Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 28/06/2013 - 09:46
(Thanh tra)- Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh vừa ký Quyết định số 71/QĐ-TT ngày 5/6/2013 xử lý các sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn nộp vào ngân sách Nhà nước 123.579.999 đồng do nghiệm thu thanh toán sai khối lượng xây lắp; yêu cầu UBND xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn cắt giảm giá trị thanh toán công trình cấp nước Sơn Trà 31.287.000 đồng vì nghiệm thu sai khối lượng…
Thiếu nước sạch, nhiều người dân ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà phải thường xuyên đi mua từng can nước ngọt giá cao. Ảnh: Việt Dũng
Nhiều tồn tại
Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000. UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ năm 2001 và đã đạt được một số kết quả khá quan trọng. Toàn tỉnh đã thực hiện được 57 công trình cấp nước tập trung lớn, nhỏ; 50 giếng làng, 1.575 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình; góp phần giải quyết nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 840.675 người dân, đạt tỷ lệ 79, 81%. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng thuộc chương trình từ năm 2006 - 2012 là 152.200 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia 115.200 triệu đồng, nguồn đóng góp của nhân dân 37.000 triệu đồng.
Theo Kết luận 188/KL-UBND ngày 31/5/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tồn tại phổ biến trong việc triển khai chương trình này là không tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, hồ sơ chưa thực hiện theo quy trình về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, không có báo cáo đầu tư, thiết kế dự toán không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Công tác khảo sát, thiết kế chưa được quan tâm đúng mức. Các đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế năng lực và kinh nghiệm hạn chế là nguyên nhân dẫn đến một số công trình bị ngưng trệ thi công hoặc thi công xong không sử dụng được. Trình tự, thủ tục giao nhận thầu tư vấn chưa bảo đảm. Đa số các gói thầu tư vấn không có quyết định chỉ định thầu, cán bộ giám sát năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, một số cán bộ không có chứng chỉ hành nghề giám sát hoặc giám sát không đúng chuyên môn.
Công tác nghiệm thu cơ bản đã chấp hành tốt, tuy vậy qua kiểm tra một số công trình, chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán sai giá trị khối lượng. Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành không được chủ đầu tư quan tâm. Đa số công trình kéo dài nhiều năm không tập hợp hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt quyết toán.
Việc khảo sát nhu cầu sử dụng nước, khả năng đóng góp của người dân chưa sâu sát, thiếu chính xác dẫn đến khai thác sử dụng không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Công tác quản lý, khai thác vận hành công trình sau đầu tư còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém như nhiều công trình chưa có tổ chức quản lý, khai thác, không có cơ chế quản lý, giá nước, thu chi tiền nước; đa số các công trình sau khi bàn giao đều phát huy hiệu quả trong vài năm đầu, sau đó do công tác quản lý yếu kém, cộng với ý thức của người dân chưa cao trong khai thác sử dụng, bảo vệ công trình, không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, để công trình hư hỏng xuống cấp, ngừng hoạt động…
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại khuyết điểm là do thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong tổ chức thực hiện chương trình chưa được quan tâm đúng mức; việc phân công quản lý thực hiện chưa toàn diện, còn biểu hiện xem nhẹ trên nhiều mặt. Việc lựa chọn một số công trình để đầu tư chưa đúng định hướng quy hoạch, chưa đánh giá chính xác lưu lượng, chất lượng nguồn nước đầu vào, nhu cầu sử dụng nước và khả năng đóng góp của người dân. Công tác khảo sát thiết kế của các đơn vị tư vấn còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế công trình cấp nước; các công trình cấp nước từ năm 2005 trở về trước thiết kế không đồng bộ, dây chuyền công nghệ lọc lạc hậu, đơn giản. Nhu cầu sử dụng nước và khả năng tài chính của người dân còn bất cập, nhiều công trình khi triển khai thi công không thu được vốn đối ứng nên phải dừng thi công hoặc cắt giảm khối lượng.
Thêm nữa, công tác quản lý Nhà nước của các cấp đối với công trình sau khi bàn giao chưa được quan tâm đúng mức; chưa xây dựng được mô hình quản lý, vận hành, khai thác công trình sau khi đầu tư hoàn thành dự án; cán bộ vận hành chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; chưa ban hành khung giá nước sinh hoạt nông thôn để áp dụng; không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình; ý thức của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ công trình chưa cao. Việc quản lý nguồn vốn đầu tư cho các công trình chưa tập trung về một đầu mối, đặc biệt là nguồn vốn viện trợ, vốn của các tổ chức phi Chính phủ nên chưa được lồng ghép để phát huy hiệu quả đầu tư.
Biện pháp khắc phục
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và phát huy hiệu quả vốn đầu tư của chương trình, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các chủ đầu tư tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình không hiệu quả theo chức trách, nhiệm vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ; đề xuất các hình thức xử lý (hành chính, kinh tế) theo phân cấp quản lý. Tập hợp đầy đủ hồ sơ xây dựng cơ bản các công trình, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, đưa công trình vào vận hành hoặc tháo dỡ hoàn trả mặt bằng theo quyết định xử lý từng công trình.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao trách nhiệm cụ thể cho các chủ đầu tư, các ngành, các cấp có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và xem xét tình hình thực tế của từng công trình để có phương án xử lý phù hợp tiếp tục đầu tư hoặc thanh lý theo đúng chế độ qui định hiện hành.
Thực hiện Kết luận số 188/KL-UBND ngày 31/5/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 71/QĐ-TT ngày 5/6/2013 xử lý các sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra. Theo đó, yêu cầu Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 123.579.999 đồng do nghiệm thu thanh toán sai khối lượng xây lắp trước ngày 30/6/2013. Yêu cầu UBND xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn (chủ đầu tư) cắt giảm giá trị thanh toán Công trình cấp nước Sơn Trà (gói thầu xây lắp do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 nhận thầu thi công) số tiền 31.287.000 đồng vì nghiệm thu sai khối lượng. Yêu cầu Ban Quản lý xây dựng (Ban A) huyện Thạch Hà khi quyết toán công trình cấp nước xã Hộ Độ thực hiện giảm trừ tiết kiệm (theo tỷ lệ qui định tại Quyết định số 625QĐ/UB-XD1 ngày 10/4/2001) số tiền 25.384.000 đồng.
Theo kết luận của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng hợp kết quả thanh tra 26 công trình đầu tư không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp trên địa bàn tỉnh: Hiện tại có 15 công trình khai thác sử dụng một phần và 11 công ngừng hoạt động, không sử dụng… |
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.
Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa ban hành Văn bản số 04-TC/UBKT về thông cáo kết quả kỳ họp thứ 41, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bùi Bình
20:37 11/12/2024Trần Kiên
18:02 11/12/2024N. Phó - L. Bằng
17:24 11/12/2024PV
14:50 11/12/2024Hải Hà
14:50 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang