Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng tăng, lòng tin giảm sút

Thứ tư, 17/07/2013 - 11:18

(Thanh tra) - Người dân Việt Nam cho rằng mức độ tham nhũng trong nước đang gia tăng. Đó là một trong những kết quả của khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu lần thứ 8 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) - cuộc khảo sát lớn nhất trên thế giới về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng - mà TI công bố ngày 9/7 vừa qua.

VACI được TI đánh giá là chương trình thúc đẩy sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh CTN. Trong ảnh: Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trao giải cho các chủ đề án đạt giải VACI năm 2013. Ảnh: Hương Giang

* Người dân có thể và cần tham gia hơn nữa vào đấu tranh chống tham nhũng

55% người dân Việt Nam cảm nhận tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, cao hơn mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có 18% cho rằng tham nhũng đã giảm và 27% cho rằng mức độ tham nhũng không thay đổi. Trong khi đó, lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng (CTN) của Chính phủ lại giảm sút đáng kể. Trong cuộc khảo sát tương tự năm 2010, chỉ có 35% người dân đô thị được hỏi tại 5 thành phố lớn cho rằng các nỗ lực CTN của Chính phủ không hiệu quả, nhưng con số này đã tăng lên tới 60% vào năm 2013.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, vấn đề tham nhũng trong các thiết chế cung cấp dịch vụ công chủ chốt ở Việt Nam làm suy yếu chính những thiết chế đóng vai trò bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Trong số 13 ngành được khảo sát, cảnh sát, y tế và đất đai được cho là bị ảnh hưởng nhất bởi tham nhũng và cũng là những ngành có mức độ xảy ra tham nhũng nhiều nhất theo trải nghiệm của người dân.

“Khảo sát cho thấy các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong nước cần đem lại những kết quả cụ thể hơn, đồng thời cần có những chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công chủ chốt để Đảng, Chính phủ cũng như các cơ quan PCTN của Việt Nam chứng tỏ được hiệu quả của các chính sách PCTN quốc gia và khôi phục được lòng tin của người dân” - bà Đào Thị Nga, Giám đốc Điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan Đầu mối Quốc gia của TI tại Việt Nam nói.

Theo kết quả khảo sát, người dân cho rằng, trong thời gian tới, các nỗ lực PCTN của Chính phủ cần ưu tiên vào việc tập trung xử lý mạnh mẽ hơn những đối tượng tham nhũng, tăng cường tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức đồng thời bảo vệ tốt hơn nạn nhân, nhân chứng và những người tố cáo (TC).

Bên cạnh việc bi quan hơn về mức độ tham nhũng và kết quả các nỗ lực PCTN trong nước, người dân Việt Nam cũng trở nên ít tự tin hơn về vai trò của mình trong cuộc đấu tranh CTN. Trong cuộc khảo sát năm 2010, có tới 68% người dân đô thị ở 5 thành phố lớn cho rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự thay đổi trong đấu tranh CTN, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 42% vào năm 2013. Người Việt Nam (cả thành thị và nông thôn) cũng cảm thấy ít tự tin hành động hơn so với các nước khác được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể: Chỉ có 60% tin rằng họ có thể tạo ra sự thay đổi trong PCTN so với con số trung bình trong khu vực là 76%.

Có vẻ như thái độ này ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng tham gia vào PCTN của người dân. Theo kết quả khảo sát, người Việt Nam ngày càng ngại TC tham nhũng. Số người dân đô thị sẵn sàng TC một vụ tham nhũng đã giảm gần một nửa sau 2 năm, từ 65% năm 2010 xuống chỉ còn 34% vào năm 2013.

Nhấn mạnh “CTN không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ. Người dân có thể và cần tham gia hơn nữa vào các hoạt động PCTN để góp phần phát huy hiệu quả nỗ lực của các cơ quan Nhà nước”, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một trong các cố vấn của chương trình TI tại Việt Nam, cũng khuyến cáo “Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của người dân bằng cách tăng cường khả năng đáp ứng và hiệu quả của cơ chế giải quyết khiếu nại (KN), TC, bảo vệ người TC tham nhũng cũng như bảo đảm rằng người dân có thể tiếp cận các dịch vụ mà có họ quyền được hưởng mà không phải đưa hối lộ”.

Được biết, phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu lần thứ 8 của TI khảo sát 114.270 người tại 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trong giai đoạn từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013. Khảo sát tìm hiểu quan điểm của người dân về mức độ tham nhũng trong nước cũng như hiệu quả các nỗ lực PCTN của Chính phủ; đo lường mức độ đưa hối lộ, lý do đưa hối lộ và trải nghiệm thực tế của người dân đối với tham nhũng.

Tại Việt Nam, khảo sát năm 2010 được thực hiện ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Khảo sát năm 2013 được tiến hành ở 15 tỉnh, thành phố với các đối tượng cư dân thành thị và nông thôn (1.000 người tại 6 vùng, miền (đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long) được phỏng vấn ngẫu nhiên). Trong khảo sát tiến hành năm 2013 tại Việt Nam có 5 câu hỏi mới được đưa vào nhằm tìm hiểu: Ưu tiên về PCTN theo ý kiến người dân; mức độ thường xuyên và giá trị các khoản hối lộ; mức độ cảm nhận về tham nhũng trong quản lý đất đai; đối tượng cảnh sát mà lần cuối cùng người dân đưa hối lộ và hậu quả của việc từ chối đưa hối lộ.

Những con số biết nói

Đa số những người được hỏi cho rằng tham nhũng đã tăng lên trong 2 năm qua.

Hiệu quả của những nỗ lực CTN của Chính phủ bị cho là giảm sút, với chưa đầy 1/4 số người được hỏi cho rằng những nỗ lực này có hiệu quả. Trong khi đó, 38% cho rằng những nỗ lực đó không hiệu quả hoặc rất không hiệu quả.

Gần 1/2 những người được hỏi cho rằng Chính phủ cần tập trung vào xử phạt nặng hơn những đối tượng tham nhũng, tiếp đó là tăng cường tính liêm chính của cán bộ, công chức Nhà nước (25%) và bảo vệ tốt hơn nạn nhân, nhân chứng và những người TC tham nhũng (18%).

Cảnh sát, y tế, dịch vụ đất đai là những lĩnh vực có mức độ tham nhũng cao nhất theo cảm nhận cũng như trải nghiệm của người dân. Đáng chú ý, có tới 90% những người từng đưa hối lộ cho cảnh sát cho biết lần gần đây nhất họ đưa hối lộ là cho cảnh sát giao thông.

Gần 1/3 số người được hỏi đã phải đưa hối lộ trong năm qua.

Lý do phổ biến nhất của việc đưa hối lộ là để giải quyết công việc nhanh hơn, trong khi số người đưa hối lộ vì đó là “cách duy nhất để được phục vụ” cũng tăng lên - cao nhất trong số các nước được khảo sát trong khu vực.

60% những người được hỏi tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh CTN.

So với các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á, người dân Việt Nam ít có khả năng TC tham nhũng và ít từ chối đưa hối lộ nhất.

77% những người từng từ chối đưa hối lộ không gặp phải hậu quả bất lợi gì hoặc có thể gặp phải một số vấn đề nhưng vẫn có thể được việc. Vậy nhưng, vẫn còn tới 17% cho biết không được phục vụ khi không đưa hối lộ.

30% trong số người được khảo sát ở Việt Nam cho rằng tham nhũng trong khu vực công là “một vấn đề nghiêm trọng”, chỉ có 5% nhận định “không có vấn đề gì”.

36% số người được hỏi cho rằng Chính phủ hoàn toàn hoặc phần lớn bị “chi phối bởi một số nhóm lợi ích”.

Hai năm rưỡi qua, khung pháp lý về PCTN của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Luật PCTN được sửa đổi tháng 11/2012 nhằm tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN - cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo trong việc hướng dẫn và giám sát các hoạt động PCTN trên toàn quốc đã được thay thế bằng Ban Nội chính Trung ương. Luật TC cũng đã được thông qua năm 2011 nhằm quy định rõ ràng hơn các thủ tục giải quyết đơn TC và vai trò của những cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và bảo đảm bí mật thông tin về những người TC.

Trên bình diện quốc tế, tháng 12/2011, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia và đã tiến hành đánh giá việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về CTN năm 2011 - 2012.

Trong bối cảnh những thay đổi về chính sách và pháp luật nói trên, việc tìm hiểu những trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng cũng như đánh giá của người dân về các nỗ lực PCTN là rất quan trọng. Kết quả khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 phản ánh nhận thức và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng. Phong vũ biểu cũng giúp so sánh những thay đổi trong nhận thức và trải nghiệm về tham nhũng theo thời gian đồng thời so sánh những số liệu của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, những năm qua cũng ghi nhận nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh CTN, đáng chú ý nhất là Chương trình Sáng kiến PCTN (VACI) do các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam khởi xướng từ năm 2011. Cùng với những nỗ lực này và với nhận thức rằng, ngay cả những chính sách và pháp luật được soạn thảo kỹ càng nhất cũng không thể có tác dụng nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân, những người sẵn sàng và tự nguyện thực hiện những chính sách và pháp luật đó. Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 nhấn mạnh vai trò của những người dân bình thường trong PCTN.
Nguồn: TI/TT

Những khuyến nghị

Cần tập trung vào những ngành mà người dân hay gặp phải các hiện tượng tham nhũng nhất, bảo đảm họ được tiếp cận dịch vụ một cách kịp thời mà không phải đưa hối lộ. (Giải pháp này bao gồm tiếp tục đơn giản hóa và tăng cường tính minh bạch của các thủ tục hành chính; ban hành những quy định pháp luật rõ ràng hơn để hạn chế việc lạm quyền của cán bộ, công chức Nhà nước; tăng cường giám sát việc cung cấp dịch vụ công và tiến hành những chiến dịch chống hối lộ).

Cần có những hình phạt kịp thời và thích đáng đối với những kẻ tham nhũng để tăng niềm tin của người dân vào các nỗ lực CTN của Nhà nước. (Một bước đi quan trọng là tăng cường hiệu quả của việc điều tra và truy tố những vụ án tham nhũng).

Cần khuyến khích và cho thấy những kết quả cụ thể của việc TC tham nhũng. (Điều này đòi hỏi tăng cường hiệu quả và khả năng đáp ứng nhanh nhạy của các kênh giải quyết KN, TC chính thức, đồng thời nâng cao vai trò của các thiết chế độc lập trong việc hỗ trợ giải quyết KN, TC. Cần bảo đảm rằng các nạn nhân, nhân chứng và người TC tham nhũng sẽ được bảo vệ thích đáng).

Người dân có thể tạo ra thay đổi bằng cách kiên quyết chấm dứt đưa và từ chối đưa hối lộ. (Để khích lệ việc này, người dân cần được bảo đảm rằng họ sẽ không phải đối mặt với những hậu quả xấu nếu không đưa hối lộ. Họ cũng cần ý thức được những tác hại mà tham nhũng gây ra cho xã hội cũng như quyền và trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa tham nhũng).
 
Nguồn: TI/TT

An Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm