Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

12 quốc gia cần theo dõi chỉ số cảm nhận tham nhũng

Hoài Phương

Thứ tư, 27/03/2024 - 19:10

(Thanh tra) - Một số quốc gia đang ở thời điểm quan trọng mà hành động hiện tại có thể ảnh hưởng đến mức độ tham nhũng của họ trong nhiều năm tới.

Tại Guatemala, những người thợ dệt Maya bản địa tuần hành yêu cầu các quan chức tư pháp bị cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng bầu cử từ chức, ngày 10/8/2023. Ảnh: Johan Ordonez /AFP

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố đầu năm nay tiết lộ một xu hướng toàn cầu đáng lo ngại. Đó là hệ thống tư pháp bị suy yếu, tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển mạnh bằng cách giảm trách nhiệm giải trình đối với các hành vi sai trái. Bên cạnh đó, sự miễn trừ trừng phạt cũng là động cơ khuyến khích tham nhũng.

Mới đây, TI đã xác định 12 quốc gia cần được chú ý theo dõi vào năm 2024. Đây là những nước đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình chống tham nhũng của mình, theo cả hai chiều hướng, cải thiện tốt hoặc bị suy giảm.

1. Moldova

Cộng hòa Moldova (điểm CPI: 42) đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy tính minh bạch, tăng cường tính độc lập của cơ quan tư pháp và thiết lập luật tiếp cận thông tin một cách mạnh mẽ. Đất nước Đông Âu này cũng đã phê duyệt chương trình liêm chính quốc gia và kế hoạch chống tham nhũng kéo dài 4 năm.

Tuy nhiên, theo TI, Moldova vẫn tiếp tục phải đối mặt với những áp lực từ bên ngoài, đặc biệt kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Những áp lực cản trở cải cách và làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn, các nhà tài phiệt vẫn "bơm" tiền vào nền chính trị của Moldova với mục tiêu gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử cũng như cản trở tiến trình trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của nước này.

TI cho rằng, tiếp tục hợp tác với cộng đồng dân chủ quốc tế là rất quan trọng để Moldova có được nguồn lực và kiến thức chuyên môn nhằm củng cố các thể chế và chống tham nhũng. Chisinau phải kiên trì cải cách trong bối cảnh có những chia rẽ cả bên trong và bên ngoài.

2. Fiji

Sau cuộc bầu cử năm 2022, Fiji (điểm CPI: 52) chứng kiến sự thay đổi trong Chính phủ, chấm dứt gần 16 năm cầm quyền của Đảng Fiji First do Thủ tướng Frank Bainimarama lãnh đạo.

Mặc dù một số người còn hoài nghi vào khả năng của Chính phủ mới trong việc thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng, tuy nhiên, cam kết 100 ngày đầy tham vọng của Chính phủ đã khơi dậy những nỗ lực cải cách tích cực.

Các cải cách bao gồm bãi bỏ luật truyền thông mang tính trói buộc và bắt đầu tiến hành điều tra về hành vi bầu cử trong quá khứ cũng như cáo buộc lạm dụng quyền lực của các cựu lãnh đạo.

3. Sri Lanka

Vào cuối năm 2023, Sri Lanka (điểm CPI: 34) đã chứng kiến đỉnh điểm của một chiến dịch xã hội dân sự tìm kiếm công lý thông qua tòa án, buộc các nhà lãnh đạo chính trị và quan chức phải chịu trách nhiệm về một vụ vỡ nợ đáng kể và cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó.

Các tổ chức xã hội dân sự đã đệ đơn kiến nghị vì lợi ích công lên Tòa án Tối cao, lập luận rằng việc các quan chức Chính phủ đưa ra quyết định một cách thiếu minh bạch đã vi phạm lòng tin của công chúng.

Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt, Tòa án Tối cao xác định các quan chức cấp cao đã vi phạm Hiến pháp và lòng tin của người dân trong công tác quản lý, dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Trong bối cảnh đất nước bắt tay vào quá trình phục hồi kinh tế, có những lời kêu gọi cải cách bền vững thông qua khung pháp lý và nâng cao tiêu chuẩn quản trị để ngăn chặn thảm họa tương tự trong tương lai.

4. Kuwait

Năm nay, Kuwait đạt điểm CPI cao nhất (46 điểm) kể từ 2015, đánh dấu những cam kết mới trong cuộc chiến chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc.

Vào tháng 9/2023, Quốc hội Kuwait đã thông qua lộ trình đột phá của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả phát triển và cải cách kinh tế.

Đáng chú ý, lộ trình ưu tiên tính minh bạch và các nguyên tắc quản trị tốt. Theo TI, mặc dù lộ trình bao gồm một số thay đổi về mặt lập pháp nhưng vẫn cần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, đặc biệt liên quan đến xung đột lợi ích, hối lộ nước ngoài, quyền được thông tin và thành lập ủy ban bầu cử.

Dựa trên đà chống tham nhũng ngày càng tăng, Hiệp hội Minh bạch Kuwait đã đưa ra 11 yêu cầu để thực hiện lộ trình quốc gia một cách minh bạch. Các điểm chính bao gồm đảm bảo sự tham gia không bị cản trở của xã hội dân sự, thiết lập cơ cấu quản trị mạnh mẽ trong khu vực công và tăng cường tính minh bạch trong mua sắm công.

5. Guatemala

Guatemala (điểm CPI: 23) đã chứng kiến chỉ số CPI giảm 10 điểm kể từ năm 2012.

Những năm gần đây, quốc gia Trung Mỹ này đã chứng kiến hành vi lạm dụng của Văn phòng Công tố và cơ quan tư pháp, khiến suy giảm khả năng chống tham nhũng và tạo cơ hội cho giới tinh hoa cũng như mạng lưới tham nhũng không bị trừng phạt.

6. Chile

Chile (điểm CPI: 66) nổi bật về các thể chế dân chủ mạnh mẽ và mức độ minh bạch.

Tuy nhiên, điểm số của quốc gia này giảm đáng kể từ năm 2014, mất đi vị trí đứng đầu khu vực do những vụ tham nhũng có ảnh hưởng lớn liên quan đến các nhân vật chủ chốt của đảng phái và thể chế chính trị lớn.

Những trường hợp này bộc lộ sự thiếu sót mang tính hệ thống trong phòng chống tham nhũng và việc trừng phạt không thỏa đáng.

TI cho rằng, năm 2024, Chile đứng trước cơ hội chống tham nhũng mạnh mẽ và hạn chế tội phạm có tổ chức bằng cách thông qua Luật Sở hữu lợi ích, thực hiện các khuyến nghị từ Ủy ban Tư vấn về Minh bạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả Chiến lược liêm chính quốc gia thứ nhất; hiện đại hóa công tác phòng chống, điều tra và xử phạt tham nhũng; cùng với việc củng cố chính quyền địa phương, cũng rất quan trọng.

7. Nam Phi

Nam Phi (điểm CPI: 41) sẽ kỷ niệm 30 năm kể từ khi kết thúc chế độ Apartheid vào năm 2024, đánh dấu buổi bình minh của một kỷ nguyên dân chủ mới.

Mặc dù vậy, chỉ số CPI của nước này đã giảm trong 5 năm qua.

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2024, cơ quan hành pháp đang dẫn đầu các nỗ lực chống tham nhũng diễn ra trong nước, bao gồm cả việc thành lập Hội đồng Tư vấn chống tham nhũng Quốc gia, để thu hút sự tham gia của các bên liên quan từ các lĩnh vực khác nhau.

"Đây là cơ hội để khởi động các chiến dịch chống tham nhũng thu hút sự tham gia của đảng phái chính trị và cam kết của họ, huy động công chúng và xã hội dân sự buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm", TI nhận định.

8. Ba Lan

Ba Lan (điểm CPI: 54) đã giảm 7 điểm trong thập kỷ qua.

Những cải cách tư pháp cho phép bổ nhiệm chính trị và tạo ra các cơ chế điều tra, trừng phạt các thẩm phán đã làm sai lệch cán cân quyền lực, làm suy yếu nền pháp quyền.

Sau cuộc bầu cử tháng 10/2023, Chính phủ mới ưu tiên khôi phục cán cân quyền lực và pháp quyền. Tuy nhiên việc xây dựng lại thể chế, đồng thời duy trì các quy trình dân chủ là một thách thức lớn, theo TI.

9. Hy Lạp

Hy Lạp (điểm CPI: 49) giảm 3 điểm do cuộc khủng hoảng về quy định pháp luật làm suy yếu tiến trình chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ của nước này.

Mối lo ngại đã gia tăng với vụ bê bối phần mềm gián điệp “Predatorgate”, khi các thành viên cơ quan giám sát độc lập phải đối mặt những đe dọa và các nhân chứng bị cản trở.

TI cho rằng, Chính phủ nước này phải đảm bảo an toàn cho nhà báo, tăng cường quy định pháp luật về vận động hành lang và tài chính của đảng chính trị, đồng thời duy trì một cơ quan chống tham nhũng độc lập.

10. Kyrgyzstan

Chỉ trong 4 năm, Kyrgyzstan (điểm CPI: 26) đã giảm 5 điểm kể từ 2020.

Theo TI, những ảnh hưởng quá mức đến công lý, cùng với việc thực thi Luật Chống tham nhũng thiếu hiệu quả, làm suy yếu nền pháp quyền và thúc đẩy văn hóa miễn trừ trừng phạt trong khu vực công.

Các nhà lãnh đạo Kyrgyzstan cần nhanh chóng tái cam kết các nguyên tắc dân chủ, đảm bảo sự độc lập về tư pháp và thực thi nghiêm ngặt Luật Chống tham nhũng.

11. Gabon

Mặc dù được coi là một trong những quốc gia thịnh vượng và ổn định nhất ở Trung Phi, chỉ số CPI của Gabon (28 điểm) đang trong xu hướng suy giảm.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự phản đối với các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, nhiều công dân Gabon lo sợ bị trả thù khi tố cáo tham nhũng.

Vào tháng 8/2023, một cuộc đảo chính quân sự xảy ra chỉ vài phút sau khi Ủy ban Bầu cử tuyên bố ông Ali Bongo tái đắc cử tổng thống.

Ông Ali Bongo đối mặt với các cáo buộc về gian lận bầu cử và tham nhũng kể từ khi ông bắt đầu lãnh đạo đất nước Gabon giàu dầu mỏ nhưng vẫn nghèo đói cách đây gần 14 năm. Quân đội đã lật đổ Tổng thống Ali Bongo, chấm dứt sự cai trị kéo dài hơn 5 thập kỷ của gia đình Bongo.

Chính phủ mới do quân đội lãnh đạo tuyên bố sẽ ưu tiên chống tham nhũng, đặc biệt là bằng cách tái kích hoạt lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng để điều tra những dự án chưa hoàn thành, dù các nhà thầu đã nhận được tiền.

12. Lebanon

Trong những năm qua, Lebanon (điểm CPI: 24) chứng kiến chỉ số CPI giảm đáng kể (giảm 6 điểm kể từ năm 2012).

Sau vụ nổ cảng Beirut năm 2020, đất nước không có con đường rõ ràng để thành lập một hệ thống liêm chính quốc gia mạnh mẽ.

Không có Tổng thống dân cử hoặc Chính phủ hoạt động trong hơn một năm, Lebanon rơi vào tình trạng bất ổn với "khoảng trống chính trị thể chế" kéo dài.

Những nỗ lực chống tham nhũng bị thất bại, trong đó có Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia, nơi thiếu cơ cấu quản trị phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm