Công ty Phong Nha Heritage và những vi phạm

Công ty Phong Nha Heritage được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Đề án Cho thuê môi trường rừng (MTR) khu vực rừng Gáo - hang Ô Rô tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) tại Quyết định số 4377/QĐ-UBND ngày 14/12/2018.

Ngày 18/12/2018, Ban quản lý (BQL) VQG PN-KB ký Hợp đồng số 02/2018/HĐ-MTR về việc cho Công ty Phong Nha Heritage thuê MTR để làm Công viên Ozo kinh doanh du lịch sinh thái.

Đến cuối tháng 4/2019, Công viên Ozo chính thức đi vào hoạt động. Quá trình triển khai xây dựng Công viên Ozo, Công ty Phong Nha Heritage đã có những hành vi vi phạm ngay trong VQG PN-KB, mãi đến 2 năm sau mới được phát hiện.

Ngày 6/5/2021, đoàn kiểm tra đã cho ra kết quả kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại Công viên Ozo.

Đến ngày 13/5/2021, BQL VQG PN-KB đã có Báo cáo số 334/BC-VQG về các sai phạm của Công ty Phong Nha Heritage tại Công viên Ozo với lãnh đạo và UBND tỉnh Quảng Bình.

Báo cáo nêu rõ việc tự ý đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên của suối Ozo nhằm nâng cao mực nước để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, phục vụ du lịch sinh thái tại Công viên Ozo, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, động vật thủy sinh trong khu vực, vi phạm quy định tại Khoản 7, Điều 9 Luật Lâm nghiệp.

Đặc biệt, hành vi lấn chiếm, sử dụng 41.216 m2 rừng phòng hộ đầu nguồn (nằm ngoài diện tích cho thuê MTR) để xây dựng các hạng mục, công trình phục vụ kinh doanh du lịch sinh thái tại Công viên Ozo như: “Bãi đỗ xe với diện tích 2.796 m2; khu vực xây dựng các hạng mục, công trình (nhà chòi, nhà bếp, nhà vệ sinh, đường đi xe đạp địa hình, đường sàn đi bộ bằng gỗ…) với diện tích là 38.420 m2; có 3 nhà vệ sinh được xây dựng bằng bê tông kiên cố với diện tích 210 m2.

Những hành vi của Công viên Ozo đã vi phạm các quy định liên quan đến rừng phòng hộ trong Luật Lâm nghiệp và Nghị Định Số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Lâm nghiệp.

Ngày 1/7/2021, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Phong Nha Heritage về các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

leftcenterrightdel
Một trong những sai phạm tại Ozo. Ảnh: Lê Hữu Chính 

Để xác định mức độ vi phạm, VQG PN-KB đã gửi văn bản đến Phân viện Điều tra - Quy hoạch Trung Trung bộ trưng cầu giám định rừng và đất lâm nghiệp bị tác động tại khu vực Ozo.

Tiếp đó, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vi phạm hành chính đến UBND huyện Bố Trạch để xử phạt theo đúng thẩm quyền. 

Huyện Bố Trạch không "hợp thức hóa" cái sai của doanh nghiệp

Ngày 9/8/2022, UBND huyện Bố Trạch đã lập tổ công tác liên ngành để xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.

Ngay sau đó, UBND huyện Bố Trạch đã ban hành Quyết định số 3192/QĐ-KPHQ do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thuỷ ký ngày 24/8/2022 về việc “buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”. Quyết định giải thích lý do không ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Phong Nha Heritage vì đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Quyết định 3192 buộc Công ty Phong Nha Heritage thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính, tức tháo dỡ toàn bộ các hạng mục, công trình lấn chiếm trên đất rừng phòng hộ, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty Phong Nha Heritage chi trả. Thời hạn là 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu Công ty Phong Nha Heritage không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Tuy đã ký vào biên bản vi phạm, thừa nhận các lỗi nêu trên, nhưng sau Quyết định 3192, Công ty Phong Nha Heritage đã gửi đơn "kêu cứu" đến UBND tỉnh và các ban ngành liên quan nhằm xin được xem xét, tạo điều kiện "hợp thức hóa" vụ lấn chiếm hơn 3,6ha rừng phòng hộ ở VQG PN-KB.

Sau đó UBND huyện Bố Trạch đã có văn bản phúc đáp, việc điều chỉnh toạ độ, ranh giới… không thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Vì vậy, đề nghị công ty chấp hành nghiêm túc việc tháo dỡ, trả lại tình trạng ban đầu của đất. Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định quan điểm của UBND tỉnh là không có chuyện hợp thức hoá cái sai của doanh nghiệp, cần xử lý đúng quy định để bảo vệ VQG PN-KB. 

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty Phong Nha Heritage vẫn chây ì không thực hiện Quyết định 3192.

Ngày 28/5/2024, UBND huyện Bố Trạch đã tổ chức buổi làm việc với các ngành, đơn vị để giải quyết một số nội dung liên quan đến Công ty Phong Nha Heritage. Buổi làm việc có bà Đoàn Thị Yên, Giám đốc Công ty Phong Nha Heritage.

Nội dung buổi làm việc nêu rõ, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham gia của các cơ quan chức năng để tuyên truyền vận động Công ty Phong Nha Heritage chấp hành theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn chưa chấp hành việc tháo dỡ, di dời toàn bộ các hạng mục, công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất rừng phòng hộ nhằm khắc phục hậu quả.

Để đảm bảo Quyết định số 3192/QĐ-KPHQ ngày 24/8/2022 được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, UBND huyện yêu cầu: Công ty Phong Nha Heritage nghiêm túc thực hiện Quyết định số 3192/QĐ-KPHQ ngày 24/8/2022 của Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; khẩn trương tháo dỡ, di dời toàn bộ các hạng mục, công trình xây dựng trái phép trước ngày 3/6/2024. Nếu không thực hiện, huyện sẽ cưỡng chế trước ngày 30/6/2024.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra vào cuối ngày 4/6/2024, ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Theo báo cáo sơ bộ từ lực lượng kiểm lâm, Công ty Phong Nha Heritage vẫn không có động thái tự khắc phục sai phạm. Sang tuần sau, huyện sẽ thực hiện họp liên ngành để triển khai quy trình cưỡng chế. Ưu tiên phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhưng nhà đầu tư cũng cần tuân thủ luật pháp”. 

Lê Hữu Chính