Theo dõi Báo Thanh tra trên
PGS.TS Hồ Đình Bảo Trưởng khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Thứ sáu, 01/07/2022 - 10:05
Tín dụng đầu tư (TDĐT) của Nhà nước là một loại hình tín dụng đặc thù được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước ở trong giai đoạn đang phát triển, cần huy động một lượng vốn lớn có thời hạn dài để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những dự án được VBD tài trợ vốn.
Để triển khai loại hình tín dụng này, các quốc gia thường giao cho những tổ chức tài chính chuyên biệt do Nhà nước sở hữu hoặc góp vốn thành lập, trong đó phổ biến là các ngân hàng phát triển.
Tổ chức cung ứng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước
Ở Việt Nam hiện nay, nguồn vốn TDĐT của Nhà nước được cung ứng qua một định chế tài chính đặc biệt của Chính phủ là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Đối tượng sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước là các dự án thuộc danh mục do Chính phủ quy định, trong đó tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH, phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển công nghiệp. Nguồn vốn này còn tài trợ một số loại dự án đầu tư được thực hiện tại một số địa bàn thuộc diện ưu tiên theo chính sách của Nhà nước (địa bàn có điều kiện KT - XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; vùng đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang…) và dự án đầu tư ra nước ngoài theo hiệp định của Chính phủ.
Từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn TDĐT của Nhà nước tương đối lớn, đáp ứng một phần quan trọng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế. Tính chung trong cả giai đoạn 2006-2021, số vốn TDĐT của Nhà nước đã tài trợ cho các dự án qua VDB chiếm khoảng 0,5% GDP và gần 1,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cùng thời kỳ. Phần lớn những dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài. Việc tiếp cận được với nguồn vốn TDĐT của Nhà nước giúp chủ đầu tư đủ sức thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng: Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Khí điện đạm Cà Mau…; nhiều dự án thuộc các chương trình kinh tế trọng điểm và các chương trình mang tính xã hội khác: Xây mới, mở rộng cơ sở khám chữa bệnh của 18 bệnh viện công; kiên cố hoá kênh mương, tôn nền vượt lũ, giao thông nông thôn...
Yêu cầu về phát triển kinh tế trong giai đoạn mới
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, với mục tiêu nước ta phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Một trong những giải pháp mà Chiến lược đặt ra, là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó bao gồm phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng các ngành công nghiệp có công nghệ, giá trị gia tăng cao, phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu, cơ khí…; phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, mới, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày, phát triển công nghiệp hỗ trợ… phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế vùng, trong đó tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số, phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không; thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…
Để đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư như trên, nền kinh tế sẽ phải huy động qua nhiều kênh khác nhau, như chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn huy động qua thị trường chứng khoán… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc huy động nguồn vốn đầu tư qua các kênh nói trên cũng gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ những lý do:
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tài chính - ngân sách nhà nước sẽ được siết chặt bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi. Nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ chủ yếu tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đối với nguồn vốn ODA: Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 và từ tháng 7/2017 không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới. Nguồn vốn ODA đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới sẽ giảm dần, tiến tới áp dụng các điều kiện vay vốn từ các quốc gia và định chế tài chính đa phương tương tự như các khoản vay thương mại.
Đối với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng: Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn đang được giảm dần, từ 40% trước 01/10/2020, xuống còn 37% từ 01/10/2021 và theo lộ trình sẽ giảm xuống còn 34% từ 01/10/2022 và 30% từ 01/10/2023. Do đó, trong thời gian tới, việc vay vốn trung và dài hạn từ các tổ chức tín dụng để phục vụ nhu cầu đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn.
Đối với nguồn vốn huy động qua thị trường chứng khoán: Ở Việt Nam, tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán vẫn còn ở mức thấp, việc huy động vốn qua thị trường này chưa trở thành một kênh phổ biến được các nhà đầu tư ưa chuộng, xuất phát từ trình độ phát triển của thị trường chứng khoán cũng như năng lực quản lý tài chính của các doanh nghiệp…
Việc duy trì một kênh tạo lập nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế thông qua hoạt động TDĐT của Nhà nước là quan trọng và cần thiết; Tuy nhiên, để hoạt động TDĐT của Nhà nước có thể đáp ứng tốt yêu cầu về vốn cho phát triển kinh tế, thì việc tháo gỡ các vướng mắc nhằm khơi thông nguồn vốn này là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Đề xuất nhằm khơi thông nguồn vốn TDĐT của Nhà nước
Từ thực tiễn hoạt động TDĐT của Nhà nước những năm gần đây, có thể thấy rằng, để có thể mở rộng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế thì các vướng mắc trong hoạt động TDĐT của Nhà nước cần sớm được tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn vốn này. Những vướng mắc cần tháo gỡ không chỉ liên quan đến chính sách về TDĐT của Nhà nước mà còn cả quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực thi chính sách này - VDB, nhằm khắc phục những bất cập đã được chỉ ra ở trên.
Với yêu cầu đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo Chính phủ xem xét một số nội dung sau đây:
Một là: Mở rộng danh mục đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước theo hướng xem xét bổ sung một số loại hình dự án thuộc các lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, bên cạnh các dự án thuộc danh mục đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP hiện nay.
Hai là: Cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thực hiện chính sách phân biệt lãi suất cho vay và tỷ lệ bảo đảm tiền vay theo khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín và có dự án hiệu quả được vay vốn với lãi suất thấp hơn và tỷ lệ bảo đảm tiền vay nhỏ hơn so với các doanh nghiệp khác. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay đối với mỗi khoản vay do VDB quyết định và chịu trách nhiệm theo mức độ rủi ro của khoản vay.
Ba là: Ưu tiên để VDB được huy động các nguồn vốn có lãi suất thấp từ các quỹ tài chính nhà nước; hoặc xem xét cấp bảo lãnh để VDB huy động vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế trong trường hợp VDB tìm được nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức này. Đồng thời tạo điều kiện cho VDB phát hành trái phiếu kỳ hạn phù hợp với yêu cầu cho vay đối với các dự án đầu tư có thời hạn thu hồi vốn dài thuộc đối tượng sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước.
Bốn là: Bố trí ngân sách nhà nước để cấp đủ vốn điều lệ của VDB theo lộ trình đã được phê duyệt tại Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm sớm đạt mức vốn điều lệ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; thanh toán đủ số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý còn thiếu cho VDB trong thời gian qua, đồng thời không để tình trạng nợ đọng tương tự xảy ra trong các năm tiếp theo.
Năm là: Đổi mới mô hình hoạt động của VDB theo hướng nâng cao tính tự chủ trên cơ sở tính đủ chi phí huy động vốn và các chi phí quản lý hoạt động vào lãi suất cho vay cùng với việc cho phép VDB cung ứng thêm một số dịch vụ ngân hàng có thu phí để tạo nguồn thu nhằm giảm dần số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước; đồng thời phân quyền mạnh hơn cho VDB trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng TDĐT của Nhà nước tương ứng với khả năng tự chủ về tài chính.
Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách như nêu trên, thì nội tại VDB, với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách TDĐT của Nhà nước cần tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực của mình về mọi mặt, từ chất lượng nhân lực cho đến nền tảng công nghệ cũng như trình độ quản lý. Chỉ trong trường hợp đó, hoạt động cung ứng vốn TDĐT của Nhà nước qua VDB mới có thể được khơi thông mà không gây ra rủi ro, tổn thất cho VDB hay gánh nặng cho ngân sách nhà nước./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm tăng cường an toàn, bảo mật đồng thời đảm bảo các giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử không bị gián đoạn sau ngày 01/01/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và hoàn thành đối chiếu khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
(Thanh tra) - Để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển hoạt động giao thương, mở rộng quy mô kinh doanh và tối ưu hóa chi phí, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt - Global Unlimited dành cho khách hàng doanh nghiệp chưa phát sinh doanh số chuyển tiền quốc tế tại BIDV trong vòng 01 năm gần nhất.
PV
21:09 22/11/2024PV
21:09 22/11/2024Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh