Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập trung rà soát, xử lý khiếu tố tồn đọng, kéo dài

Thứ năm, 21/06/2012 - 10:20

(Thanh tra) - Không ít vụ việc, nhiều tỉnh, TP chưa xử lý hết thẩm quyền nhưng vẫn đề nghị Trung ương xem xét, xử lý; có địa phương giấu bớt hồ sơ, tài liệu của vụ việc; một số vụ việc làm sai trình tự, thủ tục; xử lý chưa chính xác… Thực trạng này đã được chỉ ra sáng 20/6, tại buổi làm việc của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh với Tổ Công tác 849 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) xung quanh việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại (KN), tố cáo (TC) phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

"Hàng tháng, TTCP sẽ chủ trì giao ban với các bộ, ngành về tiến độ thực hiện kế hoạch rà soát", Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh

* Sẽ công khai các vụ việc

Đến nay, TTCP đã thành lập và cử 9 tổ công tác về các địa phương, phối hợp với địa phương rà soát, xử lý các vụ việc. Về phía các bộ, ngành liên quan, đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập 3 tổ; Bộ Xây dựng thành lập 1 tổ; Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành lập 2 tổ để giải quyết các vụ việc.

Kết quả tổng hợp, rà soát cho thấy, không ít vụ việc, nhiều tỉnh, TP chưa xử lý hết thẩm quyền nhưng vẫn đề nghị Trung ương xem xét, xử lý; do nội bộ của không ít địa phương chưa thống nhất nên xử lý nhiều vụ việc chưa thấu đáo; có địa phương giấu bớt hồ sơ, tài liệu của vụ việc; một số vụ việc làm sai trình tự, thủ tục; xử lý chưa chính xác; các sở, ban, ngành còn có quan điểm xử lý khác nhau nên khó xử lý dứt điểm các vụ việc; báo cáo từ các địa phương gửi về TTCP cũng không đầy đủ các vụ việc…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, số lượng vụ việc KN,TC tồn đọng, kéo dài, bức xúc của các địa phương hiện còn có sự biến động. Một số địa phương báo cáo không có vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhưng thực tế không hẳn như vậy. Do đó, cần lưu tâm, rà soát kỹ lại những địa phương báo cáo không có vụ việc.

Hiện nay, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Tây Nguyên được khoanh vùng là địa bàn trọng điểm về KN,TC tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Đối với những địa bàn này, Phó Tổng Thanh tra đề nghị Tổ Công tác cần có sự tập trung lãnh đạo.

Cùng cho ý kiến, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào nhấn mạnh: Đối với danh sách 528 vụ việc mà Quốc hội yêu cầu báo cáo cần tập trung làm trước tiên và dứt khoát phải có báo cáo Quốc hội trong lần họp tới. Đối với các vụ việc mới phát sinh mà tính chất phức tạp có thể đưa vào nhưng ở một báo cáo khác. “Khi xem xét các vụ việc, tôi đề nghị cần xem địa phương giải quyết đã đúng chưa. Nếu giải quyết đúng rồi mà chưa dứt điểm thì phải có chính sách riêng cho những đối tượng này”. Về nội dung tăng cường lực lượng cho Tổ Công tác, Phó Tổng Thanh tra cho rằng, lực lượng chính, nòng cốt vẫn phải là Cục I, Cục II và Cục III. Ngoài ra, có thể huy động thêm một số cán bộ của các cục, vụ khác có kinh nghiệm trong việc rà soát, xác minh các vụ việc KN, TC. Bên cạnh đó, có thể yêu cầu sự trợ giúp từ Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

 Kết luận buổi làm việc, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh chỉ đạo Tổ Công tác cần tập trung rà soát, xử lý đối với 528 vụ việc mà Quốc hội yêu cầu báo cáo. Những vụ việc mới phát sinh do địa phương đề xuất lên thì cần có danh sách riêng. Tổng Thanh tra chỉ đạo không thành lập các đoàn thanh tra thực hiện rà soát bởi đây là công việc sẽ còn phải làm lâu dài, thường xuyên và làm ngoài kế hoạch. Nhằm bảo đảm tiến độ cho việc thực hiện Kế hoạch 1130, Tổng Thanh tra lưu ý, đối với các cuộc thanh tra chưa cần triển khai ngay thì dừng lại hoặc để chậm lại để tập trung cho việc rà soát.

•  Chiều cùng ngày, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đã chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cũng với nội dung liên quan đến việc rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ KN trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng cùng dự.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, TTCP và Bộ TN&MT chỉ xử lý những vụ việc thuộc thẩm quyền, không làm thay địa phương. Trên cơ sở những vụ việc tồn đọng tập hợp ban đầu, Bộ đã gửi văn bản về địa phương và yêu cầu địa phương rà soát xem đã được thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó sẽ thành lập đoàn về địa phương xử lý các vụ việc tồn đọng.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, TTCP sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm 528 vụ việc đã báo cáo Chính phủ. Còn các vụ báo cáo bổ sung sẽ tiến hành rà soát tiếp. Trong 528 vụ có 3 loại việc cần tập trung: Vụ việc đã có ý kiến của Thủ tướng; các vụ việc bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh đã giải quyết lần 2 nhưng dân tiếp khiếu phức tạp; các vụ việc mới nhưng phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị. “Các loại vụ việc này thì Bộ TN&MT, TTCP sẽ đóng vai trò chủ trì, địa phương phối hợp. Còn các vụ việc thuộc thẩm quyền địa phương thì địa phương phải chủ trì giải quyết, các tổ công tác của Bộ và TTCP sẽ phối hợp giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành sẽ tổ chức thành lập đoàn công tác liên ngành phối hợp giải quyết. Hàng tháng, TTCP sẽ chủ trì giao ban với Bộ TN&MT, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để đánh giá việc triển khai kế hoạch rà soát”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Tổng Thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, trong thời gian tới, Bộ TN&MT và TTCP phải tập trung giải quyết dứt điểm trước 528 vụ KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để báo cáo Quốc hội.

•  Trước đó, ngày 19/6, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục An ninh II, Bộ Công an về tình hình KN, TC trên địa bàn cả nước.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra cho biết, theo báo cáo ban đầu thì miền Bắc còn 46 vụ việc; miền Trung (riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Bình Định) có 24 vụ việc; miền Nam có 205 vụ việc. Qua rà soát của các tổ công tác có thể thấy sự chênh lệch giữa các con số báo cáo và số vụ việc thực tế khá lớn, bởi có nhiều địa phương vẫn còn nặng thành tích báo cáo tình hình giải quyết KN, TC.

Theo báo cáo của các cục chức năng, tình hình chung về KN, TC còn những diễn biến phức tạp. Miền Nam hiện có khoảng 200 vụ việc chưa được cấp nào giải quyết; có hơn 300 vụ việc mới được giải quyết lần đầu và có 227 vụ việc đã giải quyết lần 2 nhưng dân không đồng tình vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục An ninh II Trần Như Thành đề nghị TTCP ưu tiên giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài, sớm có báo cáo toàn diện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Tất cả số liệu báo cáo cũng như kết quả mà tổ công tác của TTCP có sẽ gửi về Tổng cục An ninh II để chia sẻ thông tin. 24 vụ việc phức tạp mà Tổng cục lưu ý TTCP sẽ dành sự ưu tiên, quan tâm cao nhất để giải quyết. “TTCP sẽ công khai các vụ việc sau khi hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để dư luận nhìn nhận các vấn đề một cách chính xác”.

Hiếu Giang Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm