Nhà giáo được xã hội tôn vinh bởi sứ mệnh trồng người cao cả. Các nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn xưa và nay đều đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, phát triển xã hội. Luôn coi trọng phẩm chất đạo đức của nhà giáo, coi đó là thành tố cơ bản, nền tảng trong nhân cách nhà giáo.

Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cao nhất của nhà giáo là yêu nghề, yêu người. Tại các trường học, thông điệp “Tất cả vì học sinh thân yêu” đều được treo trang trọng ở những nơi bắt mắt nhất. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết tâm dạy thật tốt, có ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên, miệt mài với từng bài giảng, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo trong hoạt động sư phạm, như Bác Hồ nói: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Những năm qua, bên cạnh những nhà giáo tận tụy, hết lòng cống hiến với nghề thì thực tế vẫn còn một bộ phận nhà giáo có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, hành vi ứng xử trong môi trường sư phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đơn cử, vụ việc thầy giáo ở Thái Bình bị tố gạ tình nữ sinh; nam giáo viên ở Bắc Giang thừa nhận sờ mông học trò; cô giáo ở Bình Thuận bị chồng phát hiện ở chung phòng khách sạn với nam sinh 16 tuổi; một giáo viên tại Hà Nội có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo từ hành lang vào lớp học… Hay thông tin hàng chục học sinh nam của một trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, bị thầy giáo lạm dụng tình dục đã được báo chí phản ánh gây bàng hoàng, bức xúc trong dư luận…

Mới đây, dư luận lại xôn xao vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 4 Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP Hồ Chí Minh, xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop. Khi có phụ huynh không đồng ý, cô giáo này đã từ chối nhận máy tính và cho biết sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh, bài ôn thì phụ huynh và học sinh tự ôn. Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo cho học sinh học qua tivi quá nhiều, ngay cả một số lời giải trên tivi rồi để các con chép lại. Nhiều em không chép kịp phải bỏ. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác viên chức đối với cô 15 ngày để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, ổn định tình hình phụ huynh và học sinh trong thời gian xem xét hướng xử lý kỷ luật.

Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì tối 30/9, mạng xã hội lại xuất hiện 1 clip quay cảnh một đôi nam nữ có cử chỉ thân mật, phản cảm ngay tại bàn giáo viên trong lớp học. Clip bị cộng đồng mạng chia sẻ nhanh chóng, gây xôn xao trong dư luận. Nhân vật trong clip được cơ quan chức năng xác minh là cô giáo và một nam sinh lớp 10 của Trường THPT Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Nhà trường đã tạm đình chỉ việc dạy học của nữ giáo viên này để kiểm điểm và ổn định tâm lý…

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/5/2023 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp gồm chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục; thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.  

Những hiện tượng này tuy chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng dễ tạo nên bức xúc và phản cảm trong xã hội, không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của thầy, cô giáo, mà còn tác động xấu tới nhận thức của học sinh, niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục nói chung.

Chia sẻ về thực trạng trên, một giáo viên có thâm niên gần 30 năm trong nghề ở Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tiêu cực trên.

Trước hết là do công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục chưa được coi trọng. Ban giám hiệu nhiều trường còn yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với giáo viên; việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên bộc lộ nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, có không ít sinh viên chọn chưa đúng nghề khi học sư phạm. Một số thầy, cô giáo lầm tưởng rằng nghề giáo là nghề “nhàn hạ”, nhưng thực tế lại quá nhiều áp lực (từ nghề nghiệp, từ phụ huynh, học sinh, từ ngành giáo dục, từ truyền thông mạng, từ các phong trào do địa phương đưa ra…) làm cho nhà giáo lo lắng và không an tâm với nghề nghiệp, thậm chí “đứng núi này, trông núi nọ”, ít chịu khó tìm hiểu các quy định của ngành về quyền hạn, trách nhiệm và những việc giáo viên không được làm, dẫn đến không kiểm soát chính mình, rồi sa sút đạo đức, có những hành vi không đúng chuẩn mực.

Thêm vào đó, một bộ phận nhà giáo thiếu phương pháp sư phạm, thiếu tình thương yêu học sinh, thiếu sự kiên nhẫn và kinh nghiệm ứng xử trước áp lực công việc hàng ngày dẫn tới hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Thậm chí, thầy cô nói không đi đôi với làm nên học trò coi thường.

Đề cập đến vai trò đạo đức nhà giáo, TS Đinh Ngọc Thắng cho biết, hiện nay, đạo đức nhà giáo được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và việc đánh giá đạo đức nhà giáo ở mỗi con người là việc làm vô cùng khó.

Do đó, việc đánh giá đạo đức nhà giáo cần được lan tỏa trong môi trường giáo dục thông qua đạo đức và trách nhiệm. Mọi nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục cần gắn liền với đạo đức nhà giáo. Đối với giáo dục vấn đề nêu gương các nhà giáo là việc làm rất quan trọng. Nêu gương cũng cần phải kịp thời, đúng thời điểm và cần phải lan tỏa được những tấm gương tiêu biểu.

Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp.

Về phía các cơ sở giáo dục, cần rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh; tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.

Mặt khác, cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên và người lao động vi phạm đạo đức.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.

Về phía giáo viên, phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy…

Lê Phương