Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh chủ trì cuộc họp về Đề án của Chính phủ

Thái Hải

Thứ năm, 11/06/2020 - 22:37

(Thanh tra) - Ngày 11/6, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án của Chính phủ “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN”.

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh phát biểu tại cuộc họp: Ảnh: TH

Trình bày về sự cần thiết xây dựng đề án, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, hiện nay, những yếu kém, sai phạm của DNNN dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước và thiệt hại cho chính DN. Trước yêu cầu đổi mới quản lý Nhà nước đối với DNNN tập trung vào các yêu cầu đối với công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN. 

Phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN hay bảo đảm phạm vi, nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nội dung quản lý và sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; được thực hiện với phương thức phù hợp với yêu cầu của quản lý Nhà nước đối với DNNN… cho thấy cần thiết phải xây dựng và thực hiện Đề án nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan quản lý Nhà nước đối với DNNN; kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong DNNN. Đồng thời, bảo đảm việc quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước, góp phần bảo đảm, bảo vệ, nâng cao giá trị của DNNN, phát huy vai trò của các DNNN trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. 

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chia sẻ, trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án đã tiến hành gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Đề án; trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tế về hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với DNNN, về phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN, nhằm xác định nội dung Đề án.

Bên cạnh đó, xây dựng đề cương dự thảo Đề án bao gồm các nội dung: Quan điểm và nguyên tắc, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với DNNN; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN…

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Đề án tập trung vào 5 nhóm giải pháp, đó là: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN; tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN; tăng cường công khai thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN và phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị tên gọi của Đề án là “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN”.

Liên quan tới phạm vi của Đề án, có ý kiến đề xuất nên đưa vào Đề án nội dung về kiểm soát nội bộ DNNN. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 97, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án riêng về hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ của DNNN. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng nội dung Đề án này chỉ tập trung vào hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thuộc phạm vi thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cơ bản thống nhất với tên gọi và các nội dung của Đề án. Đi vào nội dung cụ thể trong nhóm giải pháp, liên quan tới công tác hoàn thiện thể chế, mục tiêu đặt ra là phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề lớn nổi lên trong thời gian dài, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc nhận thấy về tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và kiểm toán là rất khó để xử lý. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu cơ chế làm việc với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ vấn đề này, nhưng, hiện tại vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

“Thanh tra thì có Luật Thanh tra, kiểm toán thì cũng có Luật Kiểm toán. Mà Kiểm toán là cơ quan của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán thì hàng năm báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi kế hoạch thanh tra thì lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nên khó khăn càng chồng khó khăn”, vị đại diện này chia sẻ thêm.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng đưa ý tưởng “ngành Thanh tra đã tiến hành tổng kết Chỉ thị 20, cho nên, nếu được, đưa bổ sung nội dung tổng kết trong quá trình 3 năm vừa rồi chúng ta có những ưu điểm gì thì đưa vào trong Đề án. Giải pháp của Đề án này có thể là một giải pháp như Chỉ thị 20. Nếu khả thi và đi vào cuộc sống thì có thể là nội dung điểm nhấn”. 

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh yêu cầu Ban soạn thảo, thường trực Tổ biên tập Đề án tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp và tiếp tục nghiên cứu, sau hôm nay (11/6) cần làm việc trực tiếp thêm với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là 2 cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

Về cách làm việc trong thời gian tới, từ giờ tới hạn chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa, vì vậy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đề nghị thường trực Tổ biên tập Đề án phải tăng cường độ làm việc cao hơn nữa, tập trung hơn nữa. Theo đó, Ban soạn thảo sẽ làm việc với Tổ biên tập, sau đó tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Đề án.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ

Quảng Nam kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ

(Thanh tra) - Hôm nay (08/11), tại UBND huyện Quế Sơn, ông Lưu Tấn Lại, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Quảng Nam công bố văn bản kiểm tra công tác VSTBPN năm 2024 đối với Ban VSTBPN huyện Quế Sơn và Ban VSTBPN xã Quế Thuận.

Lâm Ánh

09:45 08/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm