Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, xảy ra trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước

Hương Giang

Thứ ba, 18/10/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Theo dự báo của Chính phủ, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 gửi Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 gửi Quốc hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín

Chính phủ đánh giá, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

Từ đó, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài.

“Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ”, Chính phủ dự báo.

Vì vậy, Chính phủ xác định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tậm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trong năm 2023.

Trong đó, bên cạnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ sẽ đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói” của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Một trong những dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: MC

Triển khai hiệu quả chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước

Chính phủ cũng nêu rõ, sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…

Tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội… Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài Nhà nước.

Trở lại tình hình năm 2022, theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước.

Báo cáo cho thấy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết... việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan…

Dù vậy, “tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực” - Chính phủ nhận định.

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp 4 (khai mạc vào ngày 20/10), Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo tư pháp, trong đó có báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng.

6 bài học kinh nghiệm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Từ thực tiễn phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Chính phủ rút ra 6 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phải cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…

Thứ hai, đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Trong đó, phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ ba, coi trọng công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm khắc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Thứ tưchú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật nói chung và thể chế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật, càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài. Đồng thời đẩy mạnh việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”. 

Thứ sáu, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, có cơ chế, chính sách đủ mạnh, rõ ràng để đảng viên, cán bộ, người lao động, quần chúng nhân dân, doanh nghiệp thực sự tham gia và thực hiện được việc giám sát, phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; nhân rộng những gương điển hình, cách làm hay trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Những con số…

- 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

- 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 283 vụ việc, chấn chỉnh, xử lý 386 người vi phạm; kiến nghị thu hồi 50,8 tỷ đồng, đã thu hồi được 43 tỷ đồng.

- 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

- 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng.

- 52.716 cán bộ, công chức, viên chức đã được tiến hành chuyển đổi vị trí công tác.

- 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

- 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

- 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 79.102 tỷ đồng, 10.621ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 đối tượng.

- 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được giải quyết; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hơn 132 tỷ đồng, hơn 122ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân gần 149 tỷ đồng, hơn 20ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 55 đối tượng.

- Hơn 36.293 tỷ đồng được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính; chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra.

- 336 vụ với 765 bị can phạm tội về tham nhũng đã được cơ quan điều tra trong công an nhân dân kết luận điều tra và đề nghị truy tố.

- 426 vụ với 1.084 bị can đã được viện KSND các cấp giải quyết.

- 410 vụ với 945 bị cáo về các tội tham nhũng đã được TAND các cấp xét xử, trong đó toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 43 bị cáo…

- 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỷ đồng đã được thi hành xong liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm