Phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Nội vụ, từ năm 2016 đến tháng 7/2022, Thanh tra Bộ Nội vụ đã ban hành 125 kết luận thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất/125 cuộc thanh tra, kiểm tra (đạt tỉ lệ 100%), gồm 7 cuộc thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các đơn vị thuộc bộ và 118 cuộc thanh tra, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương. Trong quý III/2022, tiến hành 7 cuộc thanh tra, tích lũy từ đầu năm đến nay đã thực hiện 14 cuộc thanh tra...

Qua thanh tra, đã phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức cán bộ của các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, về cơ sở pháp lý, một số địa phương áp dụng và ban hành văn bản quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức có nội dung không đúng với quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của Đảng.

Về quản lý biên chế, còn có địa phương giao và sử dụng biên chế công chức hành chính hàng năm vượt quá chỉ tiêu được Chính phủ giao, có địa phương còn giao thêm biên chế địa phương; giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp và tuyển dụng viên chức làm việc trong cơ quan hành chính; sử dụng viên chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính; vẫn còn thực hiện việc ký và sử dụng hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính. Tại thời điểm thanh tra, công tác tinh giản biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương không đạt tỷ lệ theo kế hoạch đặt ra và số báo cáo tinh giản chủ yếu do nghỉ hưu và chỉ tiêu chưa tuyển dụng, số tinh giản theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ đạt tỉ lệ thấp.

Về tuyển dụng công chức, nội dung thông báo tuyển dụng không đầy đủ theo quy định; quy định điều kiện dự tuyển về bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ không phù hợp với vị trí dự tuyển; còn thiếu sót trong việc thành lập Hội đồng tuyển dụng, các ban giúp việc cho hội đồng; việc chấm thi, tổng hợp điểm còn có sai sót; việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức không qua thi tuyển và việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên còn có nhiều trường hợp chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục (nhiều trường hợp không đủ thời gian kinh nghiệm công tác hoặc không phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển, nhiều trường hợp được xét chuyển từ viên chức, cán bộ công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên nhưng không có đầu vào là viên chức, cán bộ công chức cấp xã hoặc đầu vào không hợp lệ); trước đây một số địa phương quy định chính sách thu hút, trong đó có việc tuyển dụng vào công chức không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, nên trong cơ quan, tổ chức đang có số lượng công chức được tuyển dụng không đúng quy định.

Về bổ nhiệm và số lượng cấp phó, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, thời hạn bổ nhiệm; nhiều trường hợp được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý cấp phòng, cấp sở nhưng hồ sơ công chức thể hiện việc tuyển dụng vào công chức trước đây không đúng quy định; nhiều trường hợp bổ nhiệm lại chậm so với quy định; một số công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý còn chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức theo vị trí việc làm; một số cơ quan, tổ chức có số lượng cấp phó vượt quá quy định.

leftcenterrightdel
Một buổi công bố quyết định thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ

Kể từ năm 2019 trở lại đây, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc khắc phục, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, nhờ có hoạt động thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Nội vụ đã giúp các bộ, ngành, địa phương phát hiện thêm nhiều sai phạm và đã yêu cầu tiếp tục khắc phục; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức khắc phục để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Đồng thời, Thanh tra Bộ đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ để báo cáo lãnh đạo bộ có biện pháp quản lý Nhà nước hữu hiệu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các văn bản để tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương khắc phục.

Tham mưu ban hành nhiều văn bản liên quan công tác cán bộ

Song song với công tác thanh tra, Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ, góp phần phòng ngừa các sai phạm trong bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý cán bộ công chức, viên chức.

Chỉ tính riêng thời gian từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Bộ Nội vụ đã góp phần cùng với các đơn vị tham mưu Bộ Nội vụ ban hành hơn 80 văn bản hướng dẫn; đề xuất lãnh đạo bộ sửa đổi các quy định pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật. Qua đó, hoạt động thanh tra công vụ ngày càng đáp ứng yêu cầu, đưa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đi vào nề nếp và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đánh giá về công tác thanh tra thời gian qua, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, lãnh đạo, công chức Thanh tra Bộ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, học hỏi để đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra như: Thay đổi hình thức làm việc tập trung tại sở nội vụ để rút ngắn thời gian thanh tra, làm việc với 100% các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng thanh tra thay vì phải tiến hành trong thời gian dài với chỉ hơn 50% các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng thanh tra; chú trọng các nội dung trọng tâm, trọng điểm, dễ sai sót, hay vi phạm... và cử công chức có chuyên môn, nghiệp vụ cao đảm nhiệm những nội dung thanh tra phức tạp, khó.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Nội vụ đã luôn hoàn thành đúng tiến độ và không để sót nhiệm vụ; luôn chủ động đề xuất công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn thuộc, trực thuộc bộ trong giải quyết công việc.

Công tác thanh tra, kiểm tra về bổ nhiệm, tuyển dụng đang được Đảng và Nhà nước quan tâm trong những năm gần đây. Do đó, các đề xuất, kiến nghị của Thanh tra Bộ được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện, khắc phục tương đối triệt để. Từ đó, công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị, kết luận sau thanh tra cũng tương đối thuận lợi.

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết đơn thư, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ chủ động nắm bắt tình hình của bộ, ngành, địa phương cũng như các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời điều chỉnh các cuộc thanh tra, kiểm tra (nếu có), xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ, góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh quản lý Nhà nước về công tác cán bộ.

Phương Anh