Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Microsoft nói gì trước cáo buộc hối lộ hàng trăm triệu USD?

Hoài Phương

Thứ ba, 29/03/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Microsoft - tâm điểm của bê bối tham nhũng mới nổi cuối tuần qua, khi bị một cựu giám đốc tố cáo tình trạng nhân viên, đối tác của công ty thường xuyên hối lộ các cơ quan chính phủ nước ngoài với số tiền hàng trăm triệu USD mỗi năm - cho biết, đã điều tra các cáo buộc và đã sa thải một số nhân viên.

Trụ sở chính của Microsoft ở Pháp, được chụp vào ngày 17/4/2017: Ảnh: AFP

Microsoft bị tố chi 200 triệu USD mỗi năm để hối lộ và ăn chia hoa hồng

Trên tờ The Wall Street Journal và trong một bài đăng hôm 25/3 trên trang web tố giác Lioness, cựu Giám đốc Microsoft Yasser Elabd đã cáo buộc gã khổng lồ công nghệ hối lộ thường xuyên.

Yasser Elabd cho biết, đã làm việc cho Microsoft từ năm 1998 đến 2018 ở Trung Đông và châu Phi - nơi ông đã thấy các nhân viên của công ty tham gia vào các hành vi tham nhũng ở một số quốc gia trong khu vực.

Theo Elabd, tình trạng hối lộ khá phổ biến, khi nhân viên Microsoft làm việc với đối tác tại một số nước để bán sản phẩm. Ông ước tính, công ty công nghệ Mỹ đã chi 200 triệu USD mỗi năm để hối lộ và ăn chia hoa hồng. Người nhận tiền gồm các quan chức Chính phủ tại Ghana, Nigeria, Zimbabwe, Qatar và Saudi Arabia.

Yasser Elabd từng quản lý một quỹ đầu tư kinh doanh. Đây là một quỹ nhằm “củng cố các giao dịch dài hạn” tại Trung Đông và châu Phi.

Khi nhận thấy những khoản thanh toán bất thường dành cho đối tác không đủ tiêu chuẩn, ông đã kiểm tra và phát hiện ra một thực tế phổ biến: Sau những đợt bán hàng lớn cho các công ty, tổ chức trong khu vực, một khoản “chiết khấu” sẽ được tạo ra, để những người thực hiện thỏa thuận ăn chia chênh lệch chi phí vận chuyển và phí chiết khấu.

Elabd cho biết: “Những người có thẩm quyền phía khách hàng sẽ gửi một thư đề nghị chiết khấu tới Microsoft, và thường thì các yêu cầu này đều được chấp thuận... Số tiền chiết khấu sẽ được ăn chia cho các bên theo tỷ lệ: Các nhân viên của Microsoft tham gia vào kế hoạch, đối tác, người ký tại đơn vị mua hàng - thường là một quan chức chính phủ”.

Ngoài ra, Elabd cũng đưa ra một số ví dụ về các giao dịch đáng ngờ và nghi vấn ông từng chứng kiến. Microsoft đã chiết khấu cho Bộ Nội vụ Ả Rập Saudi 13,6 triệu USD.

Năm 2015, một quan chức Nigeria phàn nàn về việc Chính phủ phải trả 5,5 triệu USD cho các bản quyền phần cứng “mà họ không sở hữu”. Một trường hợp khác, Bộ Giáo dục Qatar đã trả 9,5 triệu USD, trong hơn 7 năm cho bản quyền Microsoft Office và hệ điều hành Windows mà thực tế không sử dụng. Kiểm toán viên sau đó phát hiện ra các nhân viên tại cơ quan này thậm chí còn không sử dụng máy tính.

Elabd đã nỗ lực cảnh báo tới lãnh đạo công ty nhưng đã bị các quản lý khác chỉ trích, bị gạt khỏi một số giao dịch nhất định, và cuối cùng bị sa thải với lý do hiệu quả làm việc kém. Ông cho rằng, đây là động thái trả thù.

Sau khi bị sa thải, Elabd tiếp tục theo đuổi hành trình tố giác, gửi hồ sơ tài liệu tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối tiếp nhận, trong khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng ngừng điều tra vụ việc đầu tháng này do thiếu nguồn lực.

Microsoft cam kết kinh doanh một cách có trách nhiệm

Khi được hỏi về các cáo buộc, ngày 26/3, một giám đốc điều hành của Microsoft cho biết: "Trước đây, chúng tôi đã điều tra những cáo buộc này. Các cáo buộc có từ nhiều năm trước và chúng tôi đã giải quyết chúng".

Becky Lenaburg, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng cố vấn về tuân thủ và đạo đức tại Microsoft, nói với Hãng tin AFP rằng: "Chúng tôi đã hợp tác với các cơ quan chính phủ để giải quyết tất cả các mối quan ngại".

Phía công ty cho biết, các nhân viên liên quan đã bị sa thải và quan hệ đối tác đã bị chấm dứt như một phần của phản ứng trước những cáo buộc.

“Chúng tôi cam kết kinh doanh một cách có trách nhiệm”, bà Lenaburg nói thêm và khẳng định, Microsoft "luôn khuyến khích tất cả mọi người báo cáo bất cứ điều gì họ thấy có thể vi phạm luật pháp, chính sách hoặc các tiêu chuẩn đạo đức của công ty".

Trước đó, Microsoft đã trải qua nhiều bê bối hối lộ. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, một lãnh đạo công ty tại Hungary bị phát hiện kê khống lợi nhuận biên từ năm 2013 - 2015. Một cuộc điều tra khác của SEC đã kết luận hơn 440.000 USD trong quỹ marketing được dùng làm quà tặng cho nhân viên Chính phủ Ả Rập Saudi.

Năm 2019, Microsoft đã giải quyết 2 vụ việc, nộp tổng cộng 25 triệu USD cho các cơ quan điều tra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm