Thanh tra giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi

Theo ông Cường, hoạt động thanh tra, kiểm tra là góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi. Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện những hạn chế, bất cập để xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về kỳ thi trong những năm tiếp theo.

Do vậy, Bộ GDĐT yêu cầu, các sở GDĐT, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GDĐT; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng.

Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GDĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sở GDĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra; không làm thay nhiệm vụ hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Về nội dung thanh tra, kiểm tra, ông Cường cho biết, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GDĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, sở GDĐT, hội đồng thi, điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của sở GDĐT. Đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GDĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và điểm thi.

Công tác chuẩn bị thi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 7, 8,9,10,12,13,16, 18,19, 57, 58, 59, 60 Quy chế thi và Mục II, Mục III, Mục VIII, Mục IX Hướng dẫn số 1277; công tác coi thi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 8, 9, 10, 14, 19, 20, 21, 22, 23, 54 Quy chế thi và Mục IV Hướng dẫn số 1277; công tác chấm thi, thanh tra, kiểm tra công tác chấm bài thi tự luận trong việc thực hiện các quy định tại Điều 24,25,26,27,30 của Quy chế thi và Mục V, Mục VI. 1,2, 6, 8, 9 Hướng dẫn số 1277; công tác chấm bài thi trắc nghiệm, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 24, 28, 29 Quy chế thi và Mục VI. 1, 3, 4, 7, 8, 9 Hướng dẫn số 1277; công tác phúc khảo bài thi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 32, 33 Quy chế thi và Mục VI.5, 9 Hướng dẫn số 1277; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định từ Điều 35 đến Điều 44 Quy chế thi và Mục VII Hướng dẫn số 1277…

Về cách thức thanh tra, kiểm tra, ông Cường cho biết, đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc với đối tượng thanh tra, kiểm tra, công bố quyết định thanh tra hoặc thông báo quyết định kiểm tra; nghe, nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc báo cáo trực tiếp); thu nhận và kiểm tra, đối chiếu các văn bản chỉ đạo, phối hợp, văn bản triển khai công tác tổ chức kỳ thi; kiểm tra, xác minh thực tế việc thực hiện nhiệm vụ của các thành phần thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra và các đối tượng có liên quan; xử lý hoặc kiến nghị xử lý những hạn chế, thiếu sót, vi phạm (nếu có); lập biên bản thanh tra, kiểm tra với đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Quy trình thanh tra, kiểm tra thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15. Các đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT thực hiện theo quy trình kiểm tra và các biểu mẫu kiểm tra ban hành kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2023 của Bộ GDĐT quy định về công tác kiểm tra của Bộ GDĐT, trong đó lưu ý trưởng đoàn xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra trình người ra quyết định kiểm tra phê duyệt theo mẫu số 01-HD của Hướng dẫn số 1932/BGDĐT-TTr…

Các đoàn kiểm tra của sở GDĐT thực hiện theo quy định của sở GDĐT (nếu có) hoặc tham khảo một số lưu ý tại điểm b khoản 1 mục III phần B Hướng dẫn số 1932/BGDĐT-TTr.

Hồ sơ đoàn kiểm tra thực hiện theo Quy định về công tác kiểm tra của Bộ GDĐT hoặc của sở GDĐT (nếu có), gồm có quyết định kiểm tra; kế hoạch tiến hành kiểm tra; báo cáo giải trình của đối tượng kiểm tra (nếu có); biên bản kiểm tra, xác minh; biên bản ghi nhớ và kiến nghị (nếu có); minh chứng liên quan đến các hạn chế, thiếu sót, vi phạm (nếu có); báo cáo kết quả kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra (nếu có); nhật ký đoàn kiểm tra (nếu có); trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tổng hợp hồ sơ của đoàn thanh tra, kiểm tra, lập danh mục hồ sơ và nộp lưu trữ theo quy định.

Người tham gia thanh tra có trình độ chuyên môn phù hợp

Về thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra, theo ông Cường, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các địa phương; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập đoàn kiểm tra.

Chánh thanh tra sở GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GDĐT; trường hợp cần thiết, giám đốc sở GDĐT quyết định thành lập đoàn kiểm tra.

Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Về điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra, ông Cường cho biết, người tham gia thanh tra, kiểm tra là công chức thanh tra, người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, giảng viên cơ hữu của đại học, trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GDĐT; là thanh tra viên, công chức, viên chức của cơ quan thanh tra tỉnh, các đơn vị thuộc/trực thuộc sở GDĐT đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GDĐT; là cán bộ của Cục Nhà trường đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường; có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2023; đã tham dự tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài đánh giá sau tập huấn…

Khi các đoàn của ban chỉ đạo, lãnh đạo các cấp đến kiểm tra, làm việc theo chức năng, nhiệm vụ tại hội đồng thi hoặc điểm thi thì các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ, của sở và Cục Nhà trường thực hiện nhiệm vụ bình thường, giữ vị trí theo phân công. Cử đại diện báo cáo các đoàn của ban chỉ đạo, lãnh đạo các cấp nếu được yêu cầu.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, ban chỉ đạo cấp tỉnh, thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ GDĐT, sở GDĐT, Cục Nhà trường, thanh tra sở GDĐT, lãnh đạo hội đồng thi, trưởng điểm thi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về Kỳ thi theo quy định của quy chế thi và các quy định pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến kỳ thi được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở GDĐT báo cáo số điện thoại đường dây nóng; họ tên, số điện thoại liên hệ của cán bộ trực thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của sở GDĐT về Thanh tra Bộ và công khai theo quy định trước ngày 10/6/2024.

Cuối mỗi buổi coi thi hoặc ngày chấm thi, phúc khảo, thanh tra sở tổng hợp vi phạm (nếu có), báo cáo về Thanh tra Bộ GDĐT. Sở GDĐT báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT của sở gửi về Thanh tra Bộ GDĐT theo Mẫu số 06-HD trước ngày 15/8/2024. Cục Nhà trường báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp về Thanh tra Bộ GDĐT theo Mẫu số 06-HD trước ngày 15/8/2024.

Phương Hiếu