Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tập đoàn, trong 9 tháng năm 2022, các đơn vị trực thuộc đã có những giải pháp linh hoạt, phù hợp phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, sau khi kiểm soát tình hình dịch Covid-19, các đơn vị ngành Than của TKV đã huy động tối đa nhân lực, máy móc tăng ca bù đắp sản lượng hao hụt.

Đồng thời, TKV còn yêu cầu tập trung điều trị hậu Covid-19 nâng cao chế độ dinh dưỡng, nhanh chóng bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 cho thợ mỏ. Sức khỏe người lao động nhanh chóng ổn định, phục vụ tốt hoạt động sản xuất của đơn vị.

Cùng với đó, một số đơn vị sản xuất than lộ thiên đã tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng sản lượng khai thác đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ cho Tập đoàn. Đối với khối sản xuất than hầm lò, ngoài việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản lượng năm 2022, các đơn vị còn đẩy nhanh tiến độ đào lò đáp ứng đủ diện sản xuất khi Tập đoàn tăng sản lượng.

Với tinh thần vượt khó, sáng tạo, các chỉ tiêu sản xuất của TKV 9 tháng năm 2022 ước đạt gần 80% kế hoạch năm. Trong đó, than sản xuất 31 triệu tấn, than tiêu thụ 35 triệu tấn. Việc ổn định sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Quý IV là thời điểm chạy nước rút quan trọng để hoàn thành mục tiêu cả năm, vì vậy, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngày công cao - sản lượng cao - thu nhập cao”.

TKV sẽ phát động Chiến dịch Thi đua sản xuất 90 ngày đêm quý IV/2022, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại để người lao động có năng suất cao hơn, an toàn hơn và thu nhập cao hơn; chú trọng công tác phòng chống mưa bão, bơm thoát nước moong lộ thiên và thoát nước hầm lò, duy trì sản xuất liên tục. Tập đoàn sẽ xem xét điều chỉnh tăng đơn giá tiền lương để tăng lương, thu hút và giữ chân người lao động.

Đẩy mạnh công tác đào lò đáp ứng nhu cầu sản xuất

Xác định công tác đào lò là khâu then chốt nhất hoàn thành mục tiêu sản lượng khai thác than, thời gian gần đây, các đơn vị TKV đã triển đồng bộ các giải pháp...

Theo báo cáo của TKV, 9 tháng năm 2022, các đơn vị khai thác than hầm lò của Tập đoàn đào được 188.500m lò, đạt 73,1% kế hoạch năm. Trong đó, lò chuẩn bị sản xuất đạt gần 184.000m, lò xây dựng cơ bản đạt hơn 4.500m. Đặc biệt quý II và quý III/2022, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn về đẩy mạnh sản xuất than, nhiều đơn vị đã đẩy nhanh tiến lộ đào lò. Trung bình mỗi tháng TKV đào được từ 20.000 - 23.000m lò. 9 tháng năm 2022, TKV có 5/13 đơn vị sản xuất than hầm lò chỉ tiêu đào lò đạt trên 70% kế hoạch năm. Kế hoạch quý IV/2022, TKV phấn đấu đào 75.000m lò, phấn đấu cả năm hoàn thành mục tiêu 263.500m lò.

Thực tế hiện nay, toàn Tập đoàn có 10 hệ thống thiết bị đào lò EBH tập trung tại các đơn vị như: Than Vàng Danh, Than Hạ Long, Than Khe Chàm, Than Dương Huy, Than Uông Bí, Than Nam Mẫu. Qua đánh giá của Tập đoàn hệ thống thiết bị đào lò EBH phù hợp với điều kiện địa chất, thực tế sản xuất của các đơn vị, cho năng suất cao, giảm nhân công. Ngoài ra, một số đơn vị đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong công tác đào lò.

Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, trong bối cảnh Tập đoàn dự kiến tăng sản lượng khai thác than, công tác đào lò đóng vai trò quan trọng đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Để phục vụ nhu cầu tăng sản lượng khai thác than dự kiến năm 2023, TKV phấn đấu đào trên 270.000m lò. Do vậy, Tập đoàn yêu cầu thời gian tới các đơn vị hầm lò và Công ty Xây lắp mỏ cần có những giải pháp đột phá, thúc đẩy công tác đào lò, đặc biệt là tự chủ, nâng cao năng lực, tiến độ đào lò đáp ứng cho sản xuất, tăng sản lượng trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trước mắt, trong quý IV, các đơn vị cần tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào lò, hoàn thành chỉ tiêu đào lò không thấp hơn kế hoạch được giao năm 2022.

Về chiến lược lâu dài, các đơn vị cần bám sát chỉ đạo của Tập đoàn, chủ động phương án, giải pháp, khắc phục hạn chế về thiếu lao động, thiết bị. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư, áp dụng công nghệ mới, thiết bị cơ giới hóa phù hợp diện sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm nhân lực, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho công nhân; quan tâm chế độ chính sách tiền lương, thi đua khen thưởng đội ngũ thợ đào lò để thúc đẩy sản xuất, thu hút lao động.

T.T