Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vinalines thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Thứ ba, 22/05/2012 - 10:50

(Thanh tra)- Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Tại kết luận, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm dẫn đến việc thua lỗ, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Vinalines.

Ông Dương Chí Dũng. Nguồn: Internet

Nghìn tỷ mua... tàu cũ

Kết quả thanh tra cho thấy, cơ cấu đội tàu không phù hợp với kế hoạch được duyệt, chủ yếu đầu tư các loại tàu vận chuyển hàng khô, tàu trọng tải lớn, ít chú ý đến tàu chuyên dùng. Việc thực hiện chương trình đóng mới tàu tiến độ chậm so với kế hoạch 7 năm, chậm quyết toán đã làm tăng chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án (D.A) mua tàu đều được lập sơ sài. D.A nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Trên thực tế, 39/100 tàu đưa vào khai thác lỗ, thậm chí là lỗ nặng phải bán.

Chủ trương của Chính phủ là trẻ hóa đội tàu thì Vinalines lại mua về 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam. Điển hình là việc mua tàu Lively Falcon đã qua sử dụng 30 năm, sau đó được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài (Mông Cổ, Panama). Các tàu do Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) mua có tuổi bình quân là 26 năm và hiện có đến 7/10 tàu phải treo cờ nước ngoài.

Việc sử dụng tàu chủ yếu là cho thuê định hạn, có đơn vị cho thuê định hạn 100% dẫn đến doanh thu không ổn định, hiệu quả khai thác thấp và biến đơn vị kinh doanh vận tải biển trở thành đơn vị kinh doanh thuê mua tàu, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ... Kết quả kinh doanh giai đoạn 2005 - 2010, nếu hạch toán đầy đủ chi phí, việc khai thác tàu của Công ty mẹ lỗ 935 tỷ đồng.

Sai phạm, lãng phí và lỗ...

D.A xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Vinalines tổ chức lễ khởi công tiêu tốn hơn 4,1 tỷ đồng, gấp hơn 80 lần quy định. Không khảo sát cơ sở sản xuất vật liệu trong nước và đơn giá cọc ống thép làm tăng dự toán gói thầu hơn 94 tỷ đồng. Thiết kế không chính xác gây lãng phí hơn 2,3 tỷ đồng. Hợp đồng và quản lý hợp đồng với nhà thầu sơ hở dẫn đến tranh chấp với nhà thầu về giá nhập 544 cọc và nguy cơ mất 146 tỷ đồng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng... D.A này đã phải tạm dừng triển khai để nghiên cứu lại và xử lý một số tồn tại trong thi công phần đóng cọc.

Vinalines và các đơn vị thành viên sử dụng tiền, đất được giao, được thuê với tổng giá trị 1.807 tỷ đồng để thành lập 4 liên doanh với nước ngoài xây dựng và khai thác 4 cảng là Liên doanh CMIT, Cảng liên doanh SP-SPA, Cảng liên doanh SSIT tại khu vực Cái Mép - Thị Vải và Cảng liên doanh CCIT tại Cái Lân. Mặc dù có nhiều điều kiện rất thuận lợi nhưng hiệu quả của Cảng liên doanh CMIT và Cảng liên doanh SP - PSA khi đưa vào khai thác lại rất thấp. Mức thu bốc, xếp chỉ bằng 1/2 chi phí và bằng dưới 40% mức thu mà nhà vận chuyển thu của chủ hàng. Đến ngày 31/12/2010, 3 cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải đã lỗ hơn 252 tỷ đồng.

Vinalines còn góp vốn đầu tư xây dựng 3 D.A: Đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, Nhà máy Sửa chữa và đóng mới tàu biển Nosco - Vinalines, đầu tư xây dựng khai thác xưởng sửa chữa tàu biển Đông Đô tại Hải Phòng. Cả 3 D.A này đều không nằm trong Quy hoạch Phát triển tổng thể ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Sai phạm "nổi lên" là việc Ụ nổi No83M đã 43 tuổi (vượt 28 tuổi so với quy định), là thiết bị tại D.A đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Việc nhập khẩu đã áp dụng trình tự, thủ tục không đúng quy định của pháp luật. Đáng nói là, Ụ nổi 43 tuổi này có giá ban đầu 9 triệu USD nhưng sau 2 lần phải sửa chữa, tính đến ngày 30/9/2011, chi phí đã "đội" lên 489,613 tỷ đồng (tương đương 26,3 triệu USD) mà chưa thể đưa vào khai thác, gây lãng phí vốn đầu tư. Trong khi đó, việc quản lý về đơn giá khi tiến hành 2 lần sửa chữa chỉ căn cứ vào báo giá để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Cả 11 hợp đồng sửa chữa đều không thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành thẩm tra. TTCP nhận định việc mua Ụ nổi No83m có dấu hiệu việc làm trái quy định của pháp luật về đầu tư gây lãng phí vốn đầu tư.

Ngoài ra, đơn vị đã sử dụng 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu sai mục đích...

Đến nay, khoảng 1.836 tỷ đồng mà Vinalines đầu tư dở dang không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí.

Xảy ra sai phạm trên trách nhiệm thuộc tập thể lãnh đạo của Tổng Công ty, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), nay là Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và trưởng các ban liên quan của Tổng Công ty các thời kì từ năm 2005 - 2010.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan; Bộ GTVT tổ chức, hướng dẫn các thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc Vinalines thời kì 2007 - 2010 kiểm điểm trách nhiệm, tự đề xuất hình thức xử lý để Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm những người để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm.

Hội đồng thành viên Vinalines tổ chức rà soát, đánh giá lại để sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý đầu tư, mua sắm tàu, quản lý khai thác tàu, quản lý vốn tại doanh nghiệp khác bảo đảm đúng pháp luật, sử dụng có hiệu quả vốn và các nguồn lực được Nhà nước giao; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cán bộ thuộc quyền quản lý đã có sai phạm hoặc để xảy ra các sai phạm.

TTCP chuyển hồ sơ sang cho Bộ Công an tiếp tục xem xét làm rõ và xử lý đối với việc đầu tư mua Ụ nổi No83M.
 

Truy nã ông Dương Chí Dũng

Sau kết luận của TTCP, ngày 18/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tại thời điểm Cơ quan Điều tra ra quyết định khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc thì ông Dũng đã vắng mặt. Vì vậy, ngày 19/5, Cơ quan Điều tra đã phát lệnh truy nã nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng.

Liên quan tới vụ khởi tố ông Dương Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng khẳng định quan điểm của Bộ là không bao che cho sai phạm, ai vi phạm đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó theo pháp luật.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết, chiều 18/5, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ GTVT đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác; tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với các ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc để phục vụ công tác điều tra.

Cũng theo ông Hùng, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã trực tiếp xuống Vinalines để thông báo về quyết định trên.

Được biết, từ tháng 8/2005, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Vinalines. Đến tháng 7/2011, ông Dũng được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Vinalines. Tháng 2/2012, ông Dũng được điều động sang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải.

Ngoài ra, ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vụ Vận tải, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines cũng bị bắt giữ về tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
 
P.V

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất