Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 13/09/2024 - 10:16
(Thanh tra) - “Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra”, theo Ủy ban Tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, “tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến”. Ảnh: P.Thắng
Nhận định “tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến” được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu khi trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/9.
Điều tra, xử lý dứt điểm nhiều án tham nhũng lớn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, năm 2024, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đột phá; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.
Trong đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Báo cáo cho thấy, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 722 vụ án/1.571 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 689 vụ án/2.235 bị can.
Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 985 vụ/3.269 bị can, đã giải quyết 852 vụ/2.785 bị can.
TAND các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 750 vụ/1.851 bị cáo (tăng 274 vụ/736 bị cáo so với cùng kỳ), trong đó xét xử 640 vụ/1.531 bị cáo. TAND các cấp đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 62 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 203 bị cáo…
“Các cơ quan đã kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương”, theo nhận định của cơ quan thẩm tra.
Các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được tích cực áp dụng.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính khoảng 4.586 tỷ đồng và 59.899m2 đất.
Các cơ quan đã thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.535 tỷ đồng và 45.303m2 đất, hơn 2,6 triệu USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại, 01 xe Mercedes Ben….
Cùng với đó, tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với 88 bất động sản; yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch đối với 13 sổ tiết kiệm (tổng giá trị khoảng 1.117 tỷ đồng).
Còn nhiều cán bộ, công chức trong cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cơ quan thẩm tra cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế.
“Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra”, theo Ủy ban Tư pháp.
Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm; nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điều tra lại.
Đáng lưu ý, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can.
Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra, việc chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa có nhiều chuyển biến.
Tình trạng vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá tài sản diễn ra ở một số địa phương.
Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
“Tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.
Nâng cao hơn nữa phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng
Đánh giá chung, cơ quan thẩm tra cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản....
“Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi”, bà Nga nhấn mạnh.
Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, theo cơ quan thẩm tra, cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực.
“Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...
Công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả.
Song song, theo bà Nga, cần tiếp tục vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; tập trung chỉ đạo khắc phục những bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
“Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có kỷ cương, kỷ luật hành chính, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng
Ủy ban Tư pháp nhận định, năm 2024, công tác thanh tra, kiểm toán góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Nhất là, đã kịp thời phát hiện các sai phạm, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm héc ta đất; xử lý, kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý.
Đi cùng là tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra.
Báo cáo cho thấy, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
Theo đó, đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.304 kết luận, quyết định xử lý về thanh tra (có 3.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện); thu hồi 32.532 ha đất; xử lý hành chính 7.350 tổ chức, 8.097 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 113 đối tượng (cơ quan điều tra đã khởi tố 24 vụ, 36 đối tượng).
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra lưu ý, công tác thanh tra còn có hạn chế như chậm ban hành kết luận thanh tra vẫn còn diễn ra; nhiều đơn vị, địa phương chậm thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa có biện pháp để xử lý triệt để…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều dự án được phê duyệt trên các khu đất vị trí đắc địa mang theo kỳ vọng lớn lao về cải thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có trường hợp chưa được triển khai xây dựng, khiến tài nguyên bị lãng phí nghiêm trọng, trở thành gánh nặng, góp phần làm nghèo quốc gia.
Đông Hà + Thanh Hoa
07:30 15/12/2024(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.
Đông Hà
20:01 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Trần Kiên
19:55 13/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà