Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 03/08/2011 - 08:45
(Thanh tra)- AFP cho biết, ngày 12/7 vừa qua, Taliban đã gây thiệt hại nặng nề cho chế độ Kabul khi giết chết em trai cùng cha khác mẹ với Tổng thống Hamid Karzai ngay trong tư dinh ở Kandahar. Theo xác nhận của lực lượng Taliban, họ là thủ phạm xâm nhập vào ngôi nhà được bảo vệ kiên cố để hạ sát ông Wali Karzai, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Kandahar, một vùng trù phú ở miền Nam Afghanistan và cũng là một địa bàn hoạt động của Taliban. (Ông Wali Karzai bị cáo buộc tham ô, buôn lậu ma túy, nhưng cũng là một người có thế lực và trung thành với Kabul).
Thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar (Ảnh: http://assets.nydailynews.com)
>> Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết
>> Kỳ I: Cái chết của Bin Laden
Cách đó không lâu, đầu tháng 7 này, ít nhất 33 cảnh sát và 5 dân thường đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh sau khi lực lượng Taliban vượt qua biên giới từ Pakistan tấn công một khu vực hẻo lánh tại phía Đông Afghanistan.
Tỉnh trưởng Nuristan, ông Jamaluddin Badr cho biết, khoảng 40 phiến quân cũng đã bị tiêu diệt trong các vụ đụng độ xảy ra vài tuần sau những cáo buộc lẫn nhau về các vụ tấn công qua biên giới, vốn đang khiến quan hệ ngoại giao giữa Pakistan và Afghanistan ngày càng trở nên căng thẳng.
Trước đó, đêm 28/6/2011, khách sạn Intercontinental sang trọng - một trong những tổ hợp được bảo vệ cẩn mật ở thủ đô Kabul, nơi người nước ngoài và các quan chức Afghanistan thường xuyên lui tới - đã bị tấn công làm hàng chục người bị chết và bị thương. Tuyên bố với báo giới qua điện thoại từ một địa điểm chưa xác định, Zabihullah Mujahid, kẻ tự xưng là người phát ngôn của Taliban, tuyên bố, tổ chức này nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Hay như, vào ngày 25/6, lực lượng Taliban cũng cho biết, 1 cặp vợ chồng đã thực hiện vụ tấn công tự sát nhằm vào một trạm cảnh sát ở Kolachi (phía Tây Bắc Pakistan) làm chết 10 người và gây bị thương cho 5 người khác.
Cũng vào cuối tháng 6, chi nhánh của Taliban ở Pakistan đã đe dọa sẽ tiến hành 10 cuộc tấn công khủng bố mới, bao gồm các mục tiêu tại Mỹ và châu Âu, để trả đũa cho cái chết của Osama bin Laden. “Các người sẽ sớm được thấy những cuộc tấn công chống lại Mỹ và các nước NATO” (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), ABC News dẫn lời Phó Tư lệnh nhóm vũ trang Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) Waliur Rehman nói trong một đoạn băng video phát trên Đài Al-Arabiya.
Trong số những mục tiêu ở châu Âu, Waliur Rehman chỉ rõ các ưu tiên là Anh và Pháp. Phó Tư lệnh TTP còn tiết lộ, một cuộc tấn công đẫm máu vào căn cứ hải quân tại TP Karachi của Pakistan vào cuối tháng 5 (giết chết ít nhất 11 binh sỹ) là hành động trả đũa đầu tiên của Taliban sau khi bin Laden bị đặc nhiệm hải quân Mỹ tiêu diệt ngày 2/5. Không chỉ gây thương vong về người, theo các nhân chứng, lực lượng phiến quân còn dùng súng phóng lựu đạn để phá hỏng và tiêu diệt một số chiến đấu cơ. Trong số này có máy bay tấn công tàu ngầm mới của hải quân Pakistan là loại P-3C Orion nhập khẩu từ Mỹ. Ít nhất 2 chiến đấu cơ trị giá hàng triệu USD loại này đã bị đốt cháy.
Cũng trong tháng 5/2011, Phó Tư lệnh Waliur Rehman đã tuyên bố TTP sẽ tiến hành cuộc thánh chiến chống lại phương Tây “với nhiệt tình mới” sau cái chết của nhà lãnh đạo tổ chức khủng bố al-Qaeda. “Chúng tôi có cùng mục tiêu, chương trình và hành động. Kẻ thù của chúng tôi là NATO, người Do Thái và Thiên Chúa giáo”.
Xin nói thêm, trong số các cuộc tấn công của lực lượng Taliban còn có vụ ném bom 1 đoàn xe của lãnh sự quán Mỹ tại Peshawar, làm 1 người Pakistan thiệt mạng; vụ tập kích 1 trạm gác ở miền Tây Bắc làm 2 cảnh sát thiệt mạng. Hay vụ đánh bom tự sát kép vào 1 trường huấn luyện bán quân sự ở Shabqadar, Charsadda, Tây Bắc Pakistan làm cho 80 người thiệt mạng, ít nhất 120 người bị thương vào trung tuần tháng 5.
Ngoài ra, còn có thể đề cập đến cuộc đánh bom liều chết đầu tháng 2/2011 của 1 thiếu niên mặc đồng phục trường học nhằm vào trại lính thuộc Tiểu đoàn Punjab ở Mardan - TP phía Tây Bắc Pakistan, giết chết ít nhất 31 người. Phái viên M Ilyas Khan của BBC tại Islamabad cho biết, từ lâu trại lính tại TP Mardan đã là mục tiêu của phe Taliban. Thời điểm nổ bom là lúc quân lính thuộc Tiểu đoàn Punjab đang tập thể dục buổi sáng. Khi đó, lên tiếng với Hãng Thông tấn AFP từ 1 địa điểm không tiết lộ, người phát ngôn của Taliban Azam Tariq cho biết, tổ chức này thực hiện vụ tấn công nhằm trả thù những người bị máy bay không người lái của Mỹ giết hại. Cạnh đó là nạn nhân bị thiệt mạng khi quân Chính phủ Pakistan tấn công vùng bộ lạc. Ông Azam Tariq cũng cảnh báo, tấn công sẽ tiếp tục, nhắm đến những ai “bảo vệ người Mỹ”. Lên án cuộc tấn công, Thủ tướng Yusuf Raza Gilani khẳng định: “Hành động đê hèn không thể nào làm nhụt chí tinh thần của đội quân an ninh. Nó cũng không ảnh hưởng đến quyết tâm loại trừ khủng bố của Pakistan”.
Cũng liên quan đến các quốc gia Nam Á, ngày 23/6/2011, Taliban đã tuyên bố: Kế hoạch rút 10.000 quân Mỹ khỏi Afghanistan trước cuối năm nay chỉ là một hành động tượng trưng, đồng thời kêu gọi phương Tây triển khai tích cực hơn nhằm chấm dứt cảnh đổ máu. Theo Taliban, để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan cần phải ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi lãnh thổ nước này. “Nếu không làm như vậy thì chúng tôi sẽ ngày càng gia tăng kháng chiến”, Reuters trích dẫn một đoạn trong bản tuyên bố Taliban cho biết.
Trước đó, hồi tháng 9/2010, sau một thời gian dài không xuất hiện, lãnh đạo Taliban Mullah Omar đã lên tiếng nói rằng, lực lượng của mình đang chiến thắng ở Afghanistan và nhấn mạnh, chiến dịch của NATO đã “thất bại hoàn toàn”. “Trong tương lai, chúng ta sẽ cố gắng thành lập một hệ thống Hồi giáo độc lập, hoàn hảo và mạnh mẽ”. Thủ lĩnh Taliban còn kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama rút quân “vô điều kiện và càng sớm càng tốt”.
Song song với kế hoạch rút quân, vào trung tuần tháng 6/2011, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố: Mỹ sẽ tham gia các sáng kiến về hoà hợp giữa các nhóm khác nhau của nhân dân Afghanistan, kể cả Taliban. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (thời điểm đó) cũng xác nhận trong một cuộc phỏng vấn của CNN rằng: Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán “sơ bộ” với Taliban tại Afghanistan. “Việc khởi xướng đàm phán xuất phát từ một loạt quốc gia, trong đó có Mỹ”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói và nhấn mạnh thêm: “Việc chấm dứt tất cả các cuộc chiến chỉ có thể được thực hiện thông qua con đường chính trị”. Theo dự kiến, các cuộc đàm phán thực sự về đình chiến sẽ bắt đầu trước mùa Đông. Và, đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức thừa nhận thực hiện đối thoại với Taliban. Hành động này diễn ra 1 ngày sau khi Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tuyên bố đã bắt đầu đàm phán hòa bình với phong trào Taliban.
Cũng xin nhắc lại rằng, chuyện Taliban đàm phán với chính quyền Kabul đã không còn là vấn đề mới. Hồi tháng 10/2010, Đại tướng David Petraeus - Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan đã cho phép đại diện của Taliban vào Kabul tiếp xúc với Chính phủ Afghanistan cũng như đại diện các quốc gia khác có can dự vào Afghanistan. Khi đó, Tướng Petraeus nói rằng, việc cho phép các thủ lĩnh Taliban vào thủ đô Kabul là chuyện nằm trong khuôn khổ sự yểm trợ của các lực lượng Mỹ và đồng minh nhằm giúp nỗ lực hòa giải của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai với phe Taliban. Về phía mình, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh, bất cứ nỗ lực nào nhằm thương thuyết với Taliban cũng phải là một tiến trình do người Afghanistan dẫn đầu. Bà Hillary Clinton cũng cảnh báo, hòa giải giữa Chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai và Taliban là một “nỗ lực phức tạp” và “chỉ mới khởi đầu”. Khẳng định “chúng tôi ủng hộ những gì mà người Afghanistan đang làm”, cả Bộ trưởng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều bày tỏ lạc quan hơn về cái gọi là “tiến trình tái hội nhập”, một nỗ lực nhằm khuyến dụ các chiến binh Taliban cấp thấp rời bỏ chiến trường, bằng cách thi hành nhiều biện pháp khích lệ khác nhau.
Ở một khía cạnh khác, Ruvr bày tỏ nhận định: Lãnh đạo tinh thần của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban Mullah Mohammed Omar, đang lẩn trốn ở Pakistan, có thể là mục tiêu truy sát tiếp theo của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. “Nếu là Omar, chắc chắn tôi sẽ rất lo lắng”, Tướng Mỹ Richard Mills, người trước đây đã chỉ huy quân đội liên minh phương Tây ở Tây Nam Afghanistan nói với báo chí.
Được biết, Mullah Mohammed Omar đã lãnh đạo chính quyền Taliban ở Kabul từ năm 1995 - 10/2001. Mohammed Omar cũng đã cho phép Osama bin Laden và mạng lưới quốc tế al-Qaeda tổ chức từ lãnh thổ Afghanistan các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu, bao gồm cả vụ tấn công nhằm vào New York và Washington (Mỹ) hồi tháng 9/2001. Sau khi Lầu Năm Góc bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự tại Afghanistan, Mohammed Omar đã trốn sang Pakistan.
Kỳ IV: Nga - Nạn nhân của khủng bố
Trọng Thành - Thanh Phương (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý