Chủ động giải quyết công việc đúng phạm vi, thẩm quyền

Quy chế gồm 11 chương, 47 điều quy định về nguyên tắc làm việc; trách nhiệm, phạm vi, cách thức và quy trình giải quyết công việc; chương trình công tác; tổ chức các cuộc họp, hội nghị; đi công tác, tiếp khách; chế độ thông tin báo cáo của Thanh tra Chính phủ và được áp dụng đối với các vụ, cục, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Thanh tra Chính phủ; các tổ chức, cá nhân trong quá trình làm việc, quan hệ công tác với Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ làm việc theo chế độ thủ trưởng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với các lĩnh vực công tác.

Công chức, viên chức chủ động giải quyết công việc đúng phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công; đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Về trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Tổng Thanh tra và các Phó Tổng Thanh tra được quy định tại Chương II với 4 điều. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ là thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về mọi hoạt động quản lý Nhà nước được giao; trực tiếp chỉ đạo, điều hành Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Không xử lý những công việc đã phân công hoặc ủy quyền cho các Phó Tổng Thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy chế này…

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Tổng Thanh tra thực hiện nhiệm vụ do Tổng Thanh tra phân công phụ trách, tuân thủ về quy trình, thời gian xử lý đối với những nội dung xin ý kiến theo chỉ đạo của Tổng Thanh tra; chịu trách nhiệm trước Tổng Thanh tra, trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công; báo cáo Tổng Thanh tra kết quả thực hiện nhiệm vụ…

Thực hiện tiếp công dân theo quy định

Còn trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cấp phòng và công chức, viên chức, người lao động được quy định từ Điều 7 đến Điều 11 Chương III. Người đứng đầu đơn vị chủ động tổ chức thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị và những công việc do Tổng Thanh tra hoặc Phó Tổng Thanh tra phụ trách giao; chịu trách nhiệm trước Tổng Thanh tra và Phó Tổng Thanh tra phụ trách về kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc của đơn vị, bao gồm cả công việc đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó. Trường hợp đơn vị chưa có người đứng đầu thì người được Tổng Thanh tra giao thực hiện chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Chủ động phối hợp với người đứng đầu các đơn vị khác để xử lý những vấn đề có liên quan đến công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và thực hiện nhiệm vụ chung của Thanh tra Chính phủ…

Chánh Văn phòng, ngoài việc thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của Điều 7, còn là chủ tài khoản của Thanh tra Chính phủ, trực tiếp ký kết các hợp đồng dân sự do Văn phòng và các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện.

Cấp phó của người đứng đầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu đơn vị phân công, chịu trách nhiệm trước Tổng Thanh tra và người đứng đầu đơn vị về toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao…

Trưởng phòng có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và do người đứng đầu đơn vị hoặc cấp phó trực tiếp phụ trách giao; phó trưởng phòng có trách nhiệm giúp trưởng phòng quản lý hoạt động của phòng theo phân công của trưởng phòng…

Thư ký, công chức giúp việc lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tiếp nhận và kiểm tra thể thức hồ sơ, tài liệu trình giải quyết công việc của thủ trưởng các đơn vị để trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; nghiên cứu, tham mưu ý kiến cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về nội dung hồ sơ trình của các đơn vị.

Đối với quy định về tổ chức tiếp công dân tại Chương VIII, Quy chế quy định, Tổng Thanh tra thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật về tiếp công dân. Các Phó Tổng Thanh tra tiếp công dân theo sự phân công của Tổng Thanh tra đối với lĩnh vực, địa bàn được giao phụ trách để giúp Tổng Thanh tra thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của pháp luật tiếp công dân.

Ban Tiếp công dân Trung ương chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để bố trí lịch tiếp công dân, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tiếp công dân đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Chính phủ hoặc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đề xuất việc giải quyết, kiểm tra và tổng hợp, làm báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về kết quả tiếp công dân gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phụ trách, đồng thời gửi Vụ Kế hoạch - Tổng hợp và các đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn phục vụ công tác tổng hợp…

Vụ trưởng các vụ: I, II, III; cục trưởng các cục: I, II, III, IV, V và thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm cung cấp các tàỉ liệu liên quan và phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương để tiếp công dân, xử lý đơn thư mà đơn vị mình được giao xem xét, xử lý.

Không giao lưu, ăn uống... với đối tượng thanh tra

Chế độ thông tin, báo cáo, bảo vệ bí mật và kỷ luật lao động được quy định từ Điều 42 tới Điều 45 Chương X. Các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu trách nhiệm thực hiện bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định pháp luật và Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước của Thanh tra Chính phủ.

Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, công chức, viên chức, người lao động phải thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và các nội quy, quy chế hành chính của cơ quan; nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và người đứng đầu đơn vị; thực hiện nghiêm túc công việc được giao, không để quá hạn, không bỏ sót nhiệm vụ được phân công, không đùn đẩy, né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức hoặc thẻ thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Chấp hành đúng thời gian làm việc, không giải quyết việc riêng trong giờ hành chính, không gây mất trật tự cơ quan, đơn vị, không tự ý tiếp khách tại phòng làm việc, không sử dụng tài sản, thiết bị, phương tiện của cơ quan, đơn vị để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Không nhận tiền, quà, tài sản; không tổ chức giao lưu, ăn uống, đi tham quan, du lịch... với đối tượng liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các công tác khác theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức không được lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị công tác hoặc để người thân lợi dụng danh nghĩa để xử lý, giải quyết công việc riêng như vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện, tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.. .của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan hoặc để trục lợi.

Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; hút thuốc lá đúng nơi quy định; nghiêm cấm sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, ngày trực.

Không được tự ý bỏ việc, vắng mặt trong giờ hành chính, rời khỏi trụ sở cơ quan trong giờ làm việc nếu không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Khi tham gia các cuộc họp, hội nghị phải có mặt đúng giờ; không được tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến cơ quan Thanh tra Chính phủ dưới mọi hình thức khi chưa được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, người đứng đầu đơn vị cho phép…

Trường hợp nghỉ việc riêng, nghỉ ốm, nghỉ thai sản, nghỉ việc không hưởng lương được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động và các quy định của cơ quan.

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị và các quy định pháp luật khác về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được làm.

Phương Hiếu