Tuy nhiên, khi cơ hội vào đại học mở ra với các bạn trẻ cho thấy, cứ đầu mùa tuyển sinh đại học lại hé lộ một bức tranh tâm lý phức tạp của các thí sinh, nơi mà đam mê cá nhân và kỳ vọng gia đình đôi khi đứng ở hai đầu đối lập.
Trên các diễn đàn và mạng xã hội, không khó để bắt gặp những lời tâm sự đầy mâu thuẫn của các thí sinh. Nhiều em mong muốn rớt nguyện vọng đầu như 1, 2, 3... Điều này có vẻ như một nghịch lý nhưng nó lại đang là một phần của hiện thực. Một số thí sinh mong vậy là để tránh việc phải theo học ngành học mà cha mẹ đã chọn thay cho những ngành mà các em đam mê, yêu thích. Tại sao việc chọn ngành học, một quyết định mang tính cá nhân và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của thí sinh, lại bị chi phối mạnh mẽ bởi áp lực gia đình?
Điều này có thể lý giải về những lợi ích mà cha mẹ đã nghĩ tới cho con cái họ sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn học theo định hướng của cha mẹ để thuận lợi xin việc khi ra trường, hay theo nghề nghiệp của chính cha mẹ, hoặc họ nghĩ rằng những ngành mà họ chọn cho con cái mình có một thu nhập tốt và tương lai hơn những ngành mà chính các em đề xuất. Tuy nhiên, trong xã hội đa dạng và hội nhập mạnh mẽ, với nhiều biến chuyển hằng ngày, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, nên việc ép con cái học ngành theo lựa chọn của phụ huynh có thể trở thành lỗi thời trong tương lai.
Việc ép buộc thí sinh theo học ngành mà các em không yêu thích không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn để lại những hệ lụy sâu sắc về tâm lý và xã hội. Học một ngành không phù hợp có thể dẫn đến sự chán nản, học đối phó và kết quả học tập kém. Xa hơn, nó có thể gây ra tình trạng làm trái ngành nghề sau khi ra trường, làm giảm hiệu quả của nguồn nhân lực và gây lãng phí tài nguyên giáo dục. Có nhiều tình huống vì học ngành các em không thích, dẫn đến bỏ học hoặc nợ môn, cá biệt có em ham chơi game, lô đề, cá độ…
Câu chuyện trên không chỉ tác động tới nguồn lực giáo dục mà còn ảnh hưởng tới không khí gia đình, dẫn đến những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Sự ép buộc trong việc chọn ngành học có thể tạo ra phản kháng của con cái dưới nhiều hình thức. Trong việc chọn nghề, có lẽ phụ huynh chỉ nên đưa ra các ý kiến, còn việc quyết định nên dành cho các em. Phụ huynh nên hiểu, các em học cho mình chứ không phải học vì họ.
Để giải quyết vấn đề này, ngay từ bậc trung học, các trường học nên tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo với sự tham gia của chuyên gia và cựu sinh viên để cung cấp thông tin đa chiều về các ngành nghề. Từ đó giúp thí sinh có cái nhìn thực tế và tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định. Mặt khác, gia đình cần tạo ra môi trường đối thoại cởi mở, nơi mà con cái có thể chia sẻ đam mê và quan điểm của mình mà không sợ bị phán xét. Cha mẹ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc theo đuổi đam mê, thay vì biến mình thành người áp đặt.
Bởi vậy, nhìn vào một cuộc tuyển sinh đại học mới thấy, đó không chỉ là cuộc đua về điểm số mà còn là một sự trắc nghiệm về sự thấu hiểu và đồng thuận giữa cha mẹ và con cái qua việc chọn ngành nghề theo học.