Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Luật Thanh tra sửa đổi: Mới và mạnh

Thứ hai, 03/01/2011 - 15:19

(Thanh tra) - Còn gần 200 ngày để Luật Thanh tra (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Ngay từ những ngày đầu năm này, cơ quan TTCP đã và đang tích cực, chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn để Luật đi vào cuộc sống. Trong sự bận rộn đó, Phó tổng Thanh tra Chính phủ - Ông Trần Đức Lượng đã dành cho Báo Thanh tra cuộc trò chuyện về những điểm mới của Luật Thanh tra sửa đổi.

Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

***Tăng thẩm quyền và trách nhiệm cho cơ quan Thanh tra

Chủ động và tăng tính tự chịu trách nhiệm

PV: Thưa Phó Tổng Thanh tra, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua là dự án luật được trông đợi bởi có nhiều qui định mới tăng thẩm quyền, củng cố địa vị pháp lý của cơ quan Thanh tra. Xin đồng chí phân tích các điểm mới này?

Ông Trần Đức Lượng: Có thể khẳng định, Luật Thanh tra sửa đổi lần này có rất nhiều điểm mới so với Luật năm 2004, tập trung làm rõ địa vị pháp lý của các cơ quan Thanh tra, bảo đảm tăng tính tập trung, tính thống nhất trong chỉ đạo điều hành chung. Đồng thời làm tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan Thanh tra, bổ sung các qui định về việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra; bổ sung những chế tài đối với người đi thanh tra, người chỉ đạo, người ra quyết định thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan liên quan.

Các điểm mới nằm ở tất các các chương của Luật và dễ nhận ra ngay từ chương đầu tiên. Về mục đích thanh tra, quán triệt lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của người dưới”, Luật xác định: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các qui định của pháp luật”. Tuy ngắn gọn như vậy nhưng nó không chỉ làm rõ hơn huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn xác định rõ mối quan hệ của thanh tra với các cơ quan. Theo đó, hoạt động thanh tra là nhằm giúp các cơ quan thực hiện đúng các qui định của pháp luật.

Chương đầu tiên cũng bổ sung nhiều khái niệm, định nghĩa mới như: Định hướng chương trình thanh tra là gì, kế hoạch thanh tra là như thế nào, cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành là cơ quan nào, người được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành là ai…

Về mặt tổ chức, Luật 2004 chỉ qui định đến cơ quan Thanh tra Nhà nước và tổ chức Thanh tra nhân dân. Nay, Luật còn qui định rất cụ thể về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Về mặt chức năng, Luật 2004 và Luật Chống tham nhũng chưa đề cập đến chức năng quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng của cơ quan Thanh tra. Nay, Luật qui định rất rõ, cơ quan Thanh tra Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đây là một nội dung rất quan trọng vì PCTN đã được Chính phủ xác định là một trong những công tác trọng tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong những năm gần đây, nhưng chưa được đề cập đến trong các văn bản pháp luật.

Một nội dung cũng rất mới, đó là qui định hoạt động thanh tra không được trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra. Ở đây được hiểu gồm các cơ quan Thanh tra Nhà nước và cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Qui định về cách phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra và các cơ quan liên quan cũng rất mới. Luật 2004 chỉ qui định cơ quan Thanh tra phải phối hợp với các cơ quan liên quan mà không có qui định về chiều ngược lại. Luật lần này xác định rất rõ mối liên hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan tại Điều 11: “Trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan công an, Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý, kiến nghị đó. Cơ quan, tổ chức hữu quan khác khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có trách nhiệm thực hiện và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó”.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Luật mới ở chỗ cấm hành vi “cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Tại sao trong các điều cấm lại bổ sung điều này? Bởi lẽ, Luật đã giao quyền cho người đứng đầu các cơ quan Thanh tra Nhà nước quyền được ra quyết định thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Giao quyền rồi mà người đứng đầu cơ quan Thanh tra lại cố tình không ra quyết định thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có nghĩa là có chuyện! Và anh phải chịu trách nhiệm!

Những phân tích nói trên, tuy chưa đầy đủ, nhưng đã cho thấy các điểm rất mới của Luật sửa đổi, tăng thẩm quyền cho cơ quan Thanh tra. Điều đáng nói là các điểm sửa đổi mới phù hợp với từng cơ quan Thanh tra ở từng cấp như cơ quan TTCP, thanh tra cấp Bộ, ngành và cấp tỉnh, huyện, sở.

Thẩm quyền của TTCP cũng “mới”!

PV: Xin Phó Tổng Thanh tra phân tích cụ thể hơn các điểm mới trong qui định về thẩm quyền của cơ quan TTCP?

Ông Trần Đức Lượng: Đúng là các qui định về thẩm quyền, hoạt động của cơ quan TTCP cũng có rất nhiều điểm mới cho thấy sự chủ động và thẩm quyền của cơ quan này tăng lên.

Luật trước qui định cơ quan TTCP phải trình kế hoạch thanh tra để được duyệt. Nay, cơ quan Thanh tra chủ động xây dựng định hướng chương trình thanh tra và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra.

Cái mới thứ hai đối với cơ quan TTCP là qui định về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Trước đây Luật qui định cơ quan TTCP chỉ có trách nhiệm đào tạo Thanh tra viên. Nay, cơ quan này phải chịu trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng toàn thể công chức làm công tác thanh tra và thanh tra chuyên ngành.

Một điểm mới cực kỳ quan trọng nữa là TTCP có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị tại các kết luận thanh tra của TTCP và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này không chỉ là thêm việc mà còn thể hiện thẩm quyền của cơ quan Thanh tra tăng lên.

Qui định cụ thể đối tượng của cơ quan TTCP cũng rất mới. Đó là các doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Đồng thời, TTCP phải kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần thiết.

Thẩm quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có nhiều điểm rất mới. Đó là chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các thanh tra bộ, giữa thanh tra bộ và thanh tra tỉnh. Tổng Thanh tra có quyền ra quyết định thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; ra quyết định thanh tra lại các vụ việc đã được Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đề nghị Bộ trưởng, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra.

Trong việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận hoặc xử lý vi phạm, Tổng Thanh tra hoàn toàn có quyền kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành qui định cho phù hợp với yêu cầu quản lý, kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ qui định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ tướng có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Đây là những điểm rất mới. Và, quan trọng hơn nữa là tất cả các điểm mới này được áp dụng tương tự với thanh tra các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ về đối tượng thanh tra của thanh tra Bộ là các doanh nghiệp do Bộ trưởng ký quyết định thành lập. Còn thanh tra tỉnh có trách nhiệm “quản” các doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập. Như vậy, có thể thấy, cách qui định như trên đảm bảo được tính thống nhất, tập trung rất cao trong toàn ngành.

“Luật hóa” thanh tra chuyên ngành

PV: Thưa Phó Tổng Thanh tra, một trong những thành công lớn khác của Luật sửa đổi lần này, đó là “luật hóa ” lực lượng thanh tra chuyên ngành. Đây là một lời giải rất cần thiết cho thực trạng chồng chéo, trùng lắp mà lâu nay dư luận lên tiếng. Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết những điểm mới của các qui định này?

Ông Trần Đức Lượng: Đúng là Luật 2004 không có qui định riêng về lực lượng thanh tra chuyên ngành. Và trên thực tế có tình trạng nhiều bộ, ngành thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Tổng cục, thanh tra Chi cục thuộc Cục… Sự xuất hiện quá nhiều tổ chức thanh tra chuyên ngành dẫn đến việc trùng lắp, chồng chéo trong công tác thanh tra. Luật sửa đổi đã qui định rất rõ về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo nguyên tắc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan Thanh tra độc lập. Việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực do Chính phủ qui định, theo đề nghị của Tổng TTCP sau khi đã thống nhất với Bộ trưởng. Khi tiến hành thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo qui định của pháp luật.

Tìm hiểu kỷ hơn, có thể nhận thấy các qui định về thanh tra viên, về cộng tác viên thanh tra, hoạt động thanh tra như xây dựng kế hoạch, hình thức thanh tra, công khai kết luận thanh tra… cũng đều rất mới!

PV: Có thể nói, Luật sửa đổi lần này sẽ đem lại một diện mạo mới cho cơ quan Thanh tra. Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, còn rất nhiều việc phải làm. Xin Phó tổng Thanh tra chia sẻ thêm về khối lượng công việc này?

Ông Trần Đức Lượng: Đúng là như vậy. Ngay từ cuối năm 2010, lãnh đạo cơ quan TTCP đã rất quan tâm đến việc xây dựng các văn bản hướng dẫn để luật thực sự đi vào cuộc sống. Ngoài các việc thuộc thẩm quyền Chính phủ ban hành mà cơ quan TTCP phải xây dựng để trình, cơ quan TTCP còn phải xây dựng các văn bản hướng dẫn. Ít nhất có 4 Nghị định mà TTCP phải trình Chính phủ xem xét ban hành trong 6 tháng đầu năm 2011. Đó là Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định qui định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Nghị định qui định về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan TTCP và Nghị định qui định về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra… Đây là khối lượng công việc rất lớn và được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo cơ quan TTCP quan tâm, chỉ đạo sát sao để toàn ngành chủ động đưa luật vào cuộc sống.

 Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!

 PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm