Nhiều địa phương, ngành nghề đã thay đổi biểu tượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời hội nhập. Nên chăng, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu thay thế biểu tượng của nghề báo bằng những hình ảnh hiện đại theo xu thế truyền thông đa phương tiện?
Phương tiện và biểu tượng

Vấn đề đặt ra đã phản ánh đúng thực tế, bất cứ cái gì, bất cứ lĩnh vực nào cũng phải luôn đổi mới để phát triển. Trong hành trình đổi mới, phát triển ấy, sự thay thế là một yêu cầu bắt buộc. Nghề báo, với vai trò và sứ mệnh xã hội đặc biệt, càng phải tiên phong đổi mới, càng phải đi tắt đón đầu để phát triển, bắt nhịp kịp với xu thế làm báo hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, nếu lựa chọn những sản phẩm hiện đại của nền văn minh công nghiệp thay thế hoàn toàn những thứ đã cũ, đã ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội thì lại không ổn. Đổi mới phải dựa trên nền tảng truyền thống thì mới đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định, bền vững. Trang giấy, ngòi bút không đơn thuần chỉ là phương tiện của nghề báo trong lịch sử, mà nó là hình ảnh mang tính khái quát, biểu trưng. Phương tiện tác nghiệp của nhà báo luôn bị thay thế bằng những thứ ra đời sau, hiện đại hơn, tiện ích hơn. Phương tiện là sản phẩm của xã hội văn minh, còn biểu tượng là giá trị văn hóa cốt lõi tích tụ từ lịch sử, truyền thống. Độ lùi của thời gian sẽ làm phương tiện bị lạc hậu, phải thay thế, nhưng thời gian càng lâu thì giá trị văn hóa lại càng cao, ngưng đọng, thăng hoa thành bản sắc.

Xét về phương diện văn hóa thì rõ, ngòi bút, trang giấy đối với nghề báo, nhà báo là giá trị bất biến. Đó không chỉ là thứ giúp nhà báo, nghề báo làm công cụ nhận diện thương hiệu, mà còn truyền tải thông điệp về đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà báo, nghề báo.

Thực ra thì ngòi bút, trang giấy chả phải “độc quyền” thương hiệu của nghề báo. Rất nhiều ngành nghề, đối tượng xã hội cũng lấy hình ảnh cây bút, trang giấy làm biểu tượng, nổi bật phải kể đến nhà giáo, nhà văn, học sinh, sinh viên… Nói chung, cứ ngành nghề nào lấy ngôn ngữ làm phương tiện lao động thì đều liên quan đến cây bút, trang giấy. Sâu xa, sách bút là biểu tượng của đạo học. Ở văn miếu các nơi, như Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai)… luôn có các công trình lấy ý tưởng từ bút mực. Những tòa tháp bên cạnh hồ nước trong xanh được ví như ngọn bút và nghiên mực. Ngọn bút hướng lên trời xanh, thể hiện khát vọng vươn tới chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ của con người. Người học cao hiểu rộng có thể thấu được chuyện của trời đất. Người được học hành thì phải như ngọn bút, luôn thẳng và hướng đến những giá trị cao đẹp…

Thế nên, nói đến trách nhiệm xã hội của báo chí, trước hết là phải nói đến sự học, đạo học. Nhà báo phải luôn có ý thức học hỏi. Học để trau dồi, phát triển tri thức, kỹ năng. Học để tu dưỡng đạo đức, phẩm giá. Học tập đối với nhà báo là nhu cầu tự thân, là yêu cầu bắt buộc. Trang giấy, ngòi bút trở thành hình ảnh nhận diện, biểu tượng của báo chí chính là bởi ý nghĩa cao đẹp, vẻ vang ấy.

Báo chí phản ánh hiện thực xã hội và dẫn dắt dư luận xã hội nên sự học của nhà báo là một hành trình liên tục. Đôi khi một chữ viết ra, bạn phải đọc, nghiên cứu cả trăm trang tài liệu, tiếp xúc, phỏng vấn cả chục người. Không có kiến thức, không chịu học là cách đào thải nhanh nhất của nghề báo.

Báo chí kiến tạo xã hội

Trong bài viết có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhan đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “… Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân…”.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trong “sự nghiệp sáng tạo vĩ đại” ấy, mọi ý tưởng, công trình, mọi mô hình, việc làm của tổ chức, cá nhân và toàn dân đều được phổ biến, đi vào cuộc sống thông qua môi trường báo chí, truyền thông. Việc chúng ta tổ chức rất thành công Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân phải căng sức phòng chống dịch Covid-19 đã cho thấy sức mạnh tổng hợp của đất nước được phát huy mạnh mẽ như thế nào. Để có sự liên kết, gắn kết làm nên sức mạnh ấy, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Đại đa số đội ngũ những người làm báo cả nước đã thể hiện trách nhiệm xã hội với dân với nước thật tuyệt vời.

leftcenterrightdel
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, trong đó báo chí đã góp phần tích cực vào thành công chung của Đại hội 

 

Giai đoạn này, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Báo chí truyền thông lại tiếp tục thể hiện xuất sắc vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận chính trị - tư tưởng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, kêu gọi, thúc đẩy tinh thần cống hiến, ý chí quyết tâm, đoàn kết của toàn dân. Trách nhiệm xã hội của báo chí được thể hiện sinh động và đầy thuyết phục.

Để có một sự nghiệp kiến tạo thì cần phải xây dựng hệ sinh thái kiến tạo trong đời sống cộng đồng. Báo chí nói chung, hoạt động nghề nghiệp của nhà báo nói riêng chính là nhân tố tích cực trên tuyến đầu hình thành, phát triển hệ sinh thái ấy.

Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nòng cốt là công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, đã và đang đặt ra những vận hội và thách thức vô cùng lớn đối với nghề báo và nhà báo. Không ít người bày tỏ lo ngại, sự phát triển đa dạng, nhanh chóng và toàn diện của mạng xã hội (MXH) sẽ là thách thức sống còn đối với báo chí, đặt báo chí vào cuộc canh tranh gay gắt đối với MXH. Lo ngại thế không hẳn sai, nhưng rõ là nó rất cực đoan. Trên thực tế, tính cạnh tranh là tất yếu, nhưng mối quan hệ giữa báo chí và MXH hiện nay là mối quan hệ cộng hưởng, cộng sinh.

Dễ nhận thấy nhất là MXH chính là phương tiện để sản phẩm của báo chí, tác phẩm của nhà báo đến gần hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn với công chúng. Ngược lại, MXH giúp báo chí và nhà báo mở rộng các kênh thông tin và nguồn tin. Đặt trong mối quan hệ ấy, trách nhiệm xã hội của nhà báo đòi hỏi phải cao hơn, toàn diện hơn để báo chí ngày càng xứng đáng hơn với vai trò, sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, trong đó có dư luận trên MXH. Sự học và đạo học của nghề báo, nhà báo được đề cao hơn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, sứ mệnh ấy.

Báo chí thanh tra, nhà báo thanh tra

Trong lĩnh vực thanh tra, báo chí là người bạn đồng hành đặc biệt tin cậy. Thông qua báo chí truyền thông, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cả nước có các kênh thông tin để đưa đường lối, chủ trương, nhiệm vụ của ngành thấm vào đời sống xã hội. Thành tựu của ngành Thanh tra không chỉ thể hiện ở số liệu các vụ thanh tra, kết quả công tác thanh tra hằng năm, mà quan trọng hơn cả là thông qua công tác thanh tra để giáo dục, xây dựng, kiến tạo một môi trường xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi tổ chức, cá nhân, mọi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có tinh thần tự giác, tự chủ, thượng tôn pháp luật. Chừng nào cán bộ thanh tra không cần phải đi thanh tra, công tác thanh tra không phát hiện dấu hiệu vi phạm phải thanh tra, thì đó mới là hạnh phúc của người thanh tra, là đích đến của ngành Thanh tra. Còn phát hiện ra vụ việc phải thanh tra nghĩa là tham nhũng, tiêu cực vẫn còn. Vụ việc phát hiện càng nhiều, chứng tỏ mầm mống tiêu cực, tham nhũng vẫn còn môi trường phát triển, công tác thanh tra, ngành Thanh tra vẫn còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục kiến tạo.

Để có sự kiến tạo ấy, thanh tra và báo chí, báo chí với thanh tra luôn đồng hành, cộng hưởng, cống hiến. Trong “binh chủng” báo chí xung kích hôm nay, có sự góp mặt tích cực của các nhà báo, phóng viên thanh tra. Trách nhiệm xã hội của báo chí thanh tra chính là góp phần xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái kiến tạo trong công tác thanh tra, trong ngành thanh tra theo lời Bác Hồ dạy: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Đó cũng chính là nội hàm của đạo học để nhà báo thanh tra luôn luôn có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Phan Tùng Sơn