Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xử lý tài sản thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát

Thái Hải

Thứ sáu, 12/04/2024 - 22:27

(Thanh tra) - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 12/4.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi thông tin về việc thi hành án đối với vụ án Vạn Thịnh Phát

Tại cuộc họp báo, trước một số câu hỏi liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Thắng Lợi cho biết, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ việc lớn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội, cơ quan thi hành án sẽ chuẩn bị các kế hoạch, phương án để sẵn sàng khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ông Lợi cho biết, tòa sơ thẩm mới tuyên án hôm qua, số tiền bồi thường thiệt hại rất lớn, rất nhiều tài sản và đương sự liên quan. Ngay từ giai đoạn cơ quan điều tra truy tố, các tài sản chuyên giao cho cơ quan THADS, Tổng cục THADS đã chỉ đạo các cơ quan THADS kiểm tra, rà soát toàn bộ tài sản để đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này.

Về trình tự, thủ tục thi hành án đối với vụ án này, ông Lợi nêu rõ bản án mới tuyên sơ thẩm, do vậy khi nào bản án có hiệu lực thi hành thì cơ quan THADS sẽ thi hành án theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, vào chiều 11/4, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 đồng phạm.

Hội đồng Xét xử tuyên án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp chung buộc bị cáo Lan chấp hành hình phạt tử hình.

85 bị cáo còn lại có mức án từ án treo đến chung thân.

Hội đồng Xét xử cũng tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải chịu trách nhiệm về 1.284 khoản vay khống là phương thức, thủ đoạn để bị cáo này chiếm đoạt hơn 677.000 tỉ đồng của SCB - tính đến ngày 17/10/2022.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng Xét xử tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt bất động sản liên quan đến Trương Mỹ Lan, bao gồm biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần, quận 3, TP Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

 

“Tổng cục THADS đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tới đây là Cục THADS  TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để địa phương thi hành án, sẵn sàng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ tiến hành theo đúng quy định pháp luật”, ông Lợi khẳng định.

Về việc hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp cơ quan liên quan thực hiện công tác này. Theo đó sẽ được thực hiện bằng Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, trên nguyên tắc có đi có lại.

Thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) xử lý tài sản ở nước ngoài trong vụ án Phan Sào Nam rất hiệu quả.

Liên quan đến việc quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên (CCV) không quá 70 tuổi tại Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho rằng, quy định như vậy nhằm tăng cường chất lượng CCV, đảm bảo chất lượng hành nghề, đồng thời phù hợp quy định độ tuổi lao động hiện nay và phù hợp với thông lệ nhiều nước trên thế giới.

Ông Hồng cũng cho biết, theo thống kê số lượng CCV ngoài 70 tuổi hành nghề hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng giải đáp một số câu hỏi

Về vấn đề quản lý Nhà nước hoạt động công chứng trong bối cảnh xã hội hóa, Cục trưởng Lê Xuân Hồng nhấn mạnh công chứng là dịch vụ công, do Nhà nước ủy nhiệm nên dù xã hội hóa nhưng vẫn cần tăng cường quản lý bởi đây không phải dịch vụ kinh doanh thông thường.

Với tinh thần đó, Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đã có nhiều quy định định hướng phát triển nghề công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, CCV trong bối cảnh bỏ Luật Quy hoạch. Theo đó, quy định các bộ, ngành đưa ra quy chuẩn để phát triển nghề này, các địa phương xây dựng đề án, quy hoạch quản lý, tăng cường vai trò tự quản của các hội công chứng.

Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính

Trả lời câu hỏi quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề có nên cấm tuyệt đối việc có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính nêu rõ: Hiện nay Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có quy định nghiêm cấm điều khiển giao thông khi trong máu có nồng độ cồn. Quan điểm Bộ Tư pháp cấm hay không cấm điều này còn phụ thuộc vào tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức người dân.

Do vậy, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu để hài hòa giữa lợi ích người dân cũng như hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn giao thông để có quy định phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Ông Phạm Quang Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia

Trước câu hỏi về giải pháp hạn chế tình trạng người dân xếp hàng cấp phiếu lý lịch tư pháp tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Quang Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết, Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp như: Mở thêm các quầy tiếp dân, bổ sung nhân sự, huy động lực lượng công chức của Sở, đoàn thanh niên tham gia hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ, tăng cường làm việc ngoài giờ… Với sự nỗ lực đó, tình trạng người dân xếp hàng chờ cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được khắc phục.

“Thời gian tới, để ngăn ngừa tình trạng này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ công. Ngoài ra, sẽ nhân rộng mô hình cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID”, ông Đại nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm