Ngành Thanh tra góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội

Khép lại năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng TTCP và ngành Thanh tra đã triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trên các mặt công tác, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và cho rằng trong kết quả chung của đất nước đã đạt được về kinh tế - xã hội, có sự đóng góp tích cực của ngành Thanh tra trong việc phát hiện và xử lý theo thẩm quyền vi phạm pháp luật và đề xuất, kiến nghị sửa đổi kịp thời các bất cập, thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước; tham mưu xử lý tình hình khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong năm 2024, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, TTCP và ngành Thanh tra tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2023, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng TTCP và ngành Thanh tra đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp hoàn thành khá toàn diện các mặt công tác như xây dựng thể chế, công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác xây dựng ngành đã đạt những kết quả tích cực, quan trọng.

Kết quả đạt được là vậy, nhưng nhìn lại thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên số đơn thư, đoàn đông người khiếu nại, tố cáo tăng so với năm 2022. Còn tình trạng “tham nhũng vặt”, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ để giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn nhiều bất cập, hạn chế...

“Những tồn tại, hạn chế nói trên do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực... mà từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong bộ máy Nhà nước và ngành Thanh tra cần quan tâm khắc phục”, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong trao cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023. Ảnh: PH

Tiếp tục đoàn kết, đổi mới

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, 2024 là năm “nước rút” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026. Dự báo tình hình tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức. Để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, TTCP và ngành Thanh tra cần tiếp tục đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, quyết tâm, quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

Thứ nhất, về công tác thanh tra: Bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ được giao đột xuất, bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Trong đó: 

(1) Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; đầu tư xây dựng; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; đấu thầu, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng; tín dụng, cho vay bất động sản, trái phiếu, chứng khoán…

(2) Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác thanh tra giai đoạn hiện nay là phải tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, trách nhiệm, bản lĩnh trong tổ chức và hoạt động thanh tra. Do vậy, đề nghị các đồng chí cần nghiên cứu, nắm chắc các quy định tại Nghị quyết số 45/2022, số 76/2023 và Quyết định số 465/2022 của Ban Cán sự Đảng và Tổng TTCP để tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong hoạt động thanh tra.

(3) Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án 153 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tham mưu thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo; nhất là tại các địa phương có khiếu kiện liên quan đến đất nông - lâm trường quốc doanh.

Thứ ba, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và Kế hoạch Thực thi công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tăng cường triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì khẩn trương chuyển ngay sang cơ quan điều tra xử lý (không chờ ban hành kết luận thanh tra).

Thứ tư, về công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành: Cần thường xuyên rà soát để hoàn thiện thể chế đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của ngành Thanh tra. Tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ ngành Thanh tra để cán bộ yên tâm, giữ vững lòng tin, bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.       

“Năm mới 2024 đã đến, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi áp lực, gian nan, vất vả, luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ thanh tra. Tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng của cán bộ, công chức, người lao động, ngành Thanh tra sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao năm 2024”, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Phương Hiếu