Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hỗ trợ đấu tranh chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ hai, 22/10/2012 - 11:49

(Thanh tra) - Sáng kiến ADB/OECD nỗ lực để đạt được mục tiêu chính là thực thi hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua quá trình học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau và trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ của các thành viên.

Cuộc họp lần thứ 17 Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Hồng Hà

>> Khai mạc Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 17 Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng

30 quốc gia, vùng lãnh thổ gia nhập Sáng kiến


Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng từ năm 1999. Đây là diễn đàn khu vực, hỗ hợ các nỗ lực chống tham nhũng trong và ngoài nước cho các quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Khởi thủy của Sáng kiến dựa trên bản kế hoạch hành động chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được các quốc gia thành viên gia nhập, trong đó đề ra những mục tiêu và tiêu chuẩn cho hàng rào bảo vệ chống tham nhũng bền vững trong khu vực.

Kể từ khi Sáng kiến được thành lập, các tiêu chuẩn chống tham nhũng quốc tế đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là sự ra đời của UNCAC.

Năm 2010, Sáng kiến thông qua các nguyên tắc chiến lược nhằm hướng dẫn các hoạt động của Sáng kiến trong tương lai, đưa ra định hướng chiến lược, đồng thời đưa việc thực hiện UNCAC trở thành ưu tiên của Sáng kiến.

 

Ban Chủ trì cuộc họp lần thứ 17 Ban Điều hành sáng kiến. Ảnh: Hồng Hà


Đến nay, 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đã gia nhập Sáng kiến. Tư cách thành viên của Sáng kiến được mở rộng đối với bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà nhận thấy sự cần thiết phải có hành động chống tham nhũng và hưởng lợi từ sự chia sẻ tri thức, kinh nghiệm xuyên biên giới; chủ động thực hiện các bước nhằm thực thi các biện pháp chống tham nhũng; cam kết tiến hành cải cách nhằm thực hiện “các nguyên tắc chiến lược” và tham gia vào các cơ chế rà soát của Sáng kiến.

Sáng kiến nỗ lực để đạt được mục tiêu chính là thực thi hiệu quả UNCAC trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua quá trình học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau và trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, có tính đến sự đa dạng về địa lý và mức độ phát triển của các thành viên; các nhu cầu về nguồn nhân lực, tài chính cũng như dựa trên sự cần thiết phải cung cấp giá trị gia tăng ở khía cạnh chức năng và vai trò của tổ chức chống tham nhũng đa phương khác.

4 hoạt động chính


Để đạt được các mục tiêu của mình, Sáng kiến chủ yếu thực hiện 4 hoạt động chính gồm: Tổ chức các cuộc họp thường kỳ của Ban Điều hành và báo cáo quốc gia; rà soát chuyên đề và các hoạt động rà soát theo phạm vi; các hội thảo xây dựng năng lực; các hội thảo chống tham nhũng khu vực.

Cuộc họp Ban Điều hành được tổ chức mỗi năm một lần. Các đại biểu tham dự cuộc họp sẽ thảo luận về những nỗ lực nhằm thực hiện UNCAC và bàn kế hoạch hành động; đánh giá sự phát triển và những tiến triển đã đạt được, trao đổi kinh nghiệm về những thành công, thách thức, thất bại trong cải cách chống tham nhũng.

Các cuộc rà soát chuyên đề chuyên sâu được tiến hành trên những lĩnh vực ưu tiên được sự quan tâm của cả khu vực trong việc thực hiện các tiêu chuẩn chống tham nhũng quốc tế. Những cuộc rà soát này, hiện đang được tiến hành xoay quanh UNCAC, phân tích và đưa ra các khuyến nghị để giải quyết những thách thức của toàn khu vực cũng như của từng quốc gia cụ thể.


Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 17 Ban Điều hành Sáng kiến. Ảnh: Hồng Hà


Năm 2012, Sáng kiến dự định sẽ tiến hành cuộc rà soát thứ 4 về các biện pháp mà các thành viên Sáng kiến đã thực hiện nhằm ngăn ngừa tham nhũng trong khu vực tư, trong đó có vấn đề kế toán và kiểm toán, sự tuân thủ của doanh nghiệp và việc khấu trừ không thanh toán thuế đối với các khoản hối lộ, phù hợp với Điều 12 của UNCAC.

Sáng kiến cũng nhất trí sẽ tiến hành các hoạt động rà soát theo phạm vi trên cơ sở tình nguyện. Mỗi quốc gia có thể đề nghị được tiến hành các hoạt động rà soát theo phạm vị để giúp họ xác định giải pháp cho những thách thức cụ thể trong thực thị UNCAC.

Để hỗ trợ những tiến triển đã đạt được trong các lĩnh vực ưu tiên cải cách hàng năm, Sáng kiến tổ chức hội thảo kỹ thuật khu vực, trừ khi, trong năm đó có tổ chức hội thảo chống tham nhũng khu vực. Các chủ đề hội thảo bao gồm nội dung từ khởi tố hình sự, mua sắm công, hợp tác quốc tế trong các vấn đề hình sự, phòng ngừa tham nũng và kinh tế chính trị của tham nhũng. Sản phẩm của hội thảo được đăng tải rộng rãi để phổ biến kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đến đông đảo người đọc.

Đối thoại chính sách cũng được tiến hành trong quá trình diễn ra các hội thảo chống tham nhũng, được tổ chức 3 năm 1 lần. Các hội thảo cung cấp diễn đàn chia sẻ tri thức và kinh nghiệm giữa các Chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư và cộng đồng tài trợ; giúp xây dựng mạng lưới giữa các bên có liên quan; thúc đẩy các chiến lược chống tham nhũng sáng tạo được thiết kế phù hợp với nhu cầu của các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cho phép đánh giá những thành tựu, thách thức, ưu tiên trong tương lai.

Các thành viên của Sáng kiến gồm: Ốt-xtrây-lia; Băng-la-đét; Bu-tan; Cam-pu-chia; Trung Quốc; Đảo Cook; Đảo Fiji; Hồng Kông; Ấn Độ, In-đô-nê-xia; Nhật Bản; Cộng hòa Ka-zắc-xtan; Hàn Quốc; Cộng hòa Kyrgyz; Ma-cao; Ma-lai-xia; Mông Cổ; Ne-pan; Pa-kít-xtan; Cộng hòa Pa-lau; Papua Niu Ghi-nê; Phi-líp-pin; Sa-moa; Xin-ga-po; Quần đảo Xô-lô-môn; Sri Lan-ca; Thái Lan; Ti-mo Lét-xtê; Va-nu-a-tu và Việt Nam.

Ban Điều hành Sáng kiến bao gồm đại diện của các Chính phủ thành viên của Sáng kiến, có nhiệm vụ xác định các ưu tiên và hoạt động của Sáng kiến nhằm hỗ trợ nỗ lực cải cách chống tham nhũng của các thành viên.

Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm