Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Thanh Thanh

Thứ sáu, 16/09/2022 - 22:07

(Thanh tra) - Chiều 16/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực đã chủ trì Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực tôn giáo. Ảnh: H.Diệp

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam có chủ trương xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, đây là một chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng, trong đó các tôn giáo chính là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện tốt chủ trương này.

Từ thực tiễn và kết quả tham gia hoạt động an sinh xã hội thời gian qua, để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa nguồn lực của các tôn giáo, đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận và đề ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động, các mô hình về phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng, trong thực tế, có hai lĩnh vực mà tôn giáo có nguồn lực, tiềm lực rất lớn là y tế và giáo dục. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội hiện nay vẫn còn khá dè dặt, e ngại.

Ông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất, phải thế chế hóa và có cơ chế hướng dẫn, điều chỉnh theo pháp luật để các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng là y tế và giáo dục.

Theo đó, việc điều chỉnh Luật Giáo dục và Luật Khám chữa bệnh phải cụ thể hóa điều này với các thông tư hướng dẫn, văn bản liên ngành để hướng dẫn, định lượng các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục đến đâu.

Nếu không cụ thể hóa thì việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội chỉ là khẩu hiệu, ông Nguyễn Thanh Xuân nêu rõ.

TS Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng, cần bình thường hóa việc tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực dân sự: Làm kinh tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo.

Theo đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh do tôn giáo thành lập có thể tham gia các lĩnh vực này, bình đẳng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp dân sự khác.

TS Hoàng Văn Chung đề xuất xây dựng cơ chế thông thoáng cho việc thành lập các tổ chức phi chính phủ dựa trên niềm tin tôn giáo để thu hút các nguồn lực và làm từ thiện.

Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương, ông Hoàng Bá Hai nhận định, sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội trở nên khó khăn, thậm chí có lúc, có nơi là không thể.

Để khắc phục bất cập, ông Hoàng Bá Hai đề nghị Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần được bổ sung theo hướng cụ thể, rõ các lĩnh vực mà tôn giáo được tham gia; đảm bảo đồng bộ với các luật chuyên ngành như Luật Dạy nghề, Luật Khám chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội thảo, qua đó đã làm rõ những ưu điểm, hạn chế của việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay nhất là những rào cản trong việc thể chế hóa chính sách pháp luật, trong nhận thức.

Qua việc nhận diện những vướng mắc, hạn chế này sẽ đưa các giải pháp nhằm phát huy vai trò hỗ trợ của Nhà nước, vai trò MTTQ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động để các tôn giáo được tham gia hoạt động an sinh xã hội một cách phù hợp nhất theo quy định của pháp luật, theo khả năng từ đó phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, nguồn lực tôn giáo đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, đến nay tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia cơ sở khám, chữa bệnh là 13.027 người.

Tổng số cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo là 283 cơ sở; số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở phòng chuẩn trị y học, y học cổ truyền của tôn giáo khoảng 14.233.253 lượt người...

Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm qua là 6.890,873 tỷ đồng.

Trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề, các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp nhiều nhóm dịch vụ khác nhau như chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Các tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động với đặc điểm riêng của tôn giáo như phong trào xây dựng "Chùa cảnh tinh tiến" trong Phật giáo; phong trào xây dựng "Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu" trong Công giáo; phong trào "Nồi cháo tình thương" giúp đỡ bệnh nhân nghèo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức đoàn người uy tín tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế- xã hội

Tổ chức đoàn người uy tín tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế- xã hội

(Thanh tra) - Trong các ngày từ 28/10 đến 3/11/2024, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức Đoàn đại biểu người có uy tín tỉnh gồm 63 người, do đồng chí Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã đến tham quan, học tập mô hình phát triển - kinh tế xã hội tại các tỉnh: Hoà Bình, Ninh Bình và TP Hà Nội...

Châu Yên

16:21 04/11/2024
Chuẩn bị tốt nhất cho Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc ở 2 cấp huyện, tỉnh

Chuẩn bị tốt nhất cho Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc ở 2 cấp huyện, tỉnh

(Thanh tra) - Theo Kế hoạch 818/KH-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh năm 2024 - 2025 vừa được ban hành, hội thi sẽ được diễn ra ở 2 cấp huyện và tỉnh, thời gian tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12/2024, hoàn thành trước 31/12/2024, cấp tỉnh dự kiến từ tháng 1 đến tháng 4/2025.

Thông Sắc

16:02 28/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm