Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Brâu

Thu Huyền - Nhật Tường

Chủ nhật, 12/09/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Brâu là một trong những dân tộc có dân số ít nhất và mới định cư ở nước ta khoảng hơn 1 thế kỷ. Tuy nhiên, cộng đồng dân tộc này đã hình thành nên những nét đặc trưng văn hóa không dễ pha lẫn, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về sắc màu văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Lễ cúng lúa mới của dân tộc Brâu. Ảnh: TL/Baokontum.com.vn

Đồng bào dân tộc Brâu (còn có tên gọi khác là Brao) là tộc người chuyển cư vào Việt Nam từ vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, sống tập trung tại làng Ðắc Mế, xã Bờ Y, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, với dân số khoảng hơn 500 người. Người Brâu sử dụng tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc, nguồn sống chính của người Brâu là làm rẫy để trồng lúa nếp, lúa tẻ, ngô, sắn. Phương thức canh tác là phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt, thu hái bằng tay. Việc săn bắn, hái lượm còn chiếm vị trí quan trọng, đem lại thức ăn khá thường xuyên cho mọi gia đình. Trong làng người Brâu sinh sống có lò rèn để sửa chữa nông cụ. Ðàn ông có khá nhiều người biết đan lát. Ðể có đồ mặc, người ta thường đem lâm thổ sản đổi lấy váy áo hoặc vải của các dân tộc láng giềng.

Người Brâu chủ yếu ăn cơm nếp đốt trong ống nứa non (cơm lam), thứ đến là cơm gạo tẻ nấu trong nồi đất nung. Ngô, sắn chỉ dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thức ăn có muối ớt, rau quả, măng tươi, cá suối, chim thú săn bắn được. Thức uống có rượu cần. Trẻ, già, trai, gái đều thích hút thuốc lá sợi bằng điếu khan.

Là một trong những dân tộc có dân số ít nhất nước, nhưng người Brâu đã sớm hình thành những đặc trưng văn hóa riêng biệt, nổi trội ở trang phục, kiến trúc nhà ở và hệ thống nhạc cụ phục vụ cho sinh hoạt, lễ hội.

Về kiến trúc nhà cửa, nhà của đồng bào dân tộc Brâu có những nét độc đáo rất dễ nhận biết, không pha trộn với các dân tộc khác. Đó là những ngôi nhà sàn có mái dốc cao. Nền sàn được cấu tạo thành hai nấc cao thấp khác nhau để phân định chức năng sinh hoạt. Nhà chính đi sang nhà phụ qua một cầu sàn. Các ngôi nhà trong làng được bố trí quay đầu hồi, mở cửa chính hướng về phía trung tâm, nơi có ngôi nhà Rông là nhà chung của cộng đồng.

Đồng bào Brâu cũng như các dân tộc khác sống trên địa bàn rừng núi, làm nhà sàn để tránh muông thú và sử dụng phía dưới sàn làm chỗ nuôi nhốt gia súc. Tuy nhiên, nhà của người Brâu có mái dốc đứng đặc trưng và quây tụ quanh nhà rông như một biểu tượng cho sự cố kết cộng đồng. Nhà được lợp bằng tranh hoặc lá rừng, sàn và tường được kết bằng thân tre hoặc thân lồ ô và được trang trí cầu kỳ với các hình về thiên nhiên, chim thú…

Nhà rông của người Brâu có kiến trúc tương tự nhà sàn, cũng làm bằng các vật liệu gỗ, tre, nứa nhưng có kích thước lớn hơn, vật liệu quý và trang trí công phu, cầu kỳ hơn nhiều. Đây là trung tâm của cộng đồng, là không gian linh thiêng và là nơi diễn ra những lễ nghi quan trọng của cộng đồng người Brâu.

Đối với người Brâu, lễ cúng nhà mới được xem là một dịp trọng đại đối với mỗi con người, mỗi gia đình. Khi ngôi nhà được khánh thành, người ta làm lễ lên nhà khá long trọng và được cả làng cùng tham dự bữa tiệc sau lễ cúng các thần linh như thần đất, thần núi, thần nước.

Về trang phục, trước đây người Brâu có trang phục đơn giản, đàn ông đóng khố, đàn bà quấn váy tấm. Mùa hè, nam nữ thường ở trần hoặc mặc áo cánh ngắn chui đầu. Mùa lạnh thường khoác thêm một tấm mền.

Trang phục của người Brâu không cầu kỳ nhưng vẫn tinh tế, thanh thoát. Đàn ông mặc áo ngắn thân thẳng, hình vuông với những hoa văn hình mũi tên, hàng rào thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ. Phụ nữ thì mặc váy với hoa văn hình hoa lá nhẹ nhàng, tinh tế cùng với nhiều vòng trang sức bằng vàng, bạc được đeo ở tay, chân.

Trong cộng đồng người Brâu, để được công nhận là đã trưởng thành thì phải trải qua tục cà răng. Đây được xem là một thủ tục nhằm hướng tới chuẩn mực của cái đẹp và thể hiện lòng can đảm của những chàng trai, cô gái sắp trưởng thành. Theo quan niệm, việc cà răng còn là thủ tục để con người sau này chết sẽ được về với tổ tiên, ông bà.

Một lễ cà răng được xem là thành công khi bốn chiếc răng cửa hàm trên được mài nhẵn, sát lợi (nướu) bởi đá mài. Người được mài răng phải trải qua quá trình đau đớn trong nhiều tiếng đồng hồ, sau đó được đắp lên chân răng một loại vỏ cây rừng có tác dụng cầm máu, giảm đau và sát trùng.

Phụ nữ Brâu có tục căng tai để đeo những khoanh nứa, vàng hoặc khuyên bằng ngà voi. Đây là một quá trình lâu dài, từ khi các bé gái mới 1 - 2 tuổi đến khi về già. Lỗ tai của phụ nữ Brâu được căng rộng dần bằng việc thay những chiếc khuyên to dần theo thời gian. Đến thời điểm độ rộng đạt tối đa, đôi dái tai bị đứt hẳn thì được xem là căng tai thành công và là điềm may mắn đối với cả gia đình, cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Brâu phong phú, đa dạng về lễ hội truyền thống. Vì thế, hệ thống nhạc cụ để phục vụ lễ hội của họ cũng hết sức phong phú và có nhiều đặc trưng, độc đáo. Nổi bật trong số đó là bộ chiêng Tha.

Bộ chiêng Tha được người Brâu xem là linh vật, là tài sản vô giá. Theo quan niệm, đây là vật linh thiêng nối giữa con người và thế giới thần linh. Nó không chỉ được làm từ những vật liệu thông thường mà có sự pha trộn giữa các kim loại khác nhau với một tỉ lệ nhất định, nên thanh âm của nó đặc biệt khác lạ so với tiếng cồng chiêng của các dân tộc khác.

Một bộ chiêng Tha gồm có hai chiếc, chiếc nhỏ gọi là chiêng vợ (chuar) và chiếc lớn hơn là chiêng chồng (Jơ Liêng). Vì là vật linh thiêng nên chỉ có những người đàn ông mới được đánh chiêng Tha, và chỉ được đánh trong những dịp lễ hội quan trọng, ở những nơi linh thiêng.

Với các thiếu nữ dân tộc Brâu, họ thường chơi đàn Klông pút. Đây là loại nhạc cụ gồm các ống lồ ô với các kích thước khác nhau đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống. Đàn Klông pút của người Brâu tạo ra thứ âm thanh trầm tĩnh, thẳm sâu như lời tâm tình thủ thỉ của sông suối nơi đại ngàn.

Chất liệu để làm nhạc cụ của người Brâu cũng hết sức đơn giản, gần gũi với cuộc sống của họ, như đàn T'rưng, Klông Pút, Đinh Túk, Ting Nin (làm từ tre, nứa), đàn Goong (vỏ quả bầu), đàn M’bin (chất liệu gỗ)… Mỗi loại nhạc cụ được dùng trong những dịp lễ hội, sinh hoạt nhất định, tạo nên sự đa dạng, đa sắc màu và âm thanh.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Brâu đang được Nhà nước quan tâm đầu tư với 3 hình thức: Đầu tư sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư bảo tồn. Những ngôi nhà Rông đã được lợp ngói, tu sửa kiên cố. Đời sống người dân cũng trở nên khá giả. Trên đường phát triển, người Brâu vẫn luôn nêu cao ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm