Kế hoạch yêu cầu cả hệ thống quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân.
Hà Nội yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong nội bộ, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, "tự soi", "tự sửa"; có biện pháp để phòng ngừa và tự giác khắc phục khuyết điểm, hạn chế; kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chạy theo thành tích.
Thành phố đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển của thành phố. Các cơ quan phải đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Nội dung Kế hoạch nêu rõ, cần chú trọng hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến tất cả lĩnh vực bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác tham mưu xây dựng các quy định, cơ chế, chính sách; không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong các quy định, cơ chế, chính sách. Đặc biệt, cần chú trọng hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các quy định, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan liên quan phải chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực.
Kế hoạch yêu cầu cần tập trung thanh tra cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí thông qua sản phẩm cụ thể...
Thanh tra thành phố được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn.
Thời gian qua, địa bàn Thủ đô còn xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 205/KH-UBND là cần thiết, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
Nguyễn Cúc