Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thanh tra & Những sự kiện nổi bật 2012

Thứ hai, 07/01/2013 - 01:09

(Thanh tra) - Cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, ngành Thanh tra đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dưới đây là các sự kiện lớn của ngành Thanh tra năm 2012.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

1. Tổ chức thành công 3 hội nghị khu vực về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cả 3 Hội nghị trực tiếp do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì. Hội nghị khu vực phía Bắc được tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 20/3. Ngày 22/3, Hội nghị khu vực miền Trung Tây Nguyên diễn ra tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Hội nghị khu vực phía Nam được tổ chức tại TP. Cần Thơ, ngày 27/3. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong 4 năm qua, các cấp, các ngành ở các địa phương trong cả nước đã tiếp 370.080 lượt người, trong đó có 4.072 lượt đoàn đông người. Các Bộ, ngành Trung ương đã tiếp 70.912 lượt người, trong đó có 390 đoàn đông người; tiếp nhận 173.645 đơn thư các loại, trong đó 43.721 đơn KN, TC. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 2/5. Tại Hội nghị này, các cơ quan chức năng báo cáo, toàn quốc còn 528 vụ KN, TC phức tạp, kéo dài còn tồn đọng.


2. Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo chính thức có hiệu lực từ 01/7/2012.
Hai dự án luật này đều đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011. Với 8 chương, 70 điều, Luật Khiếu nại quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người KN và người giải quyết KN. Trong đó, KN không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người KN thì không được thụ lý giải quyết. Đối với việc tiếp công dân, Luật quy định, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày, cấp huyện tiếp mỗi tháng ít nhất hai ngày, cấp tỉnh và thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tiếp mỗi tháng ít nhất một ngày. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiếp công dân khi có yêu cầu cấp thiết… Luật Tố cáo dành hẳn một chương (chương 5) về bảo vệ người TC. Trong đó quy định phạm vi, đối tượng, thời hạn bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của người TC được bảo vệ; bảo vệ bí mật thông tin về người TC; bảo vệ người TC tại nơi công tác, nơi làm việc...

3. Hàng loạt Nghị định quan trọng hướng dẫn thi hành pháp luật về thanh tra, giải quyết KN, TC được ban hành: Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 Quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định 75 ngày 03/10/2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại; Nghị định 76 ngày 03/10/2012 về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo…


4. Thanh tra Chính phủ là đầu mối quốc gia trong thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
Quy chế phối hợp thực hiện UNCAC do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nêu rõ: Thanh tra Chính phủ là đầu mối quốc gia có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin chung về thực hiện Công ước của Việt Nam theo yêu cầu của Công ước; Tiếp nhận, thực hiện hoặc chuyển tới các cơ quan, tổ chức của Việt Nam những thông tin, đề nghị hợp tác liên quan đến Công ước từ phía quốc tế. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động thực thi Quy chế của các Bộ, ngành, địa phương; đề xuất thực hiện các nhiệm vụ phát sinh khác nhằm thực thi Công ước; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Công ước trên phạm vi cả nước.


5. Ban hành kế hoạch cải cách hành chính đến năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, TTCP đã đã xây dựng, ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2011 - 2020. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính công cơ quan TTCP nói riêng, ngành Thanh tra nói chung.


6. 6 tỷ đồng dành cho các sáng kiến PCTN 2013.
Ngày 29/11, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới chính thức phát động chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng năm 2013 (VACI 2013) với chủ đề “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm, giảm tham nhũng”. VACI 2013 sẽ hướng vào các đối tượng tham gia là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương có tư cách pháp nhân, trừ các cơ quan Thanh tra Trung ương, Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Thế giới và các cơ quan thuộc quân đội và công an. Bốn chủ đề nhỏ được khuyến khích hiến ý tưởng là: Xây dựng một nền hành chính phục vụ, tăng cường liêm chính công và đạo đức công vụ, nâng cao tính minh bạch và quyền tiếp cận thông tin, nâng cao tính trách nhiệm. Ít nhất 20 giải thưởng trị giá 6 tỷ đồng sẽ được trao cho các tập thể, cá nhân là tác giả các đề án có giá trị thực tiễn. Trước đó, tháng 8, TTCP đã tổ chức hội thảo giữa kỳ VACI 2011 nhằm đánh giá việc triển khai các Đề án đoạt giải năm 2011 trong thực tiễn.


7. Tăng thẩm quyền, có thêm 3 Vụ:
Nghị định 83 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 09/10/2012 thay thế Nghị định 65/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/12/2012. Về cơ cấu tổ chức, theo quy định tại Nghị định 83/2012/NĐ-CP, Thanh tra Chính phủ có 19 vụ, cục, vụ, đơn vị, tăng 3 đơn vị so với qui định tại Nghị định 65, gồm: Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp; Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư; và Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.


8. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi được thông qua.
Với 94,98% đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XIII đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 4. Theo đó, người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Không kê khai tài sản của bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… Đồng thời, chỉ công khai bản kê khai tài sản tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và chưa công khai tại nơi cư trú.


9. PCTN được chú trọng từ cấp địa phương:
Đối thoại PCTN lần thứ 11 với chủ đề “Công tác PCTN ở địa phương - thực trạng và giải pháp” được tổ chức ngày 06/12 với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh. Tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian hơn 1 năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động để tổng kết, đánh giá toàn diện công tác PCTN như sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X của Đảng, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật PCTN…


Theo đánh giá của TTCP, kể từ sau Đối thoại về PCTN lần thứ 10, công tác PCTN tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả trên nhiều mặt. Qua hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra Nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng và đã kiến nghị xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự theo đúng mức độ vi phạm và quy định của pháp luật. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm đã phát hiện, khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 410 tỷ đồng.


10. Rà soát 527/528 vụ KN, TC tồn đọng, kéo dài, đạt 99,81%.
Đây là số liệu được công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130 của TTCP tổ chức ngày 11/12. Theo báo cáo, các Bộ, ngành đã ban hành 114 văn bản chỉ đạo, trong đó 24 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức 447 hội nghị với 40.532 cán bộ tham gia để phổ biến, quán triệt và hướng dẫn việc thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đã tiếp 72.547 lượt  người, 606 lượt đoàn đông người. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp 60.942 lượt người cả nước, đã tiếp nhận và xử lý 20.746 đơn thư KN, TC. Như vậy, tính đến 30/11, đã cơ bản rà soát xong 527/528 vụ KN, TC tồn đọng.


Cẩm Thúy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm