Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 2844/BC-TTCP về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Triển khai hơn 154.000 cuộc thanh tra, kiểm tra

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Thanh tra Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó đã quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, như: Tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC).

Toàn ngành đã triển khai 7.172 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 214.335 tỷ đồng, 495 ha đất. Trong đó kiến nghị thu hồi 158.908 tỷ đồng và 56 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 55.428 tỷ đồng, 439 ha đất; ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 283 vụ, 363 đối tượng.

Năm 2023, có 291.125 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước KN,TC, kiến nghị, phản ánh với 316.489 người, 240.531 vụ việc. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 17.122/23.793 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết KN,TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 8,7 tỷ đồng; 14,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 31 tổ chức; 373 cá nhân; kiến nghị xử lý 414 người.

Trong năm, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết KN, xử lý TC, PCTN được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 9.288 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 394 đơn vị vi phạm…

Đối với việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong năm đã có 288.330 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; có 6.934 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập tại 3.520 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 82 vụ việc, 117 người…

Hoàn thành tổng kết Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện UNCAC; trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2030. Ngoài ra, toàn ngành tiếp tục thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022; ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”; hoàn thành báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2023 trình Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ 6…

Về công tác thể chế, ngành Thanh tra tập trung triển khai xây dựng các đề án, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và kế hoạch xây dựng thể chế năm 2023 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, triển khai kế hoạch thi hành Luật Thanh tra 2022; kế hoạch xây dựng thể chế và các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ; trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022; tiếp tục xây dựng các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN; tổng kết Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014…

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra

Năm 2024, toàn ngành Thanh tra tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, trong đó triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu:

Về công tác thanh tra, bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn KN,TC và dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh công tác giảm sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra…

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật KN,TC, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác này.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; phối hợp chặt chẽ với địa phương tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc KN,TC phức tạp. Đồng thời nắm tình hình khiếu kiện của công dân, đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ, sự kiện chính trị. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%...

Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là Luật PCTN 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác PCTN. Tăng cường quản lý Nhà nước về PCTN, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiếp tục xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…

Về công tác thể chế, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thanh tra và các nghị định hướng dẫn thi hành, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2024; Kế hoạch rà soát và pháp điển hoá năm 2024; kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 của Thanh tra Chính phủ.

Phương Anh