Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đón Tết cùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Nam

Thứ bảy, 25/01/2025 - 06:30

(Thanh tra) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào các dân tộc lại có những phong tục rất độc đáo để đón Tết cổ truyền, mừng năm mới, tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh Tết của các dân tộc Việt Nam.

Các chàng trai, cô gái dân tộc Thổ tham gia các hoạt động vui chơi trong ngày Tết. Ảnh: Hoàng Nam

Đón Tết cùng đồng bào người Thổ

Người Thổ có khoảng 91.430 người (chiếm 0,095% dân số Việt Nam, đứng thứ 23 về dân số trong 54 dân tộc Việt Nam), sống tập trung đông nhất tại tỉnh Nghệ An (78%) và Thanh Hóa (12,5%).

Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thổ diễn ra trong vòng 12 ngày, từ ngày 25/12 - 7/1 Âm lịch. Đây là dịp để đồng bào Thổ thăm hỏi, chúc phúc cho nhau, cũng là dịp giao lưu, gặp gỡ mọi người cùng vui mừng năm mới, uống rượu, đánh chiêng, trống, tổ chức các sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống.

Sau ngày 25 tháng Chạp là ngày đóng cửa rừng, các gia đình bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, bởi theo quan niệm của người Thổ, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm mới gặp nhiều may mắn. Các gia đình cùng nhau ra mộ ông bà, tổ tiên dọn dẹp, sửa sang phần mộ sạch sẽ, đắp thêm đất mới, thắp hương, đặt hoa, quả thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Đồng thời, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Từ đêm Giao thừa đến trưa ngày mùng 1, các nhà đều đóng chặt cửa cổng, không cho bất cứ ai ra, vào, bởi theo phong tục, nếu có người đến nhà chơi sẽ mang lại nhiều tai ương, vận hạn cho gia đình.

Lễ hội đón Tết của người Thổ bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, các gia đình làm lễ tiễn ông bà về với tổ tiên, đồng thời, tổ chức nhảy múa, hát hò… Những đôi nam nữ cùng nhau hát điệu Dạ ời (hay còn gọi là hát giao duyên), cầm tay nhau, đứng bên nhau hát, múa, hòa theo tiếng cồng chiêng cùng tiếng kèn, tiếng trống quyện với thiên nhiên, cây, cỏ, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa đồng bào Thổ.

Phụ nữ dân tộc Thổ vui vẻ trong điệu múa, tiếng hát truyền thống, vui chơi dịp lễ, Tết. Ảnh: Hoàng Nam

Tại nhà văn hóa cộng đồng các xóm, đồng bào dân tộc Thổ tổ chức những trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, thi cà kheo… vừa thể hiện tính cộng đồng, vừa mang ý nghĩa cầu mong mùa màng tươi tốt, nhà cửa ấm no, sung túc, yên vui.

Từ ngày mùng 3 trở đi, anh em bạn bè mới mời nhau đến ăn Tết; đến mùng 7, người dân bắt đầu làm lễ xuống đồng khai hạ, với hy vọng sẽ có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con người được bình an, mạnh khỏe, làm lễ hạ cây nêu chính thức hết Tết.

Ngày xuân học chữ cùng người Dao

Người Dao với dân số 891.151 người, cư trú tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh Hà Giang (14,3%); Tuyên Quang (11,8%); Lào Cai (11,7%); Yên Bái (11,4%); Quảng Ninh (8,3%)...

Đồng bào Dao có kho tàng tri thức rất phong phú, được ghi chép trong các sách cổ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Người Dao có chữ Nôm Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thanh niên người dân tộc Dao trong ngày làm lễ cấp sắc. Ảnh: TN

Người Dao quan niệm, Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau 1 năm lao động vất vả, dịp để báo với tổ tiên về những thành quả trong cả năm, cầu mong những điều tốt sẽ đến trong năm mới.

Người Dao cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Ngày cúng tất niên không nhất thiết là ngày 30 Tết mà có thể làm vào ngày nào đó trong tháng Chạp. 

Trong quan niệm của người Dao, mọi vật đều có thần linh ngự trị, bởi vậy, vào sáng sớm mùng 1 Tết, gia chủ sẽ dậy sớm để đi làm lễ tạ ơn thần nước, thần cây.

Vào ngày mùng 2 Tết, các thầy cúng, già làng tổ chức dạy chữ cho thế hệ trẻ người Dao ngay tại nhà mình: Ảnh: HN

Vào ngày mùng 2 Tết, các thầy cúng, già làng tổ chức dạy chữ cho thế hệ trẻ ngay tại nhà mình. Việc dạy chữ vừa thể hiện truyền thống hiếu học, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm của những người lớn tuổi đối với thế hệ trẻ để chữ viết, văn hóa của dân tộc mãi được gìn giữ và phát huy. Theo phong tục, mỗi chàng trai phải biết viết chữ và đọc được sách cổ mới có thể tham gia nghi lễ cấp sắc (lễ trưởng thành).

Trước đây, Tết của người Dao thường diễn ra đến ngày 15, nhưng bây giờ, Tết của người Dao chỉ đến ngày mùng 5, ngày mùng 6 người dân sẽ bắt đầu “khai quang”, tức là buổi đi làm đầu tiên với ước mong mọi công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát đạt trong cả năm.

Đặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Hmông

Người Hmông cư trú tập trung đông nhất tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng… thường quần tụ trong từng bản vài chục nóc nhà trên các đỉnh núi cao. Nếu trong một địa bàn có nhiều tộc người sinh sống thì thường các bản của người Hmông sẽ ở khu vực cao nhất.

Trong số các nghi lễ của đồng bào dân tộc Hmông, Gầu Tào và Nào Sồng là hai nghi lễ đặc biệt quan trọng, trở thành lễ hội lớn của dân tộc Hmông.

Cộng đồng người Mông ở Lai Châu tham gia lễ hội Gầu Tào đặc sắc. Ảnh: HN

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội đặc sắc của người dân tộc Hmông được diễn ra vào khoảng nửa đầu tháng 1 Âm lịch hằng năm. “Gầu Tào” theo tiếng dân tộc Hmông có nghĩa là “chơi ngoài trời”, hay “hội chơi trên đồi”, là lễ hội của cả bản làng trong dịp đón Tết Nguyên đán, mừng Xuân mới.

Đầu tiên, mọi người cùng nhau cắm một cây nêu cao vút, biểu tượng cho sự trường tồn và mạnh mẽ của người Hmông trên mảnh đất cằn cỗi ở trên đỉnh núi cao, để thông báo địa điểm tổ chức lễ hội. Sau đó, các già làng sẽ làm một mâm lễ để cúng thần linh, tổ tiên, trời đất để xin phép bề trên cho tổ chức lễ hội tại đây, cũng như cầu mong mọi điều tốt đẹp đến cho bà con trong bản làng. Đây cũng dịp tăng cường tình đoàn kết dân tộc, giao lưu với các anh em trong vùng và đặc biệt là nơi để trai gái giao duyên.

Một góc chợ văn hóa Bắc Hà của người Mông ở Lào Cai. Ảnh: HN

Lễ hội “Nào Sồng” giống như một hội nghị của người Hmông được tổ chức vào đầu năm nhằm đưa ra các quy định, quy ước cho công việc của cả làng trong suốt một năm như: Việc chăn thả gia súc, xử lý khi gia súc đánh nhau; các quy định về thách cưới; các quy định về xử lý an ninh, trộm cắp tài sản...  để mọi người biểu quyết tán thành hoặc phản đối. Sau phần lễ, mọi người cùng ăn uống vui vẻ, chúc rượu và hòa mình trong tiếng khèn, tiếng trống cùng những bài hát, tham gia các trò chơi của dân tộc như ném pa pao, nhảy tha khênh, chơi tu lú, cướp trứng, bắn nỏ, đua ngựa.

Đón Tết to cùng đồng bào Giáy

Tết của người Giáy trùng với Tết Nguyên đán, gọi là “xiêng láo” được hiểu là (Tết to). Tết đối với người Giáy rất thiêng liêng, đó là ngày sum họp gia đình, người thân cũng là ngày được nghỉ ngơi, ngày gia đình sống vui vẻ, đầm ấm. Tết bắt đầu tính từ ngày mổ lợn cho đến hết ngày 29 tháng Giêng. Nhưng mời khách đến ăn Tết thì chỉ có 2 ngày, đó là ngày mổ lợn (thường mổ lợn vào ngày 27, 28 tháng Chạp) và ngày hóa vàng, tiễn ông bà, gia tiên.

Tết đối với người Giáy rất thiêng liêng, đó là ngày sum họp gia đình, người thân cũng là ngày được nghỉ ngơi, ngày gia đình sống vui vẻ, đầm ấm. Ảnh: HN

Với người Giáy, sau khi làm xong các loại bánh và dọn dẹp để bày biện trên bàn thờ tổ tiên, bắt đầu từ chiều tối ngày 30 Tết, hương và nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc hóa vàng xong.

Điều đặc biệt trong ngày Tết to của người Giáy là làm lễ mua nước vào sáng mùng 1 Tết. Khi gà gáy canh đầu tiên, người Giáy dậy thắp hương đốt tiền vàng ở thùng hứng nước hoặc ở thành giếng, sau đó lấy nước mới về đun pha trà, rửa ẩm chén, rửa mặt và cúng ông bà, tổ tiên bằng nước trà mới, rồi lấy giấy đỏ, vải đỏ đi dán, buộc tất cả mọi vật dụng trong nhà, công cụ lao động, cây cối… nghĩa là mọi vật đều được ăn Tết.

Trong dịp Tết to này, người Giáy có 5 lần cúng tổ tiên đó là ngày mổ lợn, ngày 30 Tết, ngày tiễn ông bà, gia tiên (hóa vàng), ngày Rằm tháng Giêng và ngày 29 tháng Giêng (Tết nhỏ) nghĩa là kết thúc Tết bắt tay làm những công việc mới.

Người dân tộc Giáy rước mâm lễ chuẩn bị cho Lễ hội xuống đồng (Róong Pọoc). Ảnh: HN

Trong các nghi lễ đầu năm, người Giáy tổ chức Lễ hội xuống đồng (Róong Pọoc) vào ngày Thìn của tháng Giêng hàng năm để cầu mong được rồng phun mưa cho ruộng lúa tốt tươi, không bị hạn hán. Tại đây mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cúng gồm thịt lợn, thịt gà, bánh khảo, bánh bỏng, bánh trưng… để dâng cúng thắp hương cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đặc sắc Tết hoa của người Cống và lễ cúng bản của người Si La ở Điện Biên

Đặc sắc Tết hoa của người Cống và lễ cúng bản của người Si La ở Điện Biên

(Thanh tra) - Người Cống và Si La là hai dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh Điện Biên, cùng với 19 dân tộc anh em khác, với những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… đã tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên. Cũng ăn Tết như bao dân tộc khác, Tết của đồng bào Cống và Si La thực sự là nét văn hoá đặc sắc và độc đáo.

Trần Kiên

13:30 26/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm