Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Thiệt hại do lãng phí chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí còn trầm trọng hơn”

Hương Giang

Thứ năm, 27/05/2021 - 21:30

(Thanh tra) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề rất lớn trong điều kiện nước ta chưa dư dả gì, thực sự còn nghèo. “Đôi khi thiệt hại do lãng phí chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải bám sát cuộc sống. “Chỗ nào làm hay phải khen, chỗ nào làm dở phải chê, chứ cứ nói chung chung thế này thì hoà cả làng hết”, ông Huệ nhấn mạnh. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 27/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Lập chương trình chậm không có tác dụng, quá hình thức!

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập đến tình hình thức. Theo bà, báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là “đến hẹn lại lên”.

Chương trình Tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ được ban hành rất sớm (từ 23/1/2020), nhưng vẫn có một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành chương trình của đơn vị mình.

Dẫn lại báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách, bà Nga đề cập nhiều đơn vị đến tháng 4, tháng 5 mới ban hành Chương trình, thậm chí có tỉnh đến 17/9 mới ban hành (cụ thể là Hà Tĩnh ngày 17/9/2020 mới ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - PV).

"Không biết Uỷ ban Tài chính có nhầm cho tỉnh không? Đến tháng 9 mới ban hành Chương trình Hành động thì chúng tôi cho rằng quá hình thức”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói.

Tính hình thức còn thể hiện ở một số báo cáo không có số liệu. Theo bà Nga, kỷ luật báo cáo của chúng ta không nghiêm. Vì vậy, bà đề nghị, Chính phủ phải phê bình nghiêm khắc những đơn vị lập chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chậm.

“Lập chậm thì không có tác dụng nữa, lẽ ra từ tháng 1 mà đến tháng 9 mới làm thì đâu còn có ý nghĩa nữa”, bà Nga nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Đ.X

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương rất lớn của Đảng, được thể chế bằng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bên cạnh tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Theo ông, đây là vấn đề rất lớn trong điều kiện nước ta chưa dư dả gì, thực sự còn nghèo.

“Đôi khi thiệt hại do lãng phí chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức coi trọng vấn đề này trong các hoạt động của Quốc hội”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhắc lại đánh giá của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ tịch Quốc hội cũng thấy, báo cáo còn mang tính hình thức dù mỗi năm có cố gắng hơn.

“Bây giờ hỏi bằng chứng nổi bất nhất, tiến bộ là cái gì, chúng ta cũng không kể được. Cái gì còn tồn tại, hạn chế, thậm chí yếu kém thì chỉ chung chung, chưa chỉ ra được, đặc biệt là chưa có địa chỉ hoặc có nhưng thiếu tính phản biện, còn nể nang, né tránh, sợ đụng chạm. Không biết có phải thế không?”, ông Huệ nói.

Hay phải khen, dở phải chê, nói chung chung thì “hoà cả làng hết”

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong các cuộc họp là “cái gì tốt phải khen; địa phương, bộ, ngành nào tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng ra. Còn anh nào vi phạm, yếu kém thì phải phê bình, kỷ luật”.

“Báo cáo cả 1 năm này, tôi chưa thấy chỗ nào là điển hình tiên tiến, chỗ nào là tập thể, cá nhân có thể vinh danh trong kỳ họp của Quốc hội hay Chính phủ”, ông Huệ nói tiếp.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục đầu tư hoàn thiện báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, bố trí thời gian thích hợp để thảo luận ở tổ, ở hội trường, không chỉ gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội đọc tham khảo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo cần bám sát vào nội dung cốt lõi của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình Thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ năm 2020.

Cụ thể tập trung vào có 3 lĩnh vực. Đầu tiên là khu vực công (gồm: Tài chính ngân sách, tín dụng nhà nước, tài chính công, tài sản công, tài sản trong các ngân hàng có cổ phần Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước…); thứ 2 là tài nguyên đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; thứ ba là lĩnh vực tư, liên quan đến hộ kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân, xã hội…

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng báo cáo phải bám sát cuộc sống. “Chỗ nào làm hay phải khen, chỗ nào làm dở phải chê, chứ cứ nói chung chung thế này thì hoà cả làng hết”, ông Huệ nhấn mạnh.

Sợ mua sắm công, ngay cả mua vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ

Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến vấn đề mua sắm công. Theo ông, dịch COVID -19 dẫn đến lúng túng trong việc mua sắm công và đã có sai phạm, phải khởi tố vụ án hình sự tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và một số nơi khác.

“Đương nhiên vi phạm phải xử lý rồi, nhưng nhà nước có trách nhiệm gì ở đây không? Anh không có hướng dẫn, không nói trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu”, Chủ tịch Quốc hội nêu và cho hay, năm nay, tất cả các nơi đều sợ mua sắm công, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ.

Cho nên, vừa rồi, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Nhưng, theo ông Vương Đình Huệ, cần rà soát lại quy định xem đã đủ chưa?

“Đừng để chúng ta vừa mất tiền, vừa mất người ở đây. Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa, GS.TS, thầy thuốc nhân dân…”, ông Huệ nói và nhấn mạnh một lần nữa, dịch thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai. Đó là thực tế cần nhìn thẳng. Cho nên, vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước phải xem lại. Tinh thần là phải tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm