Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ tư, 29/11/2023 - 18:00
(Thanh tra) - Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giành quyền lực chính trị cho mình, cho người thân và nhóm lợi ích nhằm mục tiêu thao túng nền chính trị, hay còn gọi là tham nhũng chính trị, đang là mối đe dọa đối với dịch vụ công, an toàn cộng đồng và nền dân chủ của các quốc gia châu Âu.
Ảnh minh họa: Alexandros Michailidis / Shutterstock
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) mới đây có bài phân tích về mối đe dọa mang tên "tham nhũng chính trị" ở châu Âu. Bài viết được đăng tải trên trang web chính thức của TI, ngày 27/11.
Đi vào trường hợp cụ thể, TI dẫn chứng, tại Hungary - quốc gia được đánh giá là có tình trạng tham nhũng nhất trong 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022, Lőrinc Mészáros, từng là thợ lắp đặt khí đốt, đã chứng kiến vận mệnh của mình thay đổi đáng kể sau cuộc tái tranh cử của Thủ tướng Viktor Orbán vào năm 2010. Mészáros đã giành được các hợp đồng với Chính phủ và trở thành người giàu có nhất Hungary. Tương tự, đối tác kinh doanh lâu năm của Mészáros, László Szíjj, cũng chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh giành các hợp đồng.
Từ năm 2018 đến 2020, Szíjj đã giành được 10% mua sắm công của Hungary, trong khi Mészáros giành được 7%.
Theo TI, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp trên khắp châu Âu về việc các doanh nhân có "mối quan hệ" dường như đang giành được lợi thế - ngay cả ở những quốc gia có ít tham nhũng trong khu vực công hơn, như Estonia - nơi các nhà tài trợ chính trị lớn đang giành được phần đáng kể trong đấu thầu công.
Ở một khía cạnh khác, phổ biến tình trạng quan chức có xung đột lợi ích nghiêm trọng giữa chức trách nhiệm vụ của mình và các ưu tiên của cá nhân. Điều này xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau, khiến người dân đặt câu hỏi, liệu các quan chức có đang hành động vì lợi ích công hay thay vào đó, có nguy cơ tác động đến các quyết định chính sách để mang lại lợi ích cho các công ty "sân sau" không?
Tính liêm chính trong chính trị là rất quan trọng
TI cho rằng, các chính trị gia cần hành động một cách liêm chính, sử dụng quyền lực vì lợi ích chung - thay vì tự "thưởng" cho bản thân và cộng sự của mình.
Khi tham nhũng chính trị xảy ra, khiến cho Chính phủ trở nên hoạt động kém hiệu quả, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và tước đoạt quyền của người dân.
Các chính trị gia tham nhũng làm suy yếu cơ chế kiểm tra và cân bằng để nâng cao quyền lực và sự giàu có của chính họ, đồng thời thúc đẩy lợi ích của một số ít, gây bất lợi cho nhiều người.
Tham nhũng ở cấp cao còn làm suy yếu khả năng kiểm soát của nhiều loại tham nhũng khác, từ biển thủ, nhũng nhiễu, đến hối lộ quan chức cấp thấp.
Khi người dân nhìn thấy những hành vi lạm dụng quyền lực này, họ mất niềm tin vào hệ thống chính trị và ngừng bỏ phiếu, hoặc có thể tệ hơn là bỏ phiếu cho những chính trị gia không trung thực, những người sử dụng ngôn ngữ chống tham nhũng để khơi dậy sự bất mãn của công chúng. Nhiều chính trị gia trong số này sau đó làm suy yếu khả năng của công dân, xã hội dân sự và giới truyền thông trong việc buộc người có quyền lực phải chịu trách nhiệm, TI phân tích.
Tham nhũng chính trị có thể khiến các quốc gia rơi vào tình thế nguy hiểm và thậm chí có thể gây ra điều tương tự cho toàn bộ khu vực - với cuộc bầu cử EU sắp diễn ra vào năm tới.
Sau bê bối Qatar, cử tri đang tự hỏi, liệu họ có thể tin tưởng các chính trị gia EU hay không? Và liệu họ có bỏ lỡ cơ hội cải cách hệ thống đủ để ngăn chặn ảnh hưởng quá mức tương tự trong tương lai hay không?
Những cuộc bầu cử này cũng có nguy cơ bị hủy hoại bởi luật pháp quốc gia yếu kém về tài chính chính trị và vận động hành lang, cho phép các nhân vật kinh doanh mua lòng trung thành của các ứng cử viên từ các quốc gia thành viên EU và bí mật gây ảnh hưởng đến họ. Hậu quả có thể là trao ghế trong Nghị viện cho những người ưu tiên lợi ích cá nhân hơn lợi ích chung.
Theo TI, một bước quan trọng để bảo vệ châu Âu khỏi tham nhũng chính trị là mang lại sự công khai cho các hoạt động của các chính trị gia. Đó là lý do tại sao dự án Integrity Watch 3.0 của TI thu thập và phân tích dữ liệu về chính trị để phát hiện ra những điểm yếu và hoạt động đáng ngờ.
Tại 16 quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu, dự án đang làm sáng tỏ các vấn đề như hoạt động bên lề của các chính trị gia có xung đột lợi ích cá nhân với nghĩa vụ của họ đối với người dân, các hoạt động vận động hành lang không được công bố và những khoản quyên góp chính trị bí mật, không giới hạn.
Những sự thật đáng lo ngại được tiết lộ
Dự án Integrity Watch tiết lộ nhiều sự thật đáng lo ngại về tài chính chính trị trên toàn khu vực.
Ở Ý, chỉ một số ít hiệp hội, tổ chức và ủy ban chính trị - được cho là cung cấp nguồn tài trợ đáng kể cho các đảng phái chính trị - tuyên bố ai là nhà tài trợ của họ. Chỉ có 9 tổ chức làm như vậy vào năm 2021 và 8 tổ chức thực hiện công khai nhà tài trợ vào năm bầu cử 2022.
Tại Malta, nguồn của gần 99% tổng số tiền quyên góp cho các đảng chính trị từ năm 2016 đến năm 2019 vẫn không được tiết lộ cho công chúng. Hơn 13 triệu euro đã được quyên góp ẩn danh.
Sự thiếu minh bạch về các khoản quyên góp vẫn còn phổ biến trên khắp EU: Chưa đến một nửa số quốc gia trong Liên minh công bố những thông tin chi tiết quan trọng, chẳng hạn như thời gian và số tiền quyên góp hoặc tên của các nhà tài trợ.
Thực tế này làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tiềm ẩn đối với các chính trị gia. Và những nhà tài trợ ẩn danh này thậm chí có thể là các tổ chức, cá nhân trước đó có hành động trái đạo đức hoặc thậm chí liên quan đến tội phạm.
Một cách khác mà phần lớn châu Âu đang thất bại trong lĩnh vực tài chính chính trị là không có giới hạn về số tiền mà mỗi nhà tài trợ có thể cung cấp cho các chính trị gia, làm dấy lên mối lo ngại về việc ra quyết định có thể bị ảnh hưởng bởi người "chi đậm" nhất.
Ít nhất 12 quốc gia EU không có bất kỳ giới hạn nào về số tiền có thể quyên góp trong chiến dịch bầu cử, TI cho biết.
Bên cạnh đó là những dấu hiệu đáng lo ngại về việc công ty do các nhà tài trợ lớn kiểm soát hoặc sở hữu nhận được hợp đồng từ chính phủ. Điều này có thể được nhìn thấy ở Estonia, nơi trước cuộc bầu cử năm 2023, thời điểm quan trọng để thu hút quyên góp, 8,2% hợp đồng mua sắm công được trao cho những người có đóng góp đáng kể cho các đảng phái chính trị. Trong một số ngành nhất định, như dược phẩm, các nhà tài trợ lớn đã giành được hơn 1/4 số hợp đồng công...
TI bày tỏ lo ngại khi kịch bản tương tự liên quan đến số liệu kinh doanh có thể được thấy ở Estonia và nhiều nước châu Âu khác. Rất nhiều cá nhân trong cộng đồng doanh nghiệp chỉ muốn ủng hộ nền dân chủ và ủng hộ các đảng phái mà họ tin tưởng. Trong khi, những người khác đạt được lợi thế không công bằng so với các nhà thầu cạnh tranh thông qua sự “đổi chác” với các chính trị gia, có thể gây tổn hại cho xã hội.
Với các cuộc bầu cử ở châu Âu dự kiến diễn ra vào năm tới, TI cho rằng, cần phải đặc biệt chú ý đến những điểm yếu đang diễn ra trong các quy định về tài chính cho chiến dịch tranh cử quốc gia. Mặc dù các cuộc bầu cử ở châu Âu quyết định thành phần của một Nghị viện duy nhất, nhưng đây thường được gọi là 27 cuộc bầu cử quốc gia với 27 bộ quy tắc khác nhau về cách thức quản lý tài chính chính trị.
Điều này có nghĩa là, tồn tại rủi ro ở một quốc gia thành viên có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên khác, gây nguy hiểm cho tính liêm chính của toàn bộ cuộc bầu cử.
Một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là việc nước ngoài EU bí mật tài trợ cho các chiến dịch bầu cử. 7 trong số 27 quốc gia thành viên vẫn cho phép nước ngoài quyên góp cho các đảng phái chính trị, trong khi 9 quốc gia cho phép nước ngoài tài trợ cho các ứng cử viên. TI cho rằng, để bảo vệ các quy trình bầu cử trong toàn khối, việc cấm hoàn toàn các khoản tài trợ ngoài EU là rất cần thiết…
TI kết luận, việc nâng cao niềm tin của người dân vào những người ra quyết định và giảm thiểu rủi ro tham nhũng chính trị chỉ có thể đạt được bằng sự minh bạch và ngăn chặn hiệu quả các xung đột lợi ích cũng như ảnh hưởng quá mức.
Nhiều số liệu thống kê quan trọng trong bài viết này được thực hiện nhờ Integrity Watch khai thác dữ liệu chính trị, nêu bật nhu cầu về dữ liệu mở hơn ở cấp EU và quốc gia để chống lại các mối đe dọa tham nhũng một cách thỏa đáng.
Mặc dù luật liêm chính chính trị mạnh mẽ là cần thiết, nhưng cũng rõ ràng rằng việc thực thi hiệu quả và phối hợp tốt cũng quan trọng không kém trong toàn khu vực.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu
Hương Giang
Trần Trung