Như vậy, ước mơ về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau gần 20 năm chuẩn bị, đang tiến gần đến giai đoạn khởi động.

Dự kiến với chiều dài quãng đường 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h và tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, công trình giao thông trọng điểm này hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho hệ thống giao thông Việt Nam. Cụ thể, thời gian di chuyển giữa Hà Nội và TP HCM sẽ giảm xuống còn 5 giờ 30 phút, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế giữa các vùng. Đây được xem là cú hích quan trọng cho các hoạt động kinh tế, khi giúp tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và vùng miền.

Không chỉ dừng lại ở kết nối giao thông, dự án còn tạo điều kiện cho việc tái cấu trúc đô thị dọc theo tuyến đường. Ngoài ra, dự án này còn có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng của Việt Nam vì tuyến đường còn có khả năng vận chuyển hàng hóa nhanh chóng khi cần thiết, góp phần nâng cao khả năng ứng phó trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, cung ứng nhu yếu phẩm.... Hơn nữa, tuyến đường này còn giúp giảm chi phí logistics, đang chiếm một chi phí lớn trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, những câu hỏi về vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế và khả năng quản lý đang là vấn đề được đặt ra đối với việc thực hiện dự án. Số tiền đầu tư gần 70 tỷ USD, là khoản tiền rất lớn. Theo ước tính, mức đầu tư bình quân mỗi năm cho dự án sẽ chiếm khoảng 16,2% tổng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đó là một con số không nhỏ đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, một yếu tố cần lưu ý là nợ công của Việt Nam hiện đã được kiểm soát ở mức 37% GDP, tạo điều kiện tốt cho việc huy động vốn.

Vấn đề khác được quan tâm sau khi phê duyệt là quá trình quản lý tài chính hiệu quả để đảm bảo rằng dự án không tạo ra áp lực nợ công lớn trong tương lai. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan liên quan phải có kế hoạch chi tiết về phân bổ vốn và giải ngân, cùng với đó là quá trình kiểm tra giám sát chặt chẽ chất lượng cũng như minh bạch trong sử dụng nguồn tài chính thực hiện.

Mức chi phí và thu hồi vốn khi vận hành cũng là điều được đặt ra khi thực hiện. Dự kiến của các chuyên gia, giá vé sẽ được chia thành ba hạng, với mức giá bằng khoảng 75% giá vé máy bay hiện tại. Vé hạng nhất sẽ vào khoảng 6,9 triệu đồng cho chặng Hà Nội - TP HCM, trong khi vé hạng ba sẽ vào khoảng 1,7 triệu đồng. Mức giá này được coi là hợp lý để thu hút hành khách, đặc biệt là những người muốn tiết kiệm thời gian di chuyển.

Vấn đề đặt ra là giá vé liệu đã đủ sức thu hút lượng hành khách bình dân để duy trì hoạt động hiệu quả và bền vững. Đây là một bài toán không dễ. Bởi so với mức giá vé dự kiến và thu nhập của trung bình của người dân hiện nay, rõ ràng không hề nhỏ. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu lượng hành khách không đạt được kỳ vọng, dự án có thể phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì tài chính. Rõ ràng khi thực hiện xong, dự án cần phải có một lượng hành khách ổn định để đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả về mặt kinh tế.

Liệu dự án này có thể trở thành biểu tượng của sự hiện đại hóa hạ tầng và phát triển kinh tế của Việt Nam, hay sẽ trở thành một áp lực tài chính trong nhiều năm tới? Điều này sẽ phụ thuộc vào cách quản lý, triển khai và khả năng thu hút hành khách của dự án.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quản lý khoa học, chúng ta có quyền hi vọng về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo bước đột phá, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước. Chúng ta vẫn đang hi vọng và chờ đợi về sự vươn mình của giao thông Việt Nam trong tương lai.

Ngô Quốc Đông