Hai tiếng “đồng bào” thật thiêng liêng được cất lên vào thời khắc lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Không phải ngẫu nhiên mà Bác sử dụng hai tiếng “đồng bào” trong Tuyên ngôn Độc lập. Hơn ai hết, Bác hiểu rằng, hai tiếng thiêng liêng ấy khởi nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam qua 4.000 ngàn năm lịch sử, người Việt Nam luôn tự hào mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng và khi đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, giữa tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt của hàng triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ dừng lại và hỏi: Tôi nói đồng bào nghe có rõ không?”.

Một chi tiết, một câu nói không nằm trong Bản Tuyên ngôn Độc lập nhưng lại vô cùng giản dị, mộc mạc và gần gũi. Cả biển người đồng thanh đáp lại lời Bác “rõ ạ” như đồng lòng nhất trí quyết tâm dựng xây và bảo vệ nước Việt Nam độc lập.

Hai tiếng “đồng bào” cũng đồng thời thể hiện sự trân trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Nhân dân. Người khẳng định “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Vì vậy, từ khi ra đời, Đảng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là giành độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân.

Hai tiếng “đồng bào” đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không đơn thuần để chỉ cộng đồng người Việt mà sâu nặng hơn là tình nghĩa anh em, tình máu mủ, tình đồng đội, đồng chí đã đùm bọc, che chở nhau trong cuộc đấu tranh không ngại hy sinh, gian khổ. Đáp lại tiếng gọi tha thiết ấy, Nhân dân hai miền Nam - Bắc đã giương cao ngọn cờ cách mạng, quyết hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, làm nên những chiến công vang dội như: Trận Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07/5/1954; thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đã 79 năm trôi qua, Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử như một bản hùng văn, sáng rực hào khí Việt Nam và đầy ắp tình nghĩa đồng bào:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 

Những lời lẽ vô cùng đanh thép, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước, quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc, quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam, đây cũng là một mốc son chói lọi trên chặng đường dài đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ nhưng đầy vẻ vang của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già đáng kính của dân tộc, về ý chí kiên cường, quyết tử vì sự tồn vong của quê hương, đất nước; sức mạnh về tinh thần đoàn kết vô biên của “đồng bào” hai miền Nam - Bắc quyết chung sức, chung lòng đánh thắng quân xâm lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, quyền con người nói chung, quyền công dân nói riêng và quyền tự quyết của mỗi dân tộc chỉ có thể được thực thi khi đất nước độc lập, tự do, khi người dân làm chủ đất nước. Nhưng, để có được độc lập, tự do đó, người dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh để giành lấy và kiên cường giữ vững nền độc lập ấy. Giữ vững nền độc lập cũng chính là để đảm bảo cho quyền con người, quyền tự do của mỗi người dân Việt Nam được thực thi.

Trà Vân