Gia đình tốt, sẽ sinh ra những con người tốt, đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh

Ngày 28/6, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp” .

Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, “là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc” như Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

“Qua các thời kỳ phát triển, mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn luôn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự trường tồn của dân tộc và phát triển đất nước. Xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm tổng hòa giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trở thành nguồn lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển đất nước đang là yêu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, bà Nga nhấn mạnh.

Trong đó ở yếu tố thứ nhất, văn hóa gia đình Việt Nam được hình thành, vun đắp qua nhiều thế hệ, đề cao giá trị đạo đức, nề nếp, kỷ cương, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn rũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt, sẽ sinh ra những con người tốt, là đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Chính vì vậy, làm sao để các giá trị ấy tiếp tục thấm sâu, thực sự là mạch nguồn cho gia đình phát triển trong bối cảnh mới.

Mặc dù hiện nay quan niệm về hôn nhân, con cái có khác nhau ở các nhóm đối tượng, vùng miền, ngành nghề, mức thu nhập... song nhiều nghiên cứu cho thấy hôn nhân và gia đình vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam. Vun đắp một cuộc hôn nhân tiến bộ, lành mạnh, xây dựng gia đình hạnh phúc vẫn là mục tiêu hướng đến.

Yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nêu rõ: Các biểu hiện của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống luật pháp, chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của gia đình. Bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị…

Báo cáo cũng chỉ rõ “thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước”. Từ đó, báo cáo khuyến nghị bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là an toàn, thịnh vượng, trách nhiệm, bình đẳng giới.

Theo TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, một số kết quả nghiên cứu cho thấy, các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải là các yếu tố vật chất. Điều này cho thấy yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc mà yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần của trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa tinh thần, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Gia đình Việt Nam luôn có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần, mối quan hệ gia đình và xem đó là yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Mặt khác, các yếu tố vật chất là điều kiện, cơ sở để có được gia đình hạnh phúc. Do đó, về mặt chính sách, nhà nước cần tiếp tục nâng cao điều kiện sống cho các gia đình nói chung. Song song với quá trình đó là sự đầu tư, nuôi dưỡng, duy trì các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình để “xây dựng đời sống tinh thần" cho thiết chế xã hội cơ bản này”, Vụ trưởng Vụ Gia đình nói.

Thái Hải