẳng may bị bắt ở Gia Lâm, bị Pháp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu trước cửa Ô Thanh Hà. Người nhà quan Chưởng cơ đến thương lượng xin chuộc lại thủ cấp của viên quan Chưởng cơ rồi sau đó thả xuống sông Hồng trước cửa Ô Thanh Hà. Cái tích bắt nguồn từ đây và từ đấy ai đi qua đây đều quen miệng gọi là Ô Quan Chưởng, quên dần đi cái tên cửa Ô Thanh Hà…

Trước mặt cổng Ô Quan Chưởng thời xa xưa là phố Hàng Nâu, nơi chuyên bán củ nâu để nhuộm quần áo vì lúc đó là mặc toàn quần nâu, áo sồng nên củ nâu bán chạy lắm… Thế rồi chẳng hiểu sao phố Hàng Nâu đổi tên thành phố Hàng Chiếu, chắc có lẽ sau khi nhu cầu nhuộm nâu quần áo đã không còn nhiều, người dân chuyển sang buôn cói, đan chiếu. Chiến tranh, bom đạn rất ác liệt qua các thời kỳ ở Hà Nội, nhưng kỳ lạ là cổng thành Ô Quan Chưởng lúc đó và cho đến nay chỉ có vài chục lỗ thủng trên tường do đạn súng trường của quân Pháp… Với người dân phố cổ Hà Nội, Ô Quan Chưởng như một sự bảo đảm vững chắc che chở tâm linh cho họ. Ông Sinh cho rằng, có lẽ cổng thành Ô Quan Chưởng đã ứng nghiệm vào với cây cầu Long Biên huyền thoại gần đó mà theo người dân Hà Nội, suốt bao nhiêu năm thời chiến, bị oanh kích dữ dội mà cây cầu “huyết mạch” của Hà Nội vẫn được bảo vệ an toàn…

Nhớ lại thời ấy, hồi Pháp mới tái chiếm Hà Nội, bố tôi (sinh năm 1932) kể rằng, thành phố đi ngủ sớm lắm bởi lệnh thiết quân luật. Cứ khoảng 5 giờ chiều là cổng thành Ô Quan Chưởng có rất nhiều lính đứng gác soát xét người qua lại. Tối xuống, xe quân sự Pháp chạy ầm ầm, lính Pháp chĩa súng ra thành xe cứ thấy bóng người là bắn, thậm chí đám lưu manh, trộm cắp đi đêm hành nghề nhiều kẻ bị dính đạn nằm chết sáng hôm sau mới biết...

Giáp phía cổng trái của Ô Quan Chưởng là phố Hàng Buồm, còn gọi là phố người Tàu (người Hoa). Trường học riêng của người Hoa ở đường Yên Phụ. Người Hoa ở đâu cũng tạo điều kiện sống như quê hương, họ có chùa, trường, bệnh viện, nghĩa trang… riêng nên rất yên tâm sống ở Hà Nội và ít nghĩ tới về thăm quê hương…

Còn Ô Cầu Giấy lại khác. Cũng là địa danh nổi tiếng và chứng kiến viên sĩ quan Pháp Garnier thất thủ năm 1873, nhưng Ô Cầu Giấy hầu như không còn một vết tích gì vì tốc độ của đô thị hóa… Ô Cầu Giấy nằm ở vị trí bắc qua sông Tô Lịch, án ngữ các ngả đường huyết mạch như Láng, Bưởi, Kim Mã. Nhớ lại ngày xưa, từ Ô Cầu Giấy muốn vào thăm Thủ đô, ai cũng phải chờ tàu điện ở gần đền Voi Phục (Công viên Thủ lệ bây giờ). Ô Cầu Giấy có nhánh bên phải về Ô Chợ Dừa. Từ bến tàu điện đến cửa trường Đại học Sư phạm dài khoảng 2km. Thời kỳ chống Pháp, Mỹ, địa điểm Voi Phục đối với người Hà Nội sống ở phố cổ là rất xa. Tôi còn nhớ hồi lớp 1, vừa qua giải phóng miền Nam, được nhà trường cho đi cắm trại ở Voi Phục bằng xe tải có bạt che, kê ghế băng ở thùng xe để ngồi mà có cảm tưởng ngày nay mình đi du lịch tít tận Tam Đảo. Mà đúng thế thật, khi đó, chúng tôi đã lạc vào một khu vực toàn lau, sậy, gió thổi xào xạc, chim bay rợp trời…

Trong hai cuộc xâm lược Bắc Kỳ và Hà Nội (1873 và 1882) của thực dân Pháp, Ô Cầu Giấy đầy khói lửa tang thương. Do nằm trên huyết mạch giao thông quan trọng nên Ô Cầu Giấy là điểm huyết chiến chiến lược giữa quan quân triều đình và quân Pháp. Và, hai chiến thắng oanh liệt được gọi là “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất” (1873) và “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ hai” (1883) đều gắn với tên tuổi của một con người - Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm… Chỉ có điều, giờ đây Ô Cầu Giấy đã trở thành hoài niệm khi nó được mang tên ngã tư Cầu Giấy với sự đông đúc dân cư và cửa nhà san sát…

Ô Chợ Dừa, ngày xưa còn gọi là Ô Thịnh Quang bắt đầu từ khu Xã Đàn, Xã Tắc, phố Nguyễn Lương Bằng (Nam Đồng cũ), đường Đê La Thành, phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột cũ)… Nằm về phía Tây Hà Nội, chợ Ô Chợ Dừa nổi tiếng vì nằm thụt xuống so với mặt đường cách mặt đê La Thành gần chục mét dưới hàng trăm cây dừa lao xao, bát ngát. Nay, dấu tích này không còn, mà thay vào đó là Trung tâm Thương mại OCD (Ô Chợ Dừa)…

5 cửa ô đã trở thành hoài niệm và với người Hà Nội nó trở thành những ký ức không bao giờ phai…


Bài, ảnh: Hồng Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm