Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Độc đáo nghề thêu giày hoa Thèn Pả

Chủ nhật, 21/11/2021 - 15:35

(Thanh tra) - Người Xạ Phang ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà có nghề thêu giày lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những đôi giày được thêu tỉ mỉ, tạo nét hoa văn rực rỡ làm nên sự độc đáo của giày thêu người Thèn Pả.

Người phụ nữ Xạ Phang hoàn thiện những đôi giày thêu

Bản Thèn Pả còn được gọi là “thung lũng mắt trời” bởi nơi đây núi cao bao bọc xung quanh. Bản cách trung tâm xã Sa Lông hơn 10km, nằm ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển. Người Xạ Phang định cư ở Thèn Pả từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Từ hơn chục hộ giờ đây Thèn Pả đã có 66 hộ dân, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, tiêu biểu là nghề làm giày thêu.

Dưới sự hướng dẫn của chị chủ nhà, chúng tôi tham quan quanh bản và chứng kiến sự khéo léo, tỉ mỉ, như múa dưới mũi kim của chị Sần Sủ Chu.

Là người có nhiều kinh nghiệm thêu giày, chị Sần Sủ Chu cho biết: Giày mình làm tự tay thêu lúc mới đi sẽ có cảm giác khá cứng do đế giày được lèn rất chặt song sau đó người dùng sẽ cảm thấy rất thoải mái, mềm và dễ đi do giày được tạo thành từ những chất liệu tự nhiên. Ðể làm được một đôi giày hoa truyền thống có chất lượng tốt, việc làm đế và khâu đế giày luôn là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất vì nó quyết định sự bền chắc của sản phẩm; còn phần thân giày được làm từ loại vải bền, chắc và được phủ một lớp keo. Trong bản, ai cũng có 2 - 3 đôi giày thêu truyền thống để đi trong những ngày lễ, Tết hay cưới hỏi.

Phụ nữ Xạ Phang máy vá, thêu thùa quần áo, giày dép

Được mục sở thị và nghe kể lại công đoạn làm một đôi giày thêu hoa truyền thống với họa tiết hoa văn độc đáo, gắn với đời sống sinh hoạt, chúng tôi càng khâm phục tài năng, sự khéo léo của những người phụ nữ Xạ Phang. Họ không chỉ làm ra một vật dụng cần thiết cho gia đình mà là sự giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nguyên liệu chính để chế tác một đôi giày gồm có: vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản kèm theo các dụng cụ như: Kéo, dao nhỏ, kim khâu, kim thêu, cục sáp ong khô. Đặc biệt, vải để khâu đế giày và thân giày phải là loại vải dày, dai, có độ bền; đối với chỉ khâu được làm từ vỏ một loại cây rừng, là loại sợi săn chắc, dẻo, dai, ít thấm nước. Từ những thân cây được chặt về, người Xạ Phang tước bóc bỏ phần lõi, lấy phần vỏ ngoài, giã cho dập và mềm, sau đó cho vào nồi nước luộc rồi phơi khô. Các sợi mỏng được xé nhỏ, nối với nhau và bện lại thành sợi nhỏ quấn vào thoi sợi và có thể sử dụng khi cần thiết.

Sáp ong khô được dùng rất nhiều trong quá trình khâu giày, để sợi chỉ luôn trơn, bóng, không bị đứt và không thấm nước. Người Xạ Phang vuốt sợi chỉ vào cục sáp ong khô trước khi thực hiện việc khâu giày. Đến công đoạn dán đế, người dân sử dụng loại keo dán làm ra từ củ của một loại cây rừng. Loại củ của cây rừng này khi đào về, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, lấy phần ruột, giã nhuyễn, hòa vào nước và lọc hết bã thô, cho lên nồi nấu tạo thành hồ đặc như keo dán, có độ bám dính cao.

Cầu kỳ hơn, chỉ thêu hoa văn trên giày phải là loại chỉ tự nhiên với khá nhiều màu sắc như đỏ, hồng, xanh, vàng, ít phai màu, thường được mua ở các phiên chợ vùng cao.

Phức tạp hơn là công đoạn làm đế giày. Người thợ lấy mo tre già, khô, mang về phơi, ép phẳng, cắt theo hình bàn chân và khâu thành đế giày. Mỗi đế giày thường được ghép từ 4 đến 5 lớp mo, mỗi lớp bọc một lần vải dày và dai để tạo độ dày dặn, cứng cáp, đảm bảo bền chắc. Các lớp mo được dán với nhau bởi một lớp keo tự làm của người Xạ Phang. Các lớp mo tre làm đế giày được khâu chắc chắn với nhau bằng những sợi chỉ khâu đã được chà qua sáp ong khô để chống thấm nước. Mặt dưới của đế giày được lót bằng vải trắng; mặt trong được lót bằng một lớp vải màu tùy theo ý thích của người chế tác và được khâu chắc chắn với đế giày. Nhờ đó, giày thêu của người Xạ Phang không đơn thuần là vật bảo vệ chân mà đã trở thành tác phẩm nghệ thuật bởi những nét độc đáo và tâm huyết của người thêu giày.

Giày của người Xạ Phang đều được thêu hoa văn. Cách thêu và hoa văn chính được thêu trên giày nam hay nữ đều như nhau, gồm các loại hoa lá cách điệu, thực vật thân leo, một số hoa văn hình học như ô trám lồng, zích zắc, sóng lượn, răng cưa… Hoa văn chủ yếu gồm hoa 6 cánh và 4 cánh được thêu đan xen nhau, xung quanh là hình các loại lá cây được cách điệu, các cây thân leo. Hoa văn hình học được thêu trên thân giày chủ yếu trang trí ở phần viền xung quanh, tạo thành khung cho mảng hoa văn chính là hoa và lá. Người thêu sử dụng các loại chỉ thêu có màu sắc đậm, tạo nên những mảng hoa văn trang trí nổi bật phần nào thể hiện cá tính mạnh mẽ và sự nồng nhiệt của người Xạ Phang. Đồng thời thể hiện sự tự tin, lạc quan, luôn hướng tới những niềm vui, những điều may mắn trong cuộc sống.

Những đôi giày thêu của người Xạ Phang có hoa văn sặc sỡ, rực rỡ sắc màu

Quan sát, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự tinh tế và khác biệt giữa giày nam và nữ. Đối với giày nữ, thân giày là một miếng vải hình vòng cung gắn quanh đế giày, quanh thân giày đều kín, điểm giáp lai duy nhất là phần tiếp giáp giữa hai điểm cuối của vòng cung, gặp nhau tại phần gót giày. Sau khi hai đầu thân giày được khâu liền với nhau, người chế tác khéo léo táp thêm một miếng vải đã được thêu hoa văn phủ lên vị trí tiếp giáp vừa có tác dụng trang trí vừa tạo sự chắc chắn cho đường tiếp giáp để giày được bền, đẹp hơn. Hoa văn thường là thêu một bông hoa lớn nổi bật hơn những bông xung quanh, tạo điểm nhấn chính trên thân giày.

Sự khác nhau để phân biệt giữa giày nam và nữ là thân giày dành cho nữ có đặc điểm kín mũi, nhỏ gọn, thanh thoát, kín đáo. Với giày nam, thân giày hở một phần phía trước và hai bên, phần gót và thân sau liền, tạo dáng vẻ khỏe khoắn, năng động, phù hợp các hoạt động thể hiện sự mạnh mẽ, phần hoa văn thêu dàn trải đều khắp trên thân, không có điểm nhấn chính. Điểm nhấn tạo sự nổi bật chính trên đôi giày nam là hai mảng hoa văn khác nhau, mảng thân ôm quanh gót và mảng từ mu bàn chân sang hai bên và đến đầu các ngón.

Trên thân giày, người Xạ Phang khéo léo tạo thêm nút cài bằng vải phía trên mu bàn chân giúp người đi giày dễ dàng cài hoặc tháo khi sử dụng. Thân giày được cắt định hình từ vải trắng, mặt ngoài của thân giày được táp một lớp vải màu làm nền thêu trang trí các mảng hoa văn sặc sỡ.

Để thêu được hoa văn trên thân giày, nghệ nhân dùng giấy bản và chiếc kéo nhỏ, khéo léo cắt tạo hình các hoa văn, họa tiết theo ý thích của mỗi người, sau đó đặt dải hoa văn đã cắt lên phần vải đã được lựa chọn làm thân giày và thêu theo hình đã có với các gam màu xanh, đỏ, vàng, hồng… Việc tạo hình hoa văn trước khi thêu chỉ thực hiện đối với các hoa văn chính là hoa, lá cách điệu, còn các hoa văn hình học sẽ được thêu trực tiếp trên thân giày. Những nghệ nhân tài năng có thể thêu mà không phụ thuộc vào các hình hoa văn cắt sẵn bởi mọi họa tiết, hoa văn đã được ghi nhớ sâu trong tâm trí.

Khâu, ghép thân với đế giày là công đoạn cuối để hoàn thiện giày. Nghệ nhân dùng loại chỉ to, chắc, những đường khâu giấu ẩn rất khéo, không lộ và thô, đảm bảo thẩm mỹ, góp phần tạo nên sản phẩm hoàn hảo.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, ngành công nghiệp may mặc, da giày phát triển vượt bậc với nhiều mẫu đa dạng nhưng người Xạ Phang vẫn lưu giữ, phát huy được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua từng đường kim, mũi chỉ, họa tiết trên mỗi sản phẩm mộc mạc.

Với giá trị văn hóa tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa này đang được bà con Xạ Phang gìn giữ, trao truyền để phát huy truyền thống dân tộc mình.

Hải Vũ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm