Với chức năng, nhiệm vụ được giao, tưởng rằng công việc của ngành Thanh tra đơn giản chỉ làm công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... nhưng có ở trong cuộc mới thấy không phải vậy. Có rất nhiều việc phải làm ngoài thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra hàng năm, các dự thảo quyết định, chỉ thị, các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; trình lãnh đạo bộ, UBND tỉnh cùng cấp các dự thảo quyết định, chỉ thị; thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và UBND tỉnh giao; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; tổ chức việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật…

Đó chỉ là phần nhỏ trong khối lượng lớn công việc phải làm của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, nhưng để có thể tròn vai là “tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, trong suốt thời gian qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra đã nỗ lực, cố gắng sắp xếp hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Những chiến sĩ mang màu áo thanh tra nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc bằng cách không ngừng đổi mới phương pháp công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.

Trong năm 2024, để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, 2024 là năm “nước rút” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2026. Để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần tiếp tục đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, quyết tâm, quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng yêu cầu ngành Thanh tra bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra theo kế hoạch và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nhất là Kiểm toán Nhà nước, nên đã cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Qua thanh tra, đã chấn chỉnh khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và kiến nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tại các hội nghị của ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong luôn nhấn mạnh “phải coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tương xứng và ngang với công tác thanh tra, không được coi nhẹ”. Nhờ vậy, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cao hơn so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nhất là, triển khai “Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030"; đẩy mạnh công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Công tác xây dựng thể chế, xây dựng ngành Thanh tra được chú trọng, nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và bảo vệ bí mật Nhà nước; Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định về thanh tra chuyên ngành; ban hành 5 thông tư hướng dẫn nghiệp vụ…

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, tin rằng việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ngành Thanh tra, đặc biệt là thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề cập tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

Phương Hiếu