Năm 2023, TKV phấn đấu sản xuất hơn 39 triệu tấn than và tiêu thụ 46,5 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song TKV luôn chủ động điều hành linh hoạt giữa sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng sản lượng than cho thị trường và bảo đảm than phục vụ cho sản xuất điện.

6 tháng đầu năm, các đơn vị khối sản xuất than của TKV đều được chỉ đạo tăng cường nhân lực, tăng sản lượng than nguyên khai, đáp ứng nhu cầu than cấp bách cho các hộ điện. Theo đó, TKV đã sản xuất 20 triệu tấn than nguyên khai, đạt 51,3% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ; thực hiện cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện với gần 21 triệu tấn, tương đương 54% khối lượng hợp đồng cả năm và tăng 15% so cùng kỳ 2022.

Điển hình như tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin, 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã sản xuất trên 1,243 triệu tấn than. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của TKV, đối với các tháng cao điểm sản xuất than cho điện (tháng 6, 7, 8), đơn vị đã và đang tổ chức sản xuất trên 245.000 tấn than/tháng, vượt 15% so với kế hoạch ban đầu.

Song song với việc chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác, TKV cũng tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu than để pha trộn, đáp ứng khối lượng than cho các nhà máy điện. Theo đó, các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than sẽ chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm… trong nước. Dự kiến, năm 2023, TKV sẽ nhập khẩu gần 9 triệu tấn than phục vụ công tác pha trộn, tiêu thụ than.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị phát điện trong toàn Tập đoàn đã ký hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện năm 2023 với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Tổng khối lượng than theo hợp đồng với TKV là 17,98 triệu tấn, với Tổng Công ty Đông Bắc 7,05 triệu tấn.

Nguồn than mà TKV nhập khẩu chủ yếu từ Australia, Nga, Nam Phi... Việc nhập khẩu và pha trộn than không chỉ giúp Tập đoàn và các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh than có thêm kinh nghiệm và tạo hướng đi mới, lâu dài mà còn là chiến lược của TKV về đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng. Đồng thời, việc đẩy mạnh nhập khẩu than cũng giúp TKV giải quyết cân đối về cơ cấu sản phẩm từng vùng than nhằm giảm áp lực tiêu thụ than vùng Quảng Ninh.

Đại diện TKV cho biết, từ nay đến cuối năm, Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có giải pháp điều hành cụ thể để pha trộn các loại than sản xuất trong nước và than nhập khẩu ra các chủng loại than theo yêu cầu của khách hàng. Trong đó, tối ưu hóa phương án pha trộn, chế biến nâng cấp từ nguồn than nhập khẩu thành nhiều chủng loại mà thị trường có nhu cầu cao.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiên cứu điều chỉnh quy định về công tác tiêu thụ than để các công ty con trực thuộc mua than về pha trộn, đáp ứng nhu cầu khách hàng, đặc biệt là các hộ điện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện những tháng mùa khô (tháng 5, 6, 7/2023), TKV đang đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện, trong đó có các nhà máy nhiệt điện của EVN.

Trong tháng 6 và tháng 7, TKV điều chỉnh tăng sản lượng cấp cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 180.000 tấn/tháng; trong đó, các nhà máy của EVN khoảng 80.000 tấn/tháng, tăng 6% so với tiến độ cam kết trong hợp đồng.

6 tháng cuối năm 2023, TKV tiếp tục chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất và tiêu thụ trên cơ sở bám sát thị trường; tiếp tục phát huy và giữ vững nhịp độ sản xuất; nâng cao năng suất, tăng sản lượng trên tinh thần sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo đủ than cho các hộ tiêu thụ, nhất là than cho nhiệt điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TKV cam kết 6 tháng cuối năm sản xuất than đạt khoảng 18,7 triệu tấn, dự kiến cả năm đạt 39,7 triệu tấn, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022 để cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện. 

T.T