Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ XI: Quyết bắt Thaksin

Thứ tư, 17/10/2012 - 06:43

(Thanh tra)- Mới đây, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Quyết định được đưa ra sau khi ông Thaksin không có mặt tại tòa án trong quá trình điều tra, xét xử vụ án liên quan đến những khoản cho vay từ Ngân hàng (NH) Nhà nước Krung Thai. Trong vụ này, cựu Thủ tướng Thái Lan là 1 trong 27 bị cáo. Và, theo cáo trạng mới nhất, ông Thaksin bị cáo buộc lạm dụng quyền lực.

Dù sống lưu vong, ông Thaksin vẫn duy trì sự hậu thuẫn của người Thái qua mạng tin xã hội. Ảnh: AP

>> Kỳ X: Vì sao họ ngoại tình?
>> Kỳ IX: Cuộc chiến hoa hồng
>> Kỳ VIII: Số phận của Tổng thống phạm tội ác chiến tranh
>> Kỳ VII: Án chung thân cho ông Mubarak
>> Kỳ VI: Mất hết vì ngoại tình
>> Kỳ V: Nỗi lòng bà Gloria Arroyo
>> Kỳ IV: Đường tới song sắt của “nữ hoàng” cách mạng cam
>> Kỳ III: 7 năm tù cho cựu Tổng thống hiếp dâm
>> Kỳ II: Bê bối tình dục chấn động nước Pháp
>> Kỳ I: Thủ tướng với cáo buộc mua dâm vị thành niên

Trước “dấu hiệu trốn tránh", “toà án quyết định phát lệnh bắt giữ đối với bị cáo đầu tiên (cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra). Phiên xử ông sẽ được chờ tới khi các công tố viên có thể đưa ông ta ra trước tòa", 1 thẩm phán cho biết.

Các bị cáo khác, bao gồm quan chức NH Krung Thai, bị buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để NH cho các công ty, kể cả công ty yếu kém về tài chính, được vay tiền trong thời gian ông Thaksin Shinawatra nắm quyền.

Tại Thái Lan, lạm dụng quyền lực có thể phải chịu án tối đa 10 năm tù giam. Hiện nay, các công tố viên đang tìm cách đòi bồi thường 10,5 tỷ baht (tương đương 340 triệu USD).

Ngay trong ngày 11/10, ông Noppadon Pattama, cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng Thái Lan cho biết, thân chủ của ông không chấp nhận quyết định truy nã của Tòa án Tối cao liên quan đến vụ việc ở NH Krung Thai.

Ông Thaksin cho rằng, bản thân không liên quan tới vụ việc trên khi quyền quyết định các khoản vay hoàn toàn phụ thuộc vào ban điều hành của NH. Cựu Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh sẽ không thừa nhận bất cứ vụ kiện nào được đề xuất bởi Ủy ban Thanh tra Tài sản (ASC) vì cho rằng cơ quan này là sản phẩm của cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và đã bị giải thể.

Tính đến nay, kể từ khi cựu Thủ tướng bỏ chạy khỏi Thái Lan, đã có tới 6 lệnh bắt giữ ông được ban hành. Trong đó, 1 trường hợp kết tội ông Thaksin lạm dụng quyền lực liên quan tới việc mua đất đai và 4 phiên xử tội tham nhũng đang chờ diễn ra.

Ông Thaksin đắc cử năm 2001 và tái đắc cử vào năm 2005, nhưng bị lật đổ 1 năm sau đó. Có điều, dù bị lật đổ và hiện sống ở nước ngoài nhưng ông Thaksin vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính trường Thái Lan, được coi là nhà lãnh đạo hậu trường của Đảng cầm quyền Puea Thai (Đảng Vì nước Thái hay Đảng Pheu Thai) nơi em gái ông - bà Yingluck Shinawatra - đứng đầu. Cựu Thủ tướng khẳng định sẽ không can thiệp vào Chính phủ của em gái, nhưng nhấn mạnh sẽ tư vấn cho bà khi cần thiết.

Theo điện tín ngoại giao của Mỹ bị tiết lộ trong vụ Wikileaks, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã giảm bớt tự do ngôn luận, thu về các khoản lợi nhuận khổng lồ cho cá nhân và thống lĩnh chính trị “theo cách chưa từng có trước đây”. Trong bức điện gửi về Washington tháng 3/2005, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Ralph Boyce nhận xét: “Thaksin, gia đình, công ty và các đồng minh chính trị của ông đã thu về lợi nhuận rất lớn trong 4 năm qua, và có vẻ còn tiếp tục như vậy”. Trong hành động đáp trả, cựu Thủ tướng Thái Lan khẳng định: “Tôi đã từ bỏ các công ty của mình khi đắc cử” và cho biết thêm: “Mọi công ty trên thị trường chứng khoán thời đó đều được hưởng lợi từ những năm bùng nổ, chứ không riêng gì các công ty của tôi”.

Ông Thaksin đã bị Tòa án Tối cao Thái Lan tại Bangkok tuyên án vắng mặt và kết án 2 năm tù giam vào tháng 10/2008 về tội tham nhũng. Đây là phán quyết đầu tiên trong loạt cáo buộc đối với ông Thaksin sau cuộc đảo chính quân sự.

Theo phán quyết quan trọng này, ông Thaksin bị buộc tội đã phạm luật để vợ có thể mua đất từ một công ty Nhà nước với giá thấp hơn nhiều so với thực tế. “Ông Thaksin đã vi phạm một điều khoản trong Hiến pháp về mâu thuẫn quyền lợi. Khi ông còn làm Thủ tướng và người đứng đầu Chính phủ, đáng lẽ ông phải hành động vì nhân dân” - một thẩm phán của Tòa án Tối cao khẳng định.

Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính cho rằng, tình trạng tham nhũng và lạm quyền xảy ra tràn lan dưới thời ông Thaksin nắm quyền. Vì thế, một cơ quan đặc biệt đã được lập nên để điều tra các vụ làm ăn của ông Thaksin và những người thân cận.

Vợ cựu Thủ tướng từng bị kết tội trốn thuế và kết án 3 năm tù giam, nhưng đã được Tòa án Tối cao tuyên bố trắng án trong vụ mua đất.

Ông Thaksin luôn nói mình vô tội và cho rằng, bản án là có động cơ chính trị.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra được trao lại hộ chiếu tại Abu Dhabi (Thủ đô Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất) hồi tháng 10/2011. Ảnh: AFP


Cựu Thủ tướng chưa bao giờ thụ án tù và sống ở Dubai, đi lại thường xuyên bằng hộ chiếu Montenegro và Nicaragua sau khi hộ chiếu Thái Lan của ông bị huỷ.

Hồi năm 2010, một tòa án ở Thái Lan đã thông qua trát bắt ông Thaksin Shinawatra về tội khủng bố liên quan đến cuộc biểu tình chống Chính phủ. Khi đó, nhiều người trong số những người biểu tình đã ủng hộ ông Thaksin nên Chính phủ Thái Lan cáo buộc ông xúi giục gây tình trạng bất ổn.

“Tòa án nói có đủ bằng chứng để tin rằng ông Thaksin là người chủ mưu và có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo và lợi dụng biến cố” - Cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt Tharit Pengdit nói với Hãng tin Reuters.

Vào tháng 10/2011, Thái Lan đã thông báo cấp lại hộ chiếu cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người có mấy năm lưu vong ở nước ngoài vì “không còn là một mối đe dọa cho đất nước nữa” - một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan nói với BBC.

Chính phủ tiền nhiệm của bà Yingluck Shinawatra (do ông Abhisit Vejjajiva làm Thủ tướng) từng cáo buộc ông Thaksin khuyến khích, kích động các cuộc biểu tình ủng hộ ông nên đã tước hộ chiếu vào năm 2009 “mà không qua bất kỳ lệnh nào từ tòa án hoặc cảnh sát”, theo Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul.

Ngày 15/11/2011, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kiến nghị ân xá được cho rằng nhằm mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang lưu vong ở nước ngoài quay về nước mà không phải chịu phạt tù vì lạm dụng quyền lực.

Đề xuất mà Nội các Thái Lan dự kiến trình lên Quốc vương Bhumibol Adulyadej bao gồm những người trên 60 tuổi bị kết án dưới 3 năm tù, theo Báo Bangkok Post. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của lực lượng đối lập nên Đảng của bà Yingluck Shinawatra đã hoãn lại bởi lo ngại nó sẽ tiếp tục gây căng thẳng thêm nữa tại đất nước khá bất ổn này.

Được biết, hồi cuối tháng 2/2012, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ra lệnh tịch thu hơn một nửa số tài sản bị phong tỏa của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Với quan điểm cho rằng, “tịch thu toàn bộ tài sản sẽ không công bằng vì ông Thaksin đã có một phần của tài sản này trước khi làm Thủ tướng”, Tòa án Tối cao đã tuyên bố tịch thu 1,4 tỷ USD trong số 2,3 tỷ USD bị phong tỏa từ năm 2008 vì đây là “tài sản có được một cách bất hợp pháp qua việc lạm dụng quyền lực khi ông Thaksin làm Thủ tướng”.

An ninh được tăng cường tại Thái Lan trước thời điểm Tòa án Tối cao ra phán quyết. Ảnh: AFP


Theo các thẩm phán, ông Thaksin tác động đến việc ban hành một số chính sách của Chính phủ về kinh doanh điện thoại để có lợi cho công ty của mình. Tòa án cũng khẳng định ông Thaksin lạm dụng quyền lực để kiếm lời cho Công ty Điện thoại Viễn thông Shin Corp. Ông sở hữu công ty này, làm giàu từ việc bán cổ phiếu “một cách không phù hợp”.

Việc bán Công ty Shin Corp cho Temasek - Công ty Quản lý vốn Nhà nước Singapore tháng 1/2006 là một trong những lý do gây ra các cuộc phản đối lớn đòi ông Thaksin từ chức. Và, đây cũng là lý do Chính phủ Thái Lan tịch thu tài sản ông Thaksin thu lợi qua việc bán cổ phiếu của Shin Corp cho nhà đầu tư Singapore.

“Án này hoàn toàn mang tính chất chính trị. Tôi biết Chính phủ đã biết trước bản án từ lâu” - ông Thaksin nói với Hãng Thông tấn AP. Cũng theo cựu Thủ tướng Thái Lan, số tiền ông và gia đình có được bằng phương tiện hợp pháp.

Khi đó, trong nỗ lực trấn an dư luận, Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, người chịu trách nhiệm về an ninh cho rằng, phiên tòa chỉ liên quan đến tài sản của ông Thaksin mà thôi. “Ông Thaksin cần tôn trọng và chấp nhận nguyên tắc pháp trị và cuộc sống của người Thái. Không thể nào xảy ra tình trạng tất cả người dân tôn trọng luật pháp còn ông Thaksin thì không” - Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban được truyền thông phương Tây dẫn lời.

Từ góc độ chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn nói: “Bản án về tài sản của ông Thaksin sẽ không chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Thái Lan vì các ủng hộ của ông ta, phong trào áo đỏ, Tổ chức Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống độc tài (UDD), đã phát triển thành một lực lượng có sức mạnh riêng”.

Vợ cựu Thủ tướng trắng án Hồi cuối tháng 8/2011, bà Pojaman na Pombejra, vợ cũ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã được tuyên trắng án trốn thuế trong phiên phúc thẩm. Bà Pojaman na Pombejra. Ảnh: BBC Với cáo buộc trốn 546 triệu bạt (16,3 triệu USD) thuế trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần thuộc công ty kinh doanh viễn thông của gia đình (ông Thaksin Shinawatra) vào năm 1997, bà Pojaman na Pombejra đối mặt với án tù 3 năm. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm Bangkok đã buộc phải thừa nhận không đủ bằng chứng để giữ phán quyết mà tòa án thấp hơn tuyên hồi tháng 7/2008. Bà Pojaman được coi là một nhân vật quan trọng ở Thái Lan và được cho là người đóng vai trò lớn trong việc hình thành Đảng Pheu Thai cũng như là người lựa chọn thành viên Nội các.


Bích Lan - Huy Hoàng
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm