Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để một mùa lễ hội không còn lo... phạt

Chủ nhật, 14/02/2021 - 06:00

(Thanh tra) - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Phạm Cao Thái nhấn mạnh, các ngành chức năng cần làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, gắn chặt với phòng, chống dịch. Cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh; phân công trách nhiệm rõ ràng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm...

Đoàn thanh tra Bộ VHTTDL trong một cuộc kiểm tra công tác quản lý di tích, quản lý, tổ chức lễ hội tại chùa Keo. Ảnh: TH

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Cao Thái nhấn mạnh: Năm 2020 mặc dù còn những khó khăn, nhưng Bộ VHTTDL nói chung và ngành Thanh tra VHTTDL nói riêng đã chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực có nhiều sai phạm, nhất là trong tổ chức, quản lý lễ hội.

Ông Thái cho biết, dù dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng Thanh tra Bộ đã triển khai 8 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2020 và phòng, chống dịch Covid-19 đối với 25 lượt di tích, lễ hội. Qua thanh tra cho thấy, các tổ chức, cá nhân được kiểm tra đã chấp hành quy định pháp luật, chỉ đạo của cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội cũng như trong phòng, chống dịch Covid-19.

Mặt khác, các sở VHTTDL, sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và ban quản lí di tích, ban tổ chức lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền về di tích và lễ hội. Ban tổ chức lễ hội xây dựng kịch bản, kế hoạch, thành lập các tiểu ban, phân công trách nhiệm các tiểu ban tổ chức lễ hội để khắc phục những hạn chế của năm trước; tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử di tích và lễ hội, phổ biến, giáo dục pháp luật để nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, quy chế về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, các quy định về tổ chức lễ hội. Nhiều lễ hội kịch bản phần lễ, phần hội ngày càng hoàn chỉnh, khôi phục các trò chơi dân gian, phát huy được truyền thống văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các sở VHTTDL, sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động tổ chức lễ hội; chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức lễ hội, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lí và tổ chức lễ hội; phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Chủ động ứng phó với tình hình

Ông Thái chia sẻ thêm, ngay từ đầu năm 2020, nhiều địa phương trên cả nước đã tạm dừng tổ chức các lễ hội, để phòng, chống dịch Covid-19. Bộ cũng thường xuyên chỉ đạo sở VHTTDL, sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ với sở y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gây ra.

Trong đó, có nhiều nội dung như:Chủ động dừng tổ chức lễ hội chưa khai mạc, giảm hẳn các hoạt động hội đang diễn ra ở địa phương; hướng dẫn đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người, không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, người mắc bệnh, chủ động khai báo sức khỏe, khai báo với cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh gây ra...

“Tuy nhiên, việc dừng tổ chức lễ hội vẫn đảm bảo nhu cầu tinh thần - tâm linh của người dân, bởi chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia. Quan trọng nhất là nhờ có công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng, nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân được nâng cao” - ông Thái nhấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngay từ cuối năm trước, công tác quản lý, kiểm tra việc tổ chức lễ hội, tạo môi trường thuận lợi cho du khách, ngành VHTTDL đã vào cuộc quyết liệt, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả năm.

Khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội

Theo Chánh Thanh tra Bộ, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thời gian tới, nhất là mùa lễ hội 2021 đang đến gần, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng và nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ thể văn hóa và công chúng tham gia về việc bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống và việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội.

Kiên quyết, kiên trì hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra... nhằm hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới triệt tiêu các hành vi tiêu cực như chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội. Ảnh:TH

Ông Thái cho biết thêm, Bộ VHDLTT sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm và thương mại hóa lễ hội; chỉ đạo ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; không đưa hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hoá.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Giám sát tổ chức lễ hội năm 2021

Bước vào mùa lễ hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, yêu cầu Bộ VHTTDL tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và phong tục, tập quán của từng địa phương; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nhiều loại hình du lịch gắn với văn hóa, tín ngưỡng, cộng đồng...

Ông Thái cho biết, trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ban hành kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Theo đó, yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn cần có sự chung tay góp sức của các ngành, các địa phương, đặc biệt là vai trò tuyên truyền định hướng dư luận của truyền thông và sự vào cuộc của cộng đồng để đưa hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp; góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội tới mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế”, Chánh Thanh tra Bộ nhấn mạnh.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm